Ban lãnh đạo Yahoo giành thắng lợi lớn

Kết quả cuộc bỏ phiếu tại Đại hội cổ đông toàn hãng cuối tuần qua là một minh chứng rõ ràng cho thấy các cổ đông Yahoo ủng hộ mọi chiến lược mà Ban lãnh đạo hãng đã thực thi trong thời gian qua.

Thắng lớn

Các cổ đông nắm giữ 76% tổng số cổ phiếu của Yahoo đã bỏ phiếu ủng hộ 9 thành viên ban lãnh đạo tiếp tục ở lại nắm giữ công việc điều hành hãng.

Song vẫn còn không ít cổ đông phản đối việc để Ban lãnh đạo hiện thời Yahoo tiếp tục được nắm quyền. Tuy nhiên, sự phản đối không còn mạnh mẽ như trong cuộc bỏ phiếu năm ngoái. Chỉ có 3 trong số 9 thành viên Ban lãnh đạo hãng nhận trên 30% số phiếu phản đối.

Và cũng chỉ có khoảng 20% cổ đông là bỏ phiếu chống lại Chủ tịch Hội đồng quản trị Roy Bostock và Arthur Kern. Jerry Yang là người nhận được số phiếu ủng hộ cao nhất. Có tới 85% đồng ý để Yang tiếp tục nắm giữ vị trí Giám đốc điều hành hãng.

Cũng có những cổ đông phản đối bằng cách thẳng thừng tuyên bố họ sẽ giảm mức đầu tư vào Yahoo. Điều này đã khiến giá trị cổ phiếu của Yahoo giảm tới 31% giá trị so với mức giá tại thời điểm Microsoft rút lại đề nghị mua lại toàn bộ Yahoo với giá 33 USD một cổ phiếu hồi đầu tháng 5 vừa qua.

Có thể nói kết quả bỏ phiếu lần này không chỉ gây ngạc nhiên cho giới phân tích, cổ đông mà cả ban lãnh đạo hiện thời của Yahoo. Đây là một ban lãnh đạo đã bị lên án rất nhiều sau khi từ chối đề nghị sáp nhập của Microsoft và đưa hãng rơi vào tình thế khủng hoảng tài chính, tụt lại rất xa ở phía sau so với đối thủ cạnh tranh trực tiếp Google.

Chấm dứt màn kịch tranh chấp

Cuộc bỏ phiếu cuối tuần qua chính là dấu chấm hết cho những màn kịch diễn ra liên tiếp kể từ khi cổ đông số một của Yahoo - Carl Icahn - chính thức ra tuyên bố sẽ tìm mọi cách lật đổ ban lãnh đạo hiện thời của Yahoo nhằm mục tiêu biến đề nghị mua lại của Microsoft thành hiện thực.

Nụ cười của Jerry Yang khi rời phòng họp ngày 1/8 vừa qua. Ảnh AP.

Cho đến giờ chót trước khi chính thức ký kết thỏa thuận hòa bình với Ban lãnh đạo Yahoo, Icahn vẫn thể hiện rất rõ quyết tâm thực hiện kế hoạch lật đổ. Cổ đông này còn đã đệ trình đầy đủ hồ sơ cùng danh sách các ứng cử viên sẽ ra tranh cử tại Đại hội cổ đông toàn hãng lên Ủy ban chứng khoán và hối đoái Mỹ (SEC).

Nhưng cuối cùng dường như cảm nhận được rằng không thể giành chiến thắng trong năm nay, Icahn đã chấp nhận đề nghị của Ban lãnh đạo Yahoo về việc đổi 3 ghế trong ban lãnh đạo mới lấy "hòa bình".

Carl Icahn không có mặt trong Đại hội cổ đông toàn hãng ngày 1/8 vừa qua.

Tuần tới Icahn và hai đối tác khác sẽ chính thức có tên trong danh sách Ban lãnh đạo mới của Yahoo. Một trong hai đối tác đó rất có thể sẽ là cựu Giám đốc điều hành AOL Jonathan Miller.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Time Warner, Keith Cocozza, đã khẳng định Miller vẫn còn bị ràng buộc một thỏa thuận không được phép làm việc cho các đối thủ cạnh tranh của AOL. Thỏa thuận này còn kéo dài đến tận tháng 3/2009. Miller sẽ không thể đảm nhiệm vị trí nào trong Yahoo.

Người phát ngôn của Yahoo từ chối bình luận về vấn đề này.

Phản đối Microsoft?

Không chỉ là một thắng lợi lớn của Ban lãnh đạo Yahoo mà kết quả cuộc bỏ phiếu lần này còn thể hiện rõ quan điểm và lập trường của cổ đông hãng trước đề nghị sáp nhập hoặc bán bộ phận dịch vụ tìm kiếm cho "gã khổng lồ phần mềm" Microsoft.

Chỉ có duy nhất 2 trong số 125 cổ đông tham dự cuộc họp ngày 1/8 lên tiếng phản đối các cuộc đàm phán với Microsoft. Và cũng chỉ có đúng 2 cổ đông bày tỏ thái độ không bằng lòng với quyết định từ chối sáp nhập với Microsoft.

Song thực tế kết quả này phần lớn có được là nhờ các lãnh đạo hãng đã phải nỗ lực hết sức để xoa dịu các cổ đông bằng lý lẽ rằng Yahoo đã hết sức nghiêm túc trong các cuộc đàm phán với Microsoft đồng thời khẳng định triển vọng của hãng trong tương lai vẫn rất khả quan.

Với mục đích bảo vệ Jerry Yang trước những cáo buộc rằng chính ông này đã khiến các cuộc đàm phán với Microsoft đổ vỡ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Roy Bostock khẳng định không chỉ có Yang và cả ban lãnh đạo hãng đều hết sức có trách nhiệm trong mọi cuộc đàm phán với Microsoft.

"Ban lãnh đạo Yahoo không hề có ý phản đối Microsoft. Chúng tôi vẫn rất chủ đọng trong việc đàm phán với họ trên cơ sở có thể mang lại một bản hợp đồng có lợi nhất cho cổ đông. Tôi không hiểu vì lý do gì mà Microsoft lại rút lại lời đề nghị mua lại," Bostock tuyên bố.

Ngay lập tức người phát ngôn của Microsoft đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố nói trên của Chủ tịch Hội đồng quản trị Yahoo. "Yahoo đang muốn viết lại lịch sử của hãng này bằng những lời tuyên bố không được dựa trên bất kỳ một sự thực nào cả".

Trong khi đó, các cổ đông còn lại thỏa thuận về rất nhiều vấn đề khác nhau hầu như không liên quan đến Microsoft. Có thể kể đến ở đây một số chủ đề như chính sách của Yahoo ở Trung Quốc hay "sự hiếm hoi" của phái nữ trong Ban lãnh đạo hãng.

Cựu nhân viên Yahoo, Martin Baker, người hiện cũng đang nắm trong tay khoảng 100 cổ phiếu của hãng, lại bày tỏ thái độ không bằng lòng với việc Ban lãnh đạo hãng không để tâm đến việc giải quyết những thắc mắc của cổ đông.

Thách thức phía trước

Có thể nói thách thức ở phía trước đối với Ban lãnh đạo Yahoo là rất lớn cho dù giá trị cổ phiếu của hãng này đã có tăng đôi chút so với thời điểm Microsoft chính thức đưa ra đề nghị sáp nhập. Nhưng thực tế kể từ khi Microsoft rút lại đề nghị này hồi đầu tháng 5 vừa qua thì cổ phiếu của Yahoo đã liên tục mất giá.

Jerrry Yang - người đã sáng lập ra Yahoo 14 năm trước đây - bảo đảm với cổ đăng rằng đội ngũ lãnh đạo hãng đang theo đuổi thực hiện một chiến lược cải tổ toàn diện nhằm giúp hãng lấy lại những gì vốn có. Yang cam kết sẽ giúp cổ phiếu của hãng tăng thêm 25% trong khoảng hai năm tới.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Roy Bostock cũng lên tiếng kêu gọi cổ đông ủng hộ chiến lược trong tương lai của hãng.

Thứ Ba, 05/08/2008 08:33
31 👨 112
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp