Chép thêm dữ liệu vào ổ cứng hoặc tạo thêm nhiều bệnh để tính thêm tiền. Khách không đồng ý sửa cũng phải mất một khoản phí kiểm tra nộp ban đầu mà không được trả lại.
"Phần lớn các trung tâm này đều đưa chi phí phục hồi thông tin khá hấp dẫn, chỉ khoảng vài trăm đồng tính trên mỗi MB dung lượng", anh Nguyễn Đăng Đức, kỹ thuật viên tại cửa hàng vi tính Đất Việt, Bình Thạnh, TP HCM cho biết. Nhiều người muốn cứu những thông tin quan trọng như văn bản, hình ảnh... Đây là dạng file có dung lượng rất nhẹ.
Sau khi ổ cứng (HDD) được kiểm tra, một file hình ảnh cây thư mục sẽ được gửi cho khách hàng để họ có thể lựa chọn thư mục muốn lấy lại, kèm theo thông báo giá. Nếu khách không đồng ý sửa vẫn có thể đến nhận lại HDD của mình.
Để nâng cao tên tuổi, những cửa hàng cứu dữ liệu kiểu này đều khẳng định ngay từ đầu là có thể phục hồi thông tin cho tất cả mọi trường hợp, dù nặng nhất. Họ còn tạo sự yên tâm cho khách khi yêu cầu ghi ra 3 tên file hoặc thư mục có trong ổ cứng của mình để đối chiếu sau kiểm tra.
Anh Đức cũng cho biết: "Các trung tâm như thế thường phô trương bằng những kỹ thuật lạ lẫm, nghe rất kêu như 'công nghệ từ viện hàn lâm khoa học Mỹ', hay 'cấp cứu dữ liệu bằng máy siêu điện từ'... Nhưng sự thực thì các 'phát minh khoa học' này ngay cả dân chuyên nghề lâu năm cũng không ai biết".
Chiêu thức lấy tiền của khách
Ảnh minh họa: webdesign. |
Cũng theo anh Nguyễn Đăng Đức nhận định thì gần 100% ổ cứng đem vào các trung tâm này đều bị nhân viên ở đây mã hóa để lấy thêm tiền của khách hàng. Đặc biệt là đối với nhưng file mà người kiểm tra xem thử thấy nó đặc biệt quan trọng với khách thì cái giá được 'hét' lên khá cao tùy vào bề ngoài của khách "sộp" hay không.
Một số căn bệnh ổ cứng phổ biến cũng được "phù phép" để tính thêm chi phí sửa chữa như xước bề mặt, chết cơ, cháy nổ chip... Khi gặp trường hợp khó phục hồi, cửa hàng đều tự tin đưa ra báo giá cao đến không tưởng, 500 triệu hay 1 tỷ đồng, để khách hàng tự động rút lui. Nếu khách vẫn đồng ý với giá này thì cửa hàng liền áp dụng câu nói quen thuộc: ổ cứng của quý khách đã bị hỏng quá nặng, chúng tôi không thể phục hồi dữ liệu trong trường hợp này và HDD được trả lại.
Anh Hậu tiết lộ rằng, một số cửa hàng dùng chiêu chép hết dữ liệu sau khi phục hồi được vào máy của họ sau đó xóa trắng toàn bộ ổ cứng. Bước tiếp theo vẫn là đưa ra cái giá thật cao để buộc "nạn nhân" phải chi tiền. Nếu khách không chấp nhận và đem ổ cứng đi trung tâm khác thì cũng không cách nào phục hồi lại được mà đành phải quay lại.
Đối với những dữ liệu không thể đẩy giá cao, cách thức để lấy tiền là việc chép thêm file 'rác' vào thư mục mà khách hàng đã lựa chọn cần phục hồi. Dung lượng thư mục đó tăng cao và dĩ nhiên chi phí tính theo MB sẽ tăng theo.
Những người không biết nếu đem cả máy đến cho thợ chỉ để phục hồi dữ liệu thì nguy cơ bị tình trạng luộc đồ cũng là rất cao.
Giá hấp dẫn luôn tiềm ẩn rủi ro
Theo Nguyễn Đăng Đức, chi nên mang HDD đi phục hồi khi dữ liệu thực sự quan trọng. Phí phục hồi dữ liệu trên thị trường hiện nay có giá rất cao, khoảng từ 500 nghìn cho đến 3 triệu đồng. Những nơi báo giá hấp dẫn luôn là điều khả nghi bởi phần lớn doanh thu của họ tập trung vào việc thu nguồn phí kiểm tra ban đầu.
Người tiêu dùng nên chọn những nơi có uy tín qua sự tham khảo từ nhiều phía. Thường những cửa hàng này không hề thu phí kiểm tra ban đầu, chỉ lấy tiền khi đã phục hồi thành công dữ liệu cho khách. Và thông thường để tránh mập mờ, họ luôn có sẵn bảng giá cụ thể tính theo dung lượng cả ổ cứng mà không tính theo dữ liệu được cứu và không cộng thêm bất kỳ chi phí phát sinh nào khác do file lỗi quá nặng hay bị mã hóa. Bên cạnh đó, một số trường hợp do đĩa hỏng quá nặng không thể phục hồi được thông tin đều có nêu rõ ngay từ đầu như mặt đĩa bị vỡ do va đập mạnh, trày xước...