Tháng 4-2002, Tim OReilly đã dự báo, trong vòng năm năm, lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) thế giới sẽ chứng kiến một thành tựu đầy ấn tượng trong lĩnh vực ứng dụng web. Ông đã tạm định danh nó là WebOS. Nói theo cách dễ hiểu nhất, thì WebOS là một hệ điều hành ảo chạy trong trình duyệt web. Cũng có thể xem WebOS như là chiếc “máy tính xách tay” không cần phải luôn mang theo bên người, vì nó cho phép sử dụng mọi lúc, mọi nơi và trên mọi máy tính có nối mạng Internet. WebOS còn được gọi là WOS, Webtop, Web As Desktop, Web Desktop, Virtual Computer hoặc OnlineOS.
Công nghệ độc đáo này hứa hẹn sẽ giải phóng người dùng (thường xuyên làm việc trong môi trường di động) thoát khỏi sự lệ thuộc cả về phần cứng lẫn phần mềm trên máy tính vật lý. Trong khi chờ đợi Google trình làng Google OS, xin được chia sẻ kết quả nghiên cứu về 20 hệ điều hành trực tuyến có triển vọng nhất (xếp theo trật tự của bảng chữ cái). Một vài trong số này có thể đem áp dụng được ngay. Phần lớn còn lại sẽ rất hữu ích đối với các nhà phát triển, tạo cơ sở cho việc xây dựng WebOS “made in Vietnam”.
1. AJAX WINDOWS
(http://www.ajaxwindows.com)
AjaxWindows (AW) đã mô phỏng gần như mọi thứ vốn có ở một hệ điều hành đích thực (real OS). Bạn sẽ được “cầm tay chỉ việc” thông qua hộp thoại trợ giúp (wizard). AW cho phép đồng bộ hóa nhiều loại dữ liệu cá nhân trên ổ đĩa cứng vật lý với “ổ đĩa cứng” trực tuyến 1 GB miễn phí của nó, chẳng hạn như các tập tin nhạc, ảnh, văn bản, thư mục và thậm chí cả tranh dán tường (wallpaper). Ngoài ra, WebOS nói trên còn tích hợp khá nhiều ứng dụng độc đáo, đa phần được lấy từ sản phẩm cùng “lò” – Ajax13 (http://us.ajax13.com/en/).
AW cung cấp nhiều ứng dụng mini (web widget), giúp bạn duyệt đầu tin, xem dự báo thời tiết và những thứ tương tự như thế. Tuy nhiên, tốc độ xử lý hiện còn khá chậm. Màn hình chính mở quá nhiều cửa sổ con, choán không gian làm việc. Nhưng về tổng thể, chúng hoàn toàn hữu dụng. Có điều, nếu bạn khai thác quá nhiều ứng dụng cùng một lúc, máy tính sẽ chạy ì ạch và đôi khi hệ thống bị treo đột ngột. AW là ứng dụng mới nhất thuộc họ WebOS. Mặc dù là “tân binh”, song nó đã bao quát được nhiều chương trình tối cần thiết, vận hành ổn định và đồng bộ dữ liệu – một tính năng chưa xuất hiện ở các đối thủ cạnh tranh. Hạn chế duy nhất mà AW cần sớm khắc phục, đó là tốc độ.
2. CRAYTHUR
(http://www.craythur.com)
Để thu hút sự chú ý, Craythur đã đầu tư rất mạnh vào giao diện đồ họa người dùng (GUI). Kết quả bước đầu cũng khá lạc quan, gần giống với Windows Aero của Vista. Tuy nhiên, các ứng dụng trên Craythur chỉ đang trong giai đoạn “dùng nội bộ” (alpha test) và sử dụng duy nhất tiếng… Tây Ban Nha ! Dĩ nhiên, tất cả đều hoạt động, nhưng chắc chắn chưa thể sánh kịp với những giải pháp khác. Vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận cuối cùng về WebOS này vì nó đang ở thời kỳ đầu của chu trình phát triển sản phẩm.
3. DEKOH
(http://www.dekoh.com)
Dekoh là hệ điều hành nền lẫn (cross-OS desktop platform), cho phép người dùng chia sẻ đa phương tiện trực tuyến. So với Apollo của Adobe, Dekoh có chất lượng tốt hơn, đồng thời khai thác triệt để các ứng dụng Java, Ajax hoặc Flash trên Windows, Linux và Mac OS. Sẽ không có giới hạn về mặt dung lượng lưu trữ và cũng không cần phải upload dữ liệu. Lý do hết sức đơn giản : Dekoh chạy trực tiếp từ máy tính. Nguyên lý hoạt động của WebOS này khá giống với Hamachi – một phần mềm phổ biến để chia sẻ kết nối mạng cục bộ (LAN) trên Internet.
Giao diện của Desktop Portal – trung tâm quản lý ứng dụng tại Dekoh – rất giống với hệ quản trị nội dung (CMS) hơn là hệ điều hành (OS). Bạn có thể cài đặt, quản lý các chương trình cá nhân cũng như giao tiếp với những người dùng Dekoh khác. Bộ ứng dụng của nó khá tân tiến, nhưng tốc độ xử lý thì có vấn đề, đặc biệt là việc nhập khẩu các tập tin nhạc. Dekoh cung cấp khá nhiều ứng dụng. Song, phương thức điều tiết tài nguyên hệ thống như hiện nay là chưa ổn. Thay vì huy động tất cả dung lượng của bộ nhớ mỗi khi chạy chỉ một ứng dụng trong bộ chương trình, Dekoh nên tách bạch chúng ra thành những tiến trình cụ thể để giảm áp RAM.
4. DESKTOP ON DEMAND
(http://www.desktopondemand.com)
Desktop On Demand (DOD) đã đem tất cả những thứ của hệ điều hành Linux nhúng vào trang web. Để dễ hình dung, bạn hãy xem DOD như là một phân hệ Linux chạy trực tiếp từ đĩa CD (Live CD Linux). Nhưng cũng chính vì “tham lam” mà DOD đã gây không ít phiền toái cho người dùng, cụ thể là ở khâu đăng nhập. Điểm đáng khen nhất ở hệ điều hành trực tuyến nói trên, đó là năng lực lựa chọn ứng dụng tích hợp. Bạn có thể lưu trữ dữ liệu trực tuyến (được tặng 1 GB miễn phí), lướt web ẩn danh (xóa dấu vết trên “siêu xa lộ thông tin”)... Tốc độ của DOD tuy chưa cao nhưng có thể chấp nhận được. Hệ thống mang tính ổn định và công năng cũng nhỉnh hơn Live CD Linux. Khả năng cạnh tranh của WebOS này là khá cao bởi lẽ nó không buộc người dùng phải tải về và cài đặt bất kỳ phần mềm máy khách nào. Bạn còn được phép chuyển sang sử dụng phiên bản chạy trên nền Java. Nhìn chung, màn trình diễn ban đầu của DOD tuy chật vật nhưng gây ấn tượng tốt.
5. DESKTOP TWO
(http://www.desktoptwo.com)
Đây là hệ điều hành trực tuyến hoạt động trên nền Flash, tập hợp khá nhiều ứng dụng Web 2.0 phổ biến, chẳng hạn như nhật ký điện tử (blog) và thư điện tử (e-mail). Desktop Two (DT) còn cung cấp nhiều widget, giúp bạn tìm kiếm thông tin, xem lịch và đồng hồ, quản lý hệ thống, nghe nhạc MP3, duyệt đầu tin, nhắn tin tức thời, soạn thảo văn bản, thiết kế web, viết mã lập trình,… Tuy nhiên, tốc độ của DT còn chậm và thường phát sinh lỗi. Ngoài ra, việc sử dụng cửa sổ kiểu pop-up cho từng ứng dụng cụ thể đã khiến cho máy tính rất dễ bị treo hoặc choán màn hình làm việc. Có lẽ DT cần sớm hoàn chỉnh lại giao diện theo hướng thân thiện hơn nếu muốn trở thành một WebOS “thứ thiệt”.
6. EYE OS
(http://www.eyeos.org)
EyeOS có đôi chút khác biệt so với những WebOS khác khi cho phép người dùng triển khai mã nguồn trên máy chủ cá nhân. Bạn có thể chạy thử bản demo trên máy chủ công cộng đặt tại eyeos.info. Nếu không có máy chủ riêng, thì bạn nên đăng ký tài khoản miễn phí. EyeOS chỉ mới dừng lại ở mức hàng… “kiểng”, có giao diện thân thiện nhưng hơi chậm và chưa “hợp khẩu vị” của dân chơi OS sành điệu. Hệ điều hành trực tuyến này cung cấp một số “nhu yếu phẩm” bao gồm lịch, máy tính bỏ túi, sổ địa chỉ, trình duyệt RSS, trình soạn thảo văn bản (sơ cấp), trình upload dữ liệu... Tuy nhiên, tất cả dường như chỉ để... test vì tính năng quá hạn chế ! Một số tùy chọn không hoạt động, chẳng hạn như thay đổi wallpaper. Dù có tham vọng, nhưng với tất cả những gì thể hiện, thì không ai dám tin rằng EyeOS sẽ là một kiệt tác WebOS. Ngay cả mục tiêu vượt qua đối thủ Craythur cũng đã là một thách thức rồi!
7. GCOE X
(http://www.gcoex.com)
Những bước đi vững chắc đầu tiên của GCOE X cho thấy nó sẽ là một WebOS đầy triển vọng. Hiện tại, GCOE X chỉ cung cấp các ứng dụng cơ bản bao gồm trình duyệt web, trình phát MP3, trình nhắn tin tức thời và công cụ thực thi tiến trình bằng dòng lệnh. Tuy nhiên, GCOE X chạy nhanh và ổn định. Ngay cả trang web “nổi tiếng” về số lượng các mẫu quảng cáo Flash như Mtv.com cũng chẳng “làm khó dễ” được trình duyệt web tích hợp trên GCOE X. Hy vọng rằng các nhà phát triển sẽ sớm bổ sung thêm nhiều ứng dụng trọng yếu nữa.
8. G.HO.ST
(http://g.ho.st/)
Viết tắt từ Global Hosted Operating System (hệ điều hành lưu ký toàn cầu), G.ho.st cũng là một WebOS chạy trên nền Flash. Nó có giao diện đồ họa người dùng rất giống với hệ điều hành Microsoft Windows, từ “ngoại hình” cho đến chuyển động, hiệu ứng mờ dần/sáng dần và thậm chí cho phép sử dụng cả menu ngữ cảnh. G.ho.st cũng đã tích hợp thành công khá nhiều công cụ phổ dụng bao gồm trình duyệt web, trình duyệt RSS, nhãn ghi chú điện tử (e-sticker), đồng hồ máy tính, trình e-mail, trình nhắn tin tức thời, công cụ tìm kiếm,… Nhưng nó lại chưa có bộ ứng dụng điện toán văn phòng. Tuy nhiên, G.ho.st cho phép khai thác các ứng dụng từ phía thứ ba, chẳng hạn như Google Docs hoặc Flickr. “Máy tính ảo” này hỗ trợ cơ chế đăng nhập “một cửa” cho tất cả các dịch vụ của nó, đồng thời sử dụng một hệ thống tập tin duy nhất. Ngay từ bây giờ, bạn đã có thể đăng ký sử dụng G.ho.st với 3 GB miễn phí (lưu trữ dữ liệu và sắp tới sẽ có thêm webmail). Về tổng thể, G.ho.st vận hành khá tốt dù rằng đôi lúc còn phát sinh lỗi khi bạn thu nhỏ cửa sổ ứng dụng. Nếu được đầu tư thêm, thì chắc chắn WebOS này sẽ là một tên tuổi lớn.
9. GLIDE
(http://www.glidedigital.com)
Với tất cả những gì đang thể hiện, WebOS thương mại Glide hoàn toàn xứng đáng khi thu phí người dùng 149,95 đô-la/năm đối với trọn gói dịch vụ cao cấp Premium. Ngoài ra, còn có những gói rẻ hơn và thậm chí cả miễn phí dành cho nhiều đối tượng khác nhau. Bạn cũng có thể mở tài khoản trên Glide bằng cách nhắn tin SMS hoặc theo phương thức xác thực thông tin đăng ký qua e-mail.
Glide cung cấp rất nhiều dịch vụ phổ dụng, chẳng hạn như upload và lưu trữ dữ liệu trực tuyến (đến 1 GB), duyệt đầu tin, quản lý bookmarks, lên lịch công tác, tán gẫu, soạn thảo văn bản, webmail, duyệt ảnh, nghe nhạc, xem phim và viết blog. Tuy nhiên, nó cũng đang mắc một số “bệnh” y hệt Desktop Two : mở chương trình dưới dạng cửa sổ pop-up, đầu tư không đồng đều về mặt đồ họa cho các ứng dụng và một số công cụ tuy có mặt nhưng lại không chịu làm việc ! Kiểu bài trí biểu tượng trên Glide còn nhiều điểm bất hợp lý, gây khó khăn và mất thời giờ mỗi khi muốn tái kích hoạt một ứng dụng đã bị đóng lại do nhắp chuột nhầm ! Song, vì là sản phẩm thương mại, nên WebOS này chắc chắn sẽ nhanh chóng được cải thiện.
10. GOOWY
(http://www.goowy.com)
Goowy là một WebOS chạy trên nền Flash. Nhưng trong suốt quá trình sử dụng, “cảm giác” Flash của nó dường như không được thể hiện rõ nét. Bộ ứng dụng trên Goowy được viết rất khéo và tỏ ra hữu ích. Chúng chạy tuy không nhanh như gió, nhưng cũng không đến đỗi chậm như rùa bò ! Các ứng dụng sẽ được trình bày dưới dạng cửa sổ riêng và người dùng có thể di dời, thay đổi kích cỡ hoặc sắp xếp. Những chương trình chính yếu của Goowy, đó là trình upload dữ liệu, dịch vụ webmail, trình duyệt RSS, trình nhắn tin tức thời, công cụ đánh dấu địa chỉ trang web, lịch và sổ địa chỉ. Đặc biệt, hệ điều hành trực tuyến này còn hỗ trợ tính năng kiểm tra chính tả và chặn thư rác.
Lê Nguyễn Bảo Nguyên
(Còn nữa)