Đường Tỉnh là gì? Đường Quốc Lộ là gì? Đường cao tốc là gì? Đường huyện, đường xã, đường đô thị, đường chuyên dùng là gì? Đường AH1 hay AH17 là gì? Đây là những loại đường bộ ở Việt Nam nhưng không phải bất kỳ người tham giao thông nào cũng biết. Mời các bạn cùng đọc bài viết dưới đây để biết về định nghĩa các loại đường, đồng thời tìm hiểu thêm về ký hiệu của các loại đường bộ ở Việt Nam.
Mục lục bài viết
Đường quốc lộ là gì?
Đường quốc lộ (QL) là đường nối liền thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường nối liền trung tâm hành chính cấp tỉnh từ 3 địa phương trở lên; đường nối liền từ cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế đến các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên đường bộ; đường có vị trí đặc biệt quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, khu vực.
Ký hiệu của đường quốc lộ là QL.x ghi trên bảng trắng, chữ đen (QL ghi hoa, chữ và số phía sau là tên của đường quốc lộ, cách nhau bằng dấu chấm.
Ví dụ: QL.1A, QL.13, QL.20
Trên toàn lãnh thổ Việt Nam có 128 quốc lộ với tổng chiều dài 17.530 km trong đó quốc lộ dài nhất là Quốc lộ 1A với chiều dài 2.395 km, quốc lộ ngắn nhất là Quốc lộ 35 với chiều dài 6 km, tuyến đường nối cảng Ninh Phúc hay còn gọi là quốc lộ 35 ở Ninh Bình.
Đường Tỉnh là gì?
Đường Tỉnh (ĐT.) hay còn được gọi là tỉnh lộ, là đường nối trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của huyện hoặc nối với trung tâm hành chính của tỉnh lân cận. Đường tỉnh có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đường huyện là gì?
Đường huyện (ĐH.) là đường nối trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Đường xã là gì?
Đường xã (ĐX.) là đường nối trung tâm hành chính của xã với các thôn, làng, ấp, bản và đơn vị tương đương hoặc đường nối với các xã lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với xã.
Đường đô thị là gì?
Đường đô thị là đường nằm trong phạm vi ranh giới địa chính nội thành, nội thị.
Đường chuyên dùng là gì?
Đường chuyên dùng là đường chuyên phục vụ cho việc vận chuyển, đi lại của một hoặc một số cơ quan, tổ chức cá nhân.
Đường cao tốc là gì?
Đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.
Đường AH là gì?
AH gọi là đường bộ xuyên Á - viết tắt của Asian Highway, là hệ thống đường bộ đối ngoại. Tất cả các tuyến AH đều dẫn tới các cửa khẩu quốc tế đường bộ, dẫn đến các quốc gia khác thuộc khối Asean. AH là kết quả của các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết với các nước Asean.
Hiện nay ở VN có 8 tuyến đường thuộc một phần của Asian Highway (AH) là AH1, AH13, AH14, AH15, AH16, AH17, AH131 và AH132. Bảng hiệu AH ở Việt Nam có nền bảng màu xanh dương, chữ trắng.
- AH1: Nối Tokyo (Nhật Bản) đến Thổ Nhĩ Kỳ - chiều dài 20.557km
- Khi đi qua Việt Nam, AH1 trùng với hầu hết tuyến đường QL.1A - bắt đầu từ của khẩu Hữu Nghị ở Lạng Sơn đi đến TP HCM, sau đó tiếp nối với QL.22 để đi cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Chính vì vậy mà đường QL.22 còn có tên khác là đường Xuyên Á.
- AH13: Nối Hà Nội (VN) với Nakhon Sawan (Thái Lan) - chiều dài 1429km.
- AH14: Nối TP Hải Phòng (VN) với Mandalay (Myanmar) - chiều dài 2077km.
- AH15: Nối TP Vinh (Nghệ An) với Udon Thani (Thái Lan) - chiều dài 566km.
- AH16: Nối TP Đông Hà (Quảng Trị, Việt Nam) với Tak (Thái Lan) - chiều dài 1032km.
- AH17: Nối TP Đà Nẵng (Việt Nam) với TP Vũng Tàu (VN) - chiều dài 980km.
- AH131: Nối TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh) với Lào.
- AH132: Nối Quảng Ngãi với Lào.
Hy vọng bài viết trên đã giúp các bạn hiểu thêm về các loại đường bộ ở Việt Nam. Các bạn có thể tìm hiểu thêm về các loại biển báo giao thông ở Việt Nam để nắm rõ ý nghĩa của từng biển báo, từ đó chấp hành đúng luật giao thông đường bộ cũng như biển báo giao thông.