Ống zoom ngày một 'nhanh' hơn

Các ống zoom thế hệ mới đang có xu hướng được sản xuất với chất lượng cao hơn, độ mở lớn hơn và tiến tới chuyên nghiệp hơn.

Ống zoom nhanh là xu hướng mới. Ảnh: Popphoto.

Trào lưu bình dân hóa DSLR dẫn tới sự ra đời của hàng loạt các ống zoom bình dân dùng làm ống kit. Các ống này thường có 2 độ mở, thấp nhất cũng là f/4-5,6. Do độ mở không lớn, lại thiếu IS, các ống này để đảm bảo ảnh đẹp phải chụp ở tốc độ cửa trập chậm hơn. Vì thế các ống zoom bình dân vẫn được coi là dạng các ống "chậm".

Những ống kính đắt tiền hơn có độ mở lớn hơn (f/2,8 hay thậm chí f/2,0) và cố định (1 độ mở cho cả dải zoom) cho phép máy ảnh có khả năng chụp với tốc độ cửa trập nhanh hơn, tránh được nhòe ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu. Chính vì thế những ống có độ mở f/2,8 trở xuống thường được gọi là các ống kính nhanh (fast lens).

Xu hướng gần đây cho thấy, cả các nhà sản xuất máy ảnh và ống kính lẫn những hãng thứ ba chỉ chuyên sản xuất ống kính đang dần đưa ra thị trường những ống zoom "nhanh" hơn, công nghệ tiên tiến hơn và một mức giá hợp lý.

Lấy Nikon làm ví dụ. Trong số 16 ống Nikkor được giới thiệu kể từ tháng 1/2007 đến nay, 10 ống trong số đó đã được cải thiện độ mở ống kính (bao gồm cả hai ống siêu tele f/4), 6 ống độ mở f/2,8, một ống f/1,8 và một ống f/1,4. Lần ngược lại quá trình sản xuất của hãng này một năm rưỡi trước thời điểm tháng 1/2007, chỉ có 2 ống trong số 8 ống được giới thiệu là có độ mở f/2,8, còn lại đều là những ống 2 độ mở rẻ tiền.

Đây quả thực cũng là một tin tốt bởi lẽ gần như tất cả các hãng sản xuất ống kính đều bắt đầu tung ra các sản phẩm mới là các ống zoom tốc độ nhanh, từ những ống siêu rộng Tokina 11–16 mm f/2.8 tới siêu dài Sigma 200– 500 mm f/2.8. Bên cạnh việc mở rộng độ mở, các ống zoom thế hệ mới còn có nhiều thiết kế cải tiến hơn, chất liệu và quy trình sản xuất tiên tiến hơn.

Ống kính Pentax 16-50. Ảnh: Popphoto.

Một số nhân tố được cho là ảnh hưởng đến xu hướng đua sản xuất ống kính nhanh có thể kể đến.

Sau khi đã sản xuất đủ nhu cầu ống zoom bình dân giá rẻ hai độ mở (f/4–5.6) phục vụ các máy DSLR, các nhà sản xuất đang quay trở lại sản xuất các ống kính nhanh để lấp đầy các phân khúc bị bỏ sót trong các dòng ống kính chất lượng cao của mình.

Với sự ra đời của thân máy DSLR full-frame mới (EOS 5D, D700…), nhu cầu ống zoom chuyên nghiệp dành cho thân full-frame cũng tăng cao. Các ống zoom thế hệ mới này ứng dụng những thiết kế hệ thấu kính cũng như phủ mặt tiên tiến hơn, thiết kế chuyên cho các máy digital hơn là các ống cao cấp trước đây vốn thiết kế cho máy phim truyền thống.

Những tay máy chuyên nghiệp khi nâng cấp thân máy với độ phân giải ngày một cao hơn cũng có nhu cầu nâng cấp luôn cả ống kính, bởi lẽ các ống kính đời cũ có vẻ như đã không đủ hỗ trợ chi tiết nét tối đa cho những cảm biến có độ phân giải từ 16 triệu đến 21 triệu điểm ảnh.

Nhu cầu của những tay máy DSLR bán nghiệp dư về những ống kính nhanh hơn cũng đang tăng cao bởi lẽ sau một quá trình chụp, họ bắt đầu nhận thức được lợi thế của những ống kính có độ mở f/2,8.

Thế hệ các ống zoom nhanh còn đang chuyển từ siêu rộng tới siêu dài. Ảnh: Popphoto.


Thực chất của vấn đề tựu trung lại chỉ là ánh sáng. Với các ống có độ mở lớn (thường là f/2,8 hoặc lớn hơn), lượng ánh sáng vào cảm biến sẽ nhiều hơn, máy ảnh có thể chụp với tốc độ cửa trập nhanh hơn. Với tốc độ nhanh hơn, các nguy cơ rung máy được giảm thiểu, ảnh vẫn đảm bảo độ nét mà không phải dùng tới đèn flash hay chân máy trong điều kiện ánh sáng yếu. Thêm vào đó tốc độ nhanh hơn còn cho phép máy ảnh chụp các cảnh chuyển động tốt hơn, có thể "đóng băng" đối tượng đang chuyển động, rất thích hợp cho các phóng viên hay những người ưa thích chụp thể thao hay chụp con trẻ.

Các ống zoom có độ mở lớn như f/2 hay f/2,8 bên cạnh đó còn có khả năng làm nhòe nền hữu hiệu, đồng thời làm tăng độ nét cho đối tượng, làm nổi bật đối tượng và tạo cho ảnh có chiều sâu hơn.

Các thế hệ ống zoom nhanh hiện nay trải dài từ các ống siêu rộng tới các ống siêu dài. Chúng có đủ loại, phục vụ đủ mọi nhu cầu chụp ảnh nảy sinh trong cuộc sống, từ ảnh chân dung, cận cảnh, thể thao, đám cưới tới phục vụ nghiệp vụ các phóng viên.

Mặc dù các ống zoom độ mở lớn, chất lượng cao không mấy khi đi cùng với giá rẻ, nhưng nói chung chúng cũng xứng đáng với mức độ đầu tư. Chúng sẽ có tuổi thọ lâu hơn thân máy, đồng thời vẫn giữ giá tới hàng năm trời kể cả khi muốn bán đi. Và trên hết, chúng góp phần rất lớn trong việc tạo nên những bức ảnh chất lượng cao.

Máy ảnh Full Frame góp phần phát triển ống zoom tốc độ cao. Ảnh: Newphoto.


Trong số các ống zoom tốc độ cao xuất hiện trong những tháng gần đây, hầu hết đều là các ống góc rộng và có dải zoom từ góc rộng tới tele thường (ở kích cỡ full-frame). Trong vòng một năm rưỡi trở lại đây, các nhà sản xuất đều ít nhất giới thiệu một nếu không muốn nói là nhiều các ống kiểu này. Có thể kể đến những thế hệ mới như Canon 16-35mm f/2.8L II, Nikon 14–24mm f/2.8 và 24–70mm f/2.8, Sigma 24–70mm f/2.8, Sony 16–35mm f/2.8 và 24–70mm f/2.8. Tất nhiên không thể không kể đến những người khởi xướng đầu tiên cho trào lưu này từ những năm 2003, đó là Tamron với ống 28–75mm f/2.8 với mức giá cho đến giờ vẫn thuộc hàng rẻ nhất, chỉ khoảng 400 USD.

Đóng góp không nhỏ trong xu hướng sản xuất ống zoom tốc độ cao phải kể đến sự xuất hiện ngày càng nhiều những thân máy full-frame thế hệ mới như Sony Alpha 900, Canon EOS-1Ds Mark III và EOS 5D Mark II, Nikon D3X và D700… so với số lượng thân full-frame vốn vô cùng ít ỏi trước đây.

Hơn nữa, công nghệ quang học cũng đã có những bước phát triển mới kể từ những thân máy DSLR đầu tiên. Với thiết kế mới, công nghệ phủ mặt mới cũng như chất liệu thấu kính mới giúp cải thiện độ méo hình và hiệu ứng làm mờ vốn chỉ có trên các ống góc rộng giờ đây cũng đã được ứng dụng trên các ống kính zoom dải ngắn. Tuy nhiên, đối với những ống có dải zoom dài thì công nghệ vẫn vẫn chưa có nhiều tiến triển lắm.

Thêm một lý do lý giải cho việc các ống zoom góc rộng trở nên "nhanh" hơn, đó là tính năng chống rung. Đối với các ống zoom góc rộng mới, thì thiết kế nhỏ gọn của nó khó có thể tích hợp thêm hệ thống chống rung vướng víu vào bên trong ống kính, Vì vậy giải pháp hợp lý nhất để ống kính hoạt động hiệu quả trong điều kiện ánh sáng thấp chính là việc mở rộng độ mở.

Ống Canon EF 16–35mm f/2.8L II USM AF là một minh chứng cho xu hướng này. Mặc dù giá cả khá đắt đỏ (khoảng 1.500 USD), đây là một trong những ống kính zoom góc rộng khá hoàn hảo mà lại không bị méo hình (vốn là một nhược điểm lớn nhất của các ống góc rộng). Dù không IS, ống kính đẳng cấp L này cho hình ảnh với độ sắc nét và tương phản ở mức xuất sắc trong các thử nghiệm ống kính, độ méo hình được kiểm soát rất tốt, hơn hẳn phiên bản I của chính ống này ra mắt 6 năm trước đây (3/2003).

Không chỉ xâm chiếm lãnh địa những dải zoom ngắn, một số ống zoom dài cũng bắt đầu đi theo trào lưu này, trong đó phải kể đến siêu khủng Sigma 200-500 mm f/2.8 EX DG APO IF. Nặng tới 15,8 kg, dài 73,6 cm, rộng 25,4 cm, có pin xạc riêng phục vụ cho motor zoom và lấy nét và giá tới 29.000 USD, siêu khủng này thực ra ở quá tầm với của hầu hết những dân chơi ảnh chuyên nghiệp thông thường. Ví dụ này cũng chỉ để chứng tỏ, các ống zoom dù cho có thuộc dải dài hay ngắn, tele hay góc rộng, muốn tiến tới đẳng cấp chuyên nghiệp không gì khác hơn là phải theo xu hướng có độ mở ngày một lớn hơn.

Thứ Tư, 12/08/2009 08:15
31 👨 214
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp