Những "lỗ hổng" trong Games

Một trong những tiêu chí hàng đầu của các nhà sản xuất hay phát hành Games là mang lại môi trường Game lành mạnh. Song đứng trước những người chơi, những Game thủ vô cùng tinh quái, đôi khi ngay cả “cha đẻ” Games cũng đành “lắc đầu bó tay”.

Lỗi “cố ý” hay “vô tình”

Khi xây dựng một trò chơi, nhất là những Games mang tính cạnh tranh đối kháng cao - thể loại Games ăn khách nhất hiện nay, thì yếu tố cân bằng trong Games luôn được nhà sản xuất hết sức chú trọng. Điều đó đồng nghĩa với việc, mọi người chơi đều được bình đẳng, cùng nhau đứng ngang hàng trong thế giới ảo, tạo nên sức hấp dẫn và lôi cuốn của trò chơi.

Tuy nhiên, cho dù là thế giới thực hay ảo cũng đều không tránh khỏi sự ganh ghét, đố kị, đặc biệt trong những Games Online RPG “cày cuốc”. Game thủ trình độ thấp, hoặc xuất phát chậm hơn nhưng lại luôn có tư tưởng muốn “vượt lên”, “bứt phá” dù cho thành quả đạt được không phải do công sức của mình. Vì vậy, khái niệm Cheats – Bugs và Hack ra đời.

Ngay từ khi chưa có Internet, Cheats đã tồn tại. Nếu bạn là một Gamer 7x, hay 8x đời đầu, cụm từ “Lên lên xuống xuống trái phải trái phải B - A” có lẽ khá quen tai, bởi đó là “Cheat 30 mạng”, một trong những Cheats cơ bản nhất của Games Contra trên máy Nintendo. Vậy Cheats là gì? Đó là những đoạn mã được nhà sản xuất, lập trình cố tình đưa vào Games để hỗ trợ người chơi, tất nhiên là để giúp họ thấy Games “bớt khó” hay có một số Cheats có thể mở những cánh cửa, hay vũ khí bí mật trong Games.

Sự thực là những câu Cheats “mở bản đồ” trong mỗi Games khác nhau như “Iseedeadpeople”, “Reveal Map” hay “Black sheep wall” có thể được các Game thủ kì cựu đọc làu làu mà không hề vấp váp. Tuy vậy, để đảm bảo tính cân bằng của Games, hệ thống Cheats thường không được áp dụng trong chế độ nhiều người chơi (Multiplayers).

Song song với những Cheats “được cố tình tạo ra”, còn có những lỗi tiềm ẩn trong khi lập trình mà chỉ khi bắt đầu chơi Game thủ mới gặp phải. Đây được gọi là các Bugs, những “hạt sạn” mà gần như bất kì trò chơi nào cũng có, dù ít hay nhiều. Bugs rất đa dạng: từ Bugs địa hình khiến người chơi mắc kẹt không lối thoát, hoặc rơi vào những vị trí “đặc biệt” mà bình thường không thể vào được, tới một số loại Bugs nảy sinh khi thực hiện các hoạt động trong Games tạo nên những trạng thái “khác thường”.

Hacker và những điều chưa biết

Nổi cộm và nhức nhối nhất trong “những nẻo đường tà” của thế giới Games vẫn là vấn đề xoay quanh chữ “Hack”. Khi nhắc đến Hack, có nghĩa là nhắc đến sự tồn tại của Hacker – những người thực hiện “điều xấu”. Chúng ta thường đánh đồng các dạng Hacker, song trên thực tế tồn tại 2 nhóm riêng biệt: Hacker thứ thiệt, và người sử dụng công cụ Hack để trục lợi.

Hacker thứ thiệt là những người có tài thực sự, tác động bằng phần mềm hay phần cứng, vào các máy trạm, đôi khi là cả máy chủ Game với những đoạn mã độc, chiếm quyền kiểm soát và có thể tạo nên những “siêu nhân” thực thụ trong Game với khả năng siêu phàm khác người.

“Hack” rất đa dạng, có thể kể tên như: Hack Perfect, Hack Speed, Hack Item, Hack level, Hack Map,… Ngay cả những chương trình tự động chơi Game như Auto, Bot cũng được xếp vào dạng “Hack” vì chúng là những chương trình thứ 3 (Third Party Programs) tác động gây mất cân bằng Game.

Đương nhiên “Hack” là một hành động không hay, đáng bị lên án, thậm chí Hacker còn có thể bị truy tố trước pháp luật vì tội “phá hoại”. Song những Hacker thực thụ lại là những người có trình độ, nếu họ hợp tác với nhà phát triển Games để “vá” các lỗi, điều đó lại rất đáng hoan nghênh.

Một ví dụ điển hình khác mà chúng ta thường hay nhắc tới đó là việc “ăn cắp mật khẩu” bằng các chương trình lưu lại hoạt động bàn phím “keylogger” mà đến nay vẫn còn nhức nhối. Hay bên cạnh đó là những Game thủ “choai choai” Hack Speed mà không hay biết hậu quả. Chính những kẻ phát tán, sử dụng chương trình Hack của người khác làm ra, lấy sự phá hoại cộng đồng và môi trường Games trong sạch làm thú vui, đó mới là tác nhân xấu cần phải loại bỏ.

Ngoài Bugs và Hack, trong thế giới GamesOnline còn tồn tại một bộ phận “người xấu” với tên Scammer (kẻ lừa đảo). Chúng thường sử dụng mánh khóe lừa đảo, dựa vào sự cả tin hay tâm lí của người chơi để trục lợi. Chúng không phải là Hacker, mà chỉ là những kẻ lợi dụng, gây tiếng xấu cho Games, làm cho những người chưa hiểu rõ có ấn tượng xấu đối với Games. Song chúng ta cũng nên thông cảm với những người mới vì không phải ai cũng nhận ra một điều “Phá thì dễ, làm mới khó!”.

Biện pháp nào để ngăn chặn?

Đương nhiên, các nhà sản xuất Games sau khi được thông báo sẽ “vá” ngay những lỗ hổng lập trình này và đưa ra các bản Patch, Update để cập nhật và sửa lỗi. Còn về phía nhà phát hành, họ thường khuyến khích Game thủ tự mình phát hiện các Bugs và thông báo để có những chỉnh sửa kịp thời, hợp lí giúp Game hoàn thiện hơn. Đồng thời kêu gọi cộng đồng cùng xây dựng một môi trường game lành mạnh.

Tuy vậy, đối với những kẻ lợi dụng Bugs hay sử dụng chương trình Hack, không có cách nào khác để xử lí ngoài việc mạnh tay răn đe. Theo thông tin mới đây, Thanh tra bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thanh tra việc sử dụng phần mềm gây hại, phần mềm làm công cụ hack game vào nội dung thanh tra của mình. Với sự ra tay của cơ quan có thẩm quyền, các gian lận hay Hack hi vọng sẽ sớm thuyên giảm.

Dù đã có nhiều cố gắng từ nhiều phía, có sự liên kết giữa nhà phát hành với người chơi, với các cửa hàng game, sự liên kết giữa các nhà phát hành, nhưng để thực sự có một môi trường lành mạnh, điều đó phụ thuộc vào phần lớn ý thức của chính các game thủ, những người được quyền chơi công bằng.

Thứ Hai, 22/09/2008 15:02
43 👨 6.794
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp