Ai giữ chìa khóa thị trường phần mềm toàn cầu?

Các công ty máy tính ngày nay đang ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan: phải làm một cánh cửa nửa mở, nửa khép.

Ứng dụng với cái tên ấn tượng “I’m rich”, tạp dịch “Tôi giàu có” của iPhone vừa mới được tung ra trên khắp các cửa hàng phần mềm của Apple tháng này. Trình ứng dụng này trị giá $999,99 và không có công dụng nào khác ngoài việc đặt lên màn hình hiển thị của chiếc iPhone một viên hồng ngọc lấp lánh. Nhận thấy tính phi thực tiễn của phần mềm này, Apple đã quyết định ngừng cung cấp dòng sản phẩm trên (sau khi mới bán được cho 8 khách hàng đầu tiên).

Apple đã đấu tranh với các chuyên gia phát triển phần mềm của chính mình để tự kết tử nhiều trình ứng dụng trước đây. Chính Steve Jobs, ông chủ tập đoàn Apple, cũng phải công nhận rằng chiếc iPhone là “mụ phù thủy hủy diệt” cho phép họ có thể từ xa dọn dẹp phần mềm trên điện thoại của người sử dụng. Ông này từng phát biểu trên tờ Wall Street Journal: “Chúng tôi hy vọng sẽ không bao giờ phải đạp thắng cho bất kỳ một phần mềm nào, nhưng sẽ là thiếu trách nhiệm nếu không gắn một cái phanh dự phòng cho các trường hợp cấp thiết”.

Apple vốn nổi tiếng với văn hóa công ty khép kín của mình. Thông qua việc quản lý chặt chẽ cả phần cứng và phần mềm, Apple tin đó là cách tốt nhất để đảm bảo cho mọi việc diễn ra trôi chảy. Việc mở rộng hệ thống cho các chuyên viên thiết kế độc lập sẽ làm giảm quyền kiểm soát của công ty. Những đối thủ khác có thể hiểu được điều này.

Các công ty máy tính ngày nay đang ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan: phải làm một cánh cửa nửa mở (để thu hút thêm các chuyên gia phần mềm); nửa khép (để quản lý chất lượng cũng như bảo tồn mô hình kinh doanh truyền thống). Trường hợp của Apple là một minh chứng hùng hồn cho sự khó khăn khi đứng giữa ranh giới mong manh này.

Về vấn đề này, các chuyên gia đang có những góc nhìn rất khác nhau. Trong một quyển sách vừa được xuất bản gần đây, “Tương lai của Internet – và làm cách nào để dừng nó lại” (Nhà xuất bản Đại học Yale, 2008), học giả Jonathan Zittrain từ khoa Luật của ĐH Harvard (Mỹ) đã nghi ngại rằng các tập đoàn công nghệ sẽ tung ra các “thiết bị ràng buộc” – thực thi các chức năng nhỏ, được lập trình và kiểm soát chặt chẽ bởi các công ty và nhà phân phối – như điện thoại hoặc các dụng cụ định vị toàn cầu (GPS) – thay vì các sản phẩm đa mục đích như máy vi tính.

Các công ty có lý do chính đáng để kiểm soát việc sử dụng sản phẩm của người tiêu dùng vì điều này giúp họ vừa bảo đảm an ninh vừa chống vi phạm bản quyền. Tuy nhiên việc quản lý quá sát sao có nguy cơ làm giảm tính đại chúng của công nghệ tin học: chúng ta không nên quên rằng những cải tiến thường xuyên, không đoán trước được từ tất cả các bên mới chính là động lực cho các phát minh mới. Ông Tittrain e ngại rằng làn sóng “thiết bị ràng buộc” sẽ xóa nhòa dần quyền tự do vô hạn của Internet và máy tính cá nhân, những điều mà hiện nay người sử dụng đang coi là một sự thật hiển nhiên.

Đây vốn là vấn đề kinh điển của ngành công nghệ thông tin. Khi những chiếc máy vi tính được sản xuất hàng loạt lần đầu tiên trong thập niên 1960, phần mềm được bán kèm với phần cứng, thậm chí là dưới hình thức cho thuê trả góp thay vì bán một lần. Do tính chất phức tạp của công nghệ trong thuở đầu sơ khai, hầu hết người sử dụng đều chấp nhận tình huống bị kiểm soát đó.

Tuy nhiên, theo quá trình phát triển, ngành này đã chia tách thành hai cấu phần chính: chuyên sản xuất máy vi tính (phần cứng) và các bộ mã hóa giúp cho máy hoạt động (phần mềm). Đến giữa thập niên 1980, hàng hoạt các công ty phần mềm độc lập mọc lên như nấm, mỗi công ty sở hữu những loạt trí tuệ công nghiệp khác nhau. Người sử dụng có nhiều chọn lựa hơn bao giờ hết.

Ngày nay, mặt đất lại đang chuyển đổi dưới chân của ngành công nghiệp này: các phần mềm có nguồn gốc mở đang thách thức các phần mềm đã được đăng ký bản quyền. Không còn nữa cái thời khách hàng bị khóa chặt với một phần mềm (cũng như các ứng dụng và nâng cấp của nhà cung cấp phần mềm đó). Các trình ứng dụng mở nguồn đã mang đến tự do cho người sử dụng bằng cách tách phần mềm ra khỏi nhà sản xuất. Nhờ thế, các công ty máy tính đã vươn tới những cộng đồng lập trình viên sâu rộng nhất, kích thích cho sự phát triển chung của ngành.

Ngay cả khi vẫn còn e dè với các phần mềm mở đã được cấp phép, các công ty cũng đang tham gia vào các hoạt động liên thông để thu hút lập trình viên cũng như đối tác kinh doanh bên ngoài. Từ Google, Sun, IBM đến Microsoft cũng đã nhập cuộc – và đau đầu với câu hỏi: quyền kiểm soát bao nhiêu là đủ?

Ví dụ, Google đang chăm sóc một hệ điều hành nguồn mở cho điện thoại di động với cái tên “Android”, và công cụ bảo mật KeyCzar để xử lý các phím mã hóa. Trong khi đó, toàn bộ lĩnh vực kinh doanh trọng yếu liên quan đến công cụ tìm kiếm đều được khép kín: công ty hầu như không tiết lộ gì về các thuật toán cơ sở của mình. Google đã tìm được một sân chơi trung lập hữu ích thông qua việc mở các giao diện lập trình phần mềm (API) cho một số tiện ích trực tuyến, như lập bản đồ, cho phép lập trình viên độc lập xây dựng các tính năng mới. Từ khi Google công bố giao diện định vị API miễn phí trong năm 2005, lượng truy cập đã tăng lên đáng kể.

Một ví dụ khác là Sun Microsystems, với chiến lược khá mạo hiểm hướng đến văn hóa mở. Trong năm 2005, công ty mở nguồn hệ điều hành Solaris cho các máy chủ, và lập nên một tổ chức độc lập để quản lý dự án này. Trong tháng một, Sun mua MySQL, một công ty chuyên về cơ sở dữ liệu mã nguồn mở. Vấn đề quản trị trở nên phức tạp: Sun đã nhận về một làn sóng phản đối sau khi công bố kế hoạch quản lý một số chức năng theo dạng “đóng nguồn” (với bản quyền được đăng ký).

Những người khổng lồ khác cũng đang đứng trước những thử thách tương tự. IBM cần thành lập một tổ chức phi lợi nhuận để quản lý Eclipse, platform phát triển mở. Microsoft cho phép lập trình viên độc lập sửa chữa và chắp vá các phần mềm điện thoại di động của mình, đồng thời dựa vào các tổ chức quản lý chuẩn để giữ các định dạng file mở rộng.

Việc hạn chế xu hướng kiểm soát chặt chính là một động lực trọng yếu thúc đẩy sự thành công của doanh nghiệp. Wikipedia chỉ có khoảng 24 mục trên web sau năm đầu tiên, khi vẫn còn phải dựa vào các chuyên gia xem xét các bài viết trên mạng của mình. Ngay khi Wikipedia cho phép mọi người viết tất cả những gì họ muốn, số lượng bài viết đã tăng vùn vụt: trong vòng 2 tuần, họ đã có đến 600 danh mục mới.

Apple là trường hợp phức tạp nhất, bởi vì doanh nghiệp tồn tại dựa trên việc liên kết giữa phần cứng và phần mềm nội bộ. Mà chiếc iPhone là một phát minh hoàn toàn mới: trước đây, máy điện thoại chỉ là một dụng cụ (với những tính năng định sẵn), nhưng điện thoại Apple đang ngày càng giống một chiếc máy tính cá nhân với hàng loạt các trình ứng dụng khác nhau. Đây chính là một minh họa sống động cho những trăn trở của ông Zittrain như đã nói ở trên.

iPhone Store đã có hơn 60 triệu lượt download trong tháng đầu tiên và thu về khoảng 30 triệu đô-la doanh thu (Apple thu 30% và phần còn lại được trả cho lập trình viên). Có vẻ như công ty đang giữ một mức cân bằng hợp lý. Liệu Apple có thể tiếp tục được độ cân bằng đó hay không cũng chính là điều mà cả ngành công nghệ thông tin đang theo dõi với sự quan tâm và thích thú cao độ.

Thứ Ba, 26/08/2008 15:03
31 👨 469
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp