Chắc hẳn ai cũng biết rằng một trang web được cấu trúc hợp lý sẽ tốt cho cả người dùng và SEO. Cấu trúc Silo là một trong rất nhiều cách mà các chuyên gia SEO khuyên mọi người nên áp dụng cho trang web của mình.
Nhưng thực sự cấu trúc Silo có tốt không? Bạn có nên cấu trúc trang của mình theo kiểu Silo hay không? Có giải pháp nào hiệu quả hơn Silo hay không? Trong bài viết này, Quản Trị Mạng sẽ cùng các bạn tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên.
Mục lục bài viết
Cấu trúc Silo trong SEO là gì?
Cấu trúc Slio trong SEO là một loại kiến trúc trang web trong đó bạn nhóm, tách biệt và liên kết nội dung với nhau về một chủ đề cụ thể. Điều này tạo ra các phần rõ ràng, khác biệt của một nội dung liên quan trên trang web của bạn.
Sơ đồ dưới đây sẽ giúp bạn hiểu một cách khái quát Silo là gì:
Bạn có thể thấy mỗi silo (khối) bao gồm một silo page chính và nội dung liên quan, tất cả đều được liên kết với nhau. Tuy nhiên, điều cực kỳ quan trọng là nội dung trong silo này không liên kết với nội dung trong silo khác. Đó là lý do tại sao nó được gọi là cấu trúc silo khi mà nội dung được tách biệt trong các silo theo đúng nghĩa đen.
Ưu điểm của cấu trúc Silo
Thử tìm kiếm nhanh từ khóa "cấu trúc silo" bằng công cụ Google, chúng ta sẽ thấy hơn 50.000 kết quả. Nếu tìm kiếm bằng từ khóa "silo structure" số lượng kết quả lên tới 45 triệu.
Cấu trúc Silo trở nên phổ biến nhờ những lợi ích mà nó mang lại. Chúng ta có thể kể đến những lợi ích như:
1. Nó giúp Google tìm thấy trang của bạn
Liên kết nội bộ là một trong những cách để Google tìm thấy các trang mới. Vì thế, phương pháp hay nhất là đảm bảo rằng tất cả các trang của bạn được liên kết với nhau theo cách này hoặc cách khác.
Cấu trúc Silo có thể có ích trong lĩnh vực này vì nó tạo ra cấu trúc phân cấp hợp lý với liên kết nội bộ nhất quán. Dẫu vậy, liên kết nội bộ trong cấu trúc Silo vẫn chưa hẳn là tối ưu, chúng ta sẽ bàn tiếp về điều này ở phần sau.
2. Nó giúp tăng thứ hạng
Có hai lý do chính giải thích tại sao cấu trúc Silo giúp tăng thứ hạng trang web:
Luồng PageRank tốt hơn
PageRank (PR) là công thức của Google nhằm đánh giá giá trị của một trang web dựa trên số lượng và chất lượng của các trang liên kết tới trang đó. Backlink là cách luồng PR chảy vào trang web của bạn và liên kết nội bộ (internal link) là cách các luồng PR chạy xung quanh một trang web.
Do tất cả các trang trong một silo được liên kết với nhau nên cấu trúc Silo giúp PR luân chuyển giữa chúng.
Trên thực tế, nếu một trang trong silo thu hút nhiều backlink thúc đẩy PR chất lượng cao, một số PR đó sẽ được chia sẻ với các trang khác trong silo thông qua các internal link.
Nhiều internal link theo ngữ cảnh hơn
Cấu trúc Silo là nhóm các nội dung liên quan. Điều này có nghĩa là các liên kết nội dung giữa các trang bên trong silo thường có liên quan theo ngữ cảnh. Nói cách khác, cấu trúc Silo tạo ra các internal link đến và đi từ các trang về những thứ tương tự hoặc có liên quan và thường là với các anchor có liên quan.
Cả hai điều này đều giúp Google hiểu ngữ cảnh của một trang. Ví dụ, nếu internal anchor của một trang là những thứ dưới đây:
- Công ty được thành lập bởi Steve Jobs
- Sản xuất iPhone
- CEO là Tim Cook
... Thì bạn sẽ nghĩ ngay rằng trang web này đang nói về Apple.
Điều này cũng đúng nếu một trang có các internal link từ các trang về những thứ như:
- iPhone
- iPad
- Mac
3. Nó tạo ra trải nghiệm người dùng hợp lý
Internal link không chỉ hữu ích cho SEO, chúng còn giúp đỡ người dùng trong việc điều hướng trên trang web của bạn.
Vì lý do đó, cấu trúc Silo có thể cải thiện trải nghiệm người dùng vì nó mang các trang tương tự, cùng một chủ đề lại gần nhau một cách hiệu quả. Nói cách khác, việc đặt nội dung có liên quan cách nhau ít lần nhấp hơn giúp bạn dễ dàng tìm nội dung hơn.
Nhược điểm của cấu trúc Silo
Với những ưu điểm kể trên, không có gì lạ khi cấu trúc Silo được nhiều người khuyên dùng. Tuy nhiên, Quản Trị Mạng lại khuyên bạn không nên dùng.
Lý do là vì việc cấm internal link giữa các silo với nhau thực sự rất tệ. Những lợi ích về SEO và lợi ích cho người dùng mà nó mang lại không thể bù đắp những thiệt hại mà nó gây ra.
Ví dụ: Giả sử bạn có 3 silo sau:
Trông rất gọn gàng, mạch lạc. Thế nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Sarah muốn dạy Pilates ở New York? Có thể đặt internal link giữa hồ sơ của Sarah với lớp cô ấy dạy và vị trí cô ấy muốn dạy không?
Tất nhiên là được nhưng nó sẽ phá vỡ cấu trúc Silo của bạn.
Ngay cả một số chuyên gia về SEO cũng không đồng ý với ý tưởng hạn chế internal link giữa các silo với nhau bao gồm cả Gael Breton của Authority Hacker:
"Chúng tôi không đồng ý với cách triển khai của cấu trúc Silo. Chúng tôi tin rằng, về nội dung, hãy cứ thoải mái mà đặt internal link miễn là liên kết tới một trang khác trên trang của bạn có ý nghĩa theo ngữ cảnh".
Tất nhiên, khi đặt internal link một cách thoải mái thì bạn không còn tuân thủ theo cúa trúc Silo nữa. Bạn đang triển khai trang web theo kiểu kim tự tháp truyền thống vốn được nhiều người ủng hộ.
Giải pháp thay thế hiệu quả nhất cho cấu trúc Silo
Sau khi gạt cấu trúc Silo sang một bên, chúng ta hãy cùng xem xét một số phương pháp hay nhất, đơn giản nhất để xây dựng một trang web có cấu trúc hợp lý và chuẩn SEO.
1. Sử dụng cấu trúc kim tự tháp
Với cấu trúc kim tự tháp, bạn đặt nội dung quan trọng nhất của bạn ở phía trên cùng, tiếp theo là nội dung quan trọng thứ hai, nội dung quan trọng thứ ba...
Đây là cách mà hầu hết các trang web hiện tại đang tuân theo.
Ví dụ: Một trang web bán đồ nội thất gia dụng có thể trông như thế này:
Bạn có thể thấy cấu trúc internal link trông giống như một kim tự tháp.
Dưới đây là những lợi ích của cấu trúc kim tự tháp:
- Dễ điều hướng: Khách truy cập bắt đầu từ trang chủ, chọn một danh mục sau đó tìm hiểu sâu hơn.
- Luồng PageRank tốt: Trang chủ của trang web có khả năng nhận được nhiều backlink nhất do vậy việc đặt các nội dung quan trọng ở đó là hợp lý nhất.
- Internal link được đặt theo ngữ cảnh: Các danh mục liên kết với các danh mục con tương ứng của chúng và ngược lại.
Bạn có thể nói rằng những lợi ích mà cấu trúc kim tự tháp mang lại tương tự những gì cấu trúc Silo mang tới. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là cấu trúc kim tự tháp không có các nhược điểm như cấu trúc Silo do không cấm các internal link giữa các silo nên có thể dễ dàng dẫn chúng ta tới...
2. Đặt internal link ở bất cứ chỗ nào có liên quan
Điểm yếu chính của cấu trúc Silo là nó cấm các internal link có thể có giữa các silo. Cấu trúc kim tự tháp không có quy định này nên vấn đề sẽ được giải quyết.
Ví dụ: Giả sử cửa hàng nội thất của bạn có ghế ăn và ghế sofa với cùng một kiểu dáng. Bạn có thể đặt internal link giữa chúng mặc dù chúng nằm ở các khu vực khác nhau của trang web.
Điều này mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dùng và cho cả bạn.
3. Tạo trung tâm nội dung cho nội dung của trang blog
Các trang blog thường thiếu thứ bậc theo ngữ cảnh vì nó được xuất bản theo thứ tự thời gian. Bạn có thể giải quyết vấn đề này bằng cách tạo ra các trung tâm nội dung cho các bài đăng có liên quan.Trang trung tâm nội dung tương tự như silo ở chỗ chúng là tập hợp các nội dung được liên kết với nhau.
Đây là một ví dụ điển hình của trung tâm nội dung:
Điểm khác biệt duy nhất giữa trung tâm nội dung và silo là bạn có thể thoải mái, tự do liên kết giữa các trung tâm nội dung.
Ví dụ: Giả sử chúng ta có hai trung tâm nội dung, một trung tâm về trái cây và một trung tâm khác về rau. Do quan niệm sai lầm rằng cà chua là rau nên internal link từ bài đăng về cà chua có thể liên kết với trung tâm nội dung về rau.
Bạn có thể thoải mái làm điều đó với các trung tâm nội dung bởi vì nó khác với silo, không có quy tắc nào cấm bạn làm như vậy.
Trên thực tế, trung tâm nội dung cung cấp cho bạn những gì tốt nhất của cả hai cấu trúc: Nội dung liên quan được nhóm lại và liên kết với nhau (như trường hợp của các silo) nhưng bạn cũng có thể liên kết nội bộ giữa các trang khi điều đó có ý nghĩa (giống như cấu trúc kim tự tháp).
4. Đảm bảo rằng nội dung quan trọng không bị đặt quá sâu
Người dùng khó có thể tìm thấy những nội dung được đặt ở sâu trong trang web. Google thì khác, chỉ cần nội dung của bạn được liên kết nội bộ là Google có thể tìm và index nó.
Vấn đề là Google không ưu tiên thu thập thông tin hoặc index các nội dung nằm quá sâu vì nó cho rằng nội dung đó có ít hoặc không có giá trị với người tìm kiếm.
Đây là lý do tại sao bạn cần đảm bảo rằng nội dung quan trọng không bị chôn quá sâu trong trang web của bạn.
Kết
Bạn nên sắp xếp trang web nhưng đừng cấu trúc chúng theo kiểu Silo. Cấu trúc Silo ngăn cản bạn liên kết nội bộ đến nội dung của bạn từ các vị trí có liên quan và theo ngữ trên trang web của bạn, cản trở SEO.
Quản Trị Mạng khuyên bạn nên sắp xếp trang web theo cấu trúc kim tự tháp, nhóm các blog hoặc nội dung có liên quan vào các trung tâm và sau đó hãy cứ thoải mái đặt internal link ở bất kỳ vị trí nào bạn nghĩ là phù hợp. Điều này không chỉ tốt cho SEO mà còn giúp khách truy cập trang web điều hướng dễ dàng hơn.
Bạn có thể tham khảo thêm về cách tối ưu SEO tại đây:
Chúc các bạn thành công!