Đến lượt Norton?

Theo BusinessWeek, mối đe dọa người sử dụng máy tính hiện nay không phải là thư rác, phần mềm gián điệp chuyên ăn cắp thông tin mà là những lỗ hổng trong phần mềm chống virus thông dụng nhất hiện nay.

Các tay tin tặc, đã chán chuyện tấn công Microsoft nay quay sang Symantec Corp. với hàng loạt sản phẩm Norton nổi tiếng đang được 50 triệu người sử dụng như hàng rào phòng vệ đầu tiên. Symantec là thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực phòng chống và diệt virus, chiếm đến 64% thị phần, bỏ xa đối thủ McAfee chỉ có 15,7%. Chính vì thế, xu hướng tin tặc tấn công sản phẩm Norton sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu và uy tín của hãng này. Theo BusinessWeek, các tay tin tặc đang lợi dụng một số lỗ hổng trong các phần mềm Norton để truy cập thông tin trong máy tính của người dùng. Trong nhiều trường hợp, tin tặc còn lợi dụng phần mềm của Symantec như một cổng vào để truy cập máy chủ của doanh nghiệp. Theo số liệu của Viện SANS, một tổ chức theo dõi chuyện bảo mật máy tính, số lượng các cuộc tấn công của tin tặc nhắm vào Symantec đã tăng 10 lần kể từ khi phát hiện một lỗi trong phần mềm bảo vệ dữ liệu của hãng này hồi tháng Năm.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc John Thompson của Symantec cho rằng hãng của ông sẵn sàng chống đỡ mọi cuộc tấn công của giới tin tặc. Hiện nay, Symantec có khoảng 100 chuyên gia chuyên tìm hiểu các cuộc tấn công để tìm phương án phòng ngừa. Symantec hứa hẹn mỗi khi phát hiện một lỗ hổng trong các phần mềm của mình, họ sẽ có bản vá lỗi trong vòng 28 ngày, nhanh hơn nhiều so với thời gian bình quân 51 ngày các hãng phần mềm khác cần để đưa ra bản vá lỗi.

Nhưng trong thế giới công nghệ thông tin hiện nay, như thế chưa đủ nhanh. Theo AV-Test.org, một công ty theo dõi virus ở Đức, thời gian bình quân để Symantec đáp ứng một vụ bùng phát virus mới là 10 giờ 48 phút. McAfee nhanh hơn một chút - 9 giờ 29 phút, còn Hãng F-Secure, một công ty ở Phần Lan, chỉ cần 2 giờ 37 phút. Một vài giờ, trong lúc mọi người đang hoang mang vì một loại virus mới, mang tính quyết định sống còn đối với một công ty chuyên phòng chống virus như Symantec.

Symantec hiện cũng đang gặp khó khăn trong mô hình bán sản phẩm. Hãng này vẫn còn dùng phương thức bán phần mềm theo dạng đóng gói thông qua các cửa hàng máy vi tính. Trong khi đó, McAfee và các đối thủ khác bắt đầu phát hành sản phẩm qua các công ty dịch vụ Internet để các nơi này phát không cho khách hàng đăng ký của mình. Tổng giám đốc Thompson không muốn cạnh tranh bằng giá vì ông muốn sản phẩm Norton của mình vẫn có giá cao hơn nhưng được người sử dụng máy tính tin dùng. Vấn đề ở chỗ liệu các cuộc tấn công của giới tin tặc sẽ làm khách hàng lo ngại, bỏ Symantec để chuyển sang hãng khác hay không.

NVC dịch

Thứ Bảy, 14/01/2006 09:32
31 👨 50
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp