Mọi đứa trẻ nông thôn thời đó đều nghĩ thế, nhưng đương nhiên không đứa nào biết máy tính dùng để làm gì.
Mobell M360 - kỷ niệm ngày giông bão
Với kinh nghiệm vài lần được thấy trên TV và trong phim, tôi nghĩ đó là một thiết bị nhiều nút bấm và khó sử dụng nhất, và có thể làm được mọi thứ tôi có thể tưởng tượng ra. Mãi đến năm lớp 6, buổi trưa đạp xe đi học về bỗng thấy trong nhà xuất hiện một cỗ máy tính. Ba tôi mới mua về, còn nằm ngay trên nền nhà. Máy đã được bật, ba ngồi bên cạnh, cũng giống như tôi, không biết làm gì bây giờ. Máy này mua lại của bác tôi và tôi chỉ biết hướng dẫn sử dụng là đống báo Làm Bạn Với Máy Vi Tính và eChip mà bác tôi "truyền" lại.
Thời gian trở thành "vọc sĩ" bắt đầu, qua một giai đoạn luyện báo thì tôi cũng đã biết chơi game, mở nhạc từ đĩa, bật tắt máy cho đúng cách... Dần dần trình độ "vọc" tăng lên, tôi bắt đầu biết cài đặt phần mềm, biết dùng đĩa mềm 1,44 MB để đi chép những phần mềm tải được ngoài quán Internet thông qua đường link trên báo và đó cũng là sở thích của tôi. Cấu hình máy lúc đó: Pentium III, 256 MB RAM, HDD 10 GB.
Qua thời gian, mỗi bộ phận bên trong hư hỏng dần, lúc đó tôi cũng đã biết thay phần cứng, cài lại hệ điều hành, ban đầu hỏng RAM, rồi mainboard... Cứ mỗi lần thay là mỗi lần nâng cấp, dần dần nguyên bộ máy mua hồi đó chỉ còn lại cặp loa và cái màn hình CRT 15 inch là chưa chịu hư, còn bao nhiêu đều là đã thay thế hết cả. Lúc đó tôi đã lên được đời Pentium 4.
Pentium 4 đã theo tôi suốt quá trình học hỏi, không thiếu một phần mềm nào, từ các phần mềm học tập ở trường, đến những phần mềm làm phim, 3D, lập trình, dù so với bây giờ thì thiếu đủ thứ, thiếu mạng, USB thì có 64 MB, nhiều khi chép phần mềm nặng từ quán Net phải đạp xe chạy đi chạy về hai ba chuyến mới chép xong... Đương nhiên cũng không ít lần lên bờ xuống ruộng vì sự cố của máy tính, từ những lỗi khiến tôi đau đầu, tốn công sức mày mò sửa chữa, cho đến tốn tiền. Cũng nhờ đó mà tôi học được khối kinh nghiệm, trở thành "bá đạo" nhất trường, hành nghề "cài Win dạo" từ cấp II.
Rồi Pentium 4 cũng ra đi, máy tôi sửa chán rồi cũng xếp vào kho, thời CPU đa nhân xuất hiện với khả năng gây lóa mắt bởi khả năng đa nhiệm mạnh mẽ đã tiễn Pentium vào quá khứ. Nhưng lúc đó tôi cũng không đủ điều kiện mà "chạy đua vũ trang", nên có gì cứ ra tiệm Net dùng, Internet có lẽ có sức hấp dẫn hơn là sức mạnh của máy (vâng, chính nó, ý tôi là game online).
Rồi đột nhiên, ba tôi chuyển sang nghề quay phim, nhu cầu xuất hiện, một cỗ máy "khủng long" được đầu tư mới tinh: Quadcore, RAM 2 GB, VGA 4850... và dĩ nhiên tôi được sử dụng "ké", đồng thời là người khắc phục những sự cố nếu xảy ra.
Rồi lên đại học, cuối cùng tôi cũng có được một máy mới của riêng mình. Do sinh viên không ở cố định và nhu cầu học nên phải dùng laptop, cấu hình cũng khá (CPU i5, 4 GB RAM), nhưng nó theo tôi được hơn 2 năm thì bị trộm "xin" mất. Rất tiếc, thực sự rất tiếc. Điều kiện không đủ để mua lại cái thứ hai, tôi chỉ đủ tiền mua một cái workstation đồ cũ (hoặc có thể gọi là đồ cổ), không màn hình, khi mua phải nói tiệm tháo bớt đồ ra (ổ cứng, RAM) tôi mới đủ tiền để trả, đúng 5 triệu. Cũng may người ta cho không cái ổ cứng cũ 250 GB, tôi xin được màn hình laptop bi hỏng đem đi chế lại thành màn hình dùng cho máy bàn tốn 200.000 đồng, thành ra cũng gọi là có công cụ để giúp tôi vượt qua những đồ án ở trường lúc đó.
Cái workstation cũ này coi vậy chứ chạy ổn phết, qua thời gian tôi để dành tiền nâng cấp từ từ, dĩ nhiên toàn đồ "second-hand", giờ cũng được 2xCPU Xeon 5355, RAM 8 GB, VGA HD7950, màn hình lên hẳn Dell 23 Ultrasharp, cái màn hình laptop cũ thì treo lên tường làm màn hình phụ trông cũng vui mắt. Máy tuy cũ nhưng khả năng của nó làm tôi rất hài lòng. Dĩ nhiên quá trình nâng cấp cũng gian nan đối với sinh viên như tôi, không phải ở khâu để dành tiền, mà là ở khâu đi kiếm phụ tùng, lùng sục thường xuyên từ những diễn đàn rao vặt cho đến chợ Nhật Tảo, cũng nhờ thế mà mua được nhiều đồ cũ hay ho, cả từ giày dép, mấy đồ lặt vặt, cho đến vài cái ampli với loa trông vừa vintage vừa âm thanh hay, và chút kỹ năng trả giá ở chợ trời.
Hành trình cùng chiếc máy tính cũng chẳng phải dễ dàng, nhưng lại thực sự thú vị, và cũng vì vậy mà không chỉ tôi, rất nhiều người cũng rất "yêu" cái máy tính, và thường ai đã yêu máy tính sẽ có những kỷ niệm rất đẹp với cô người yêu đặc biệt này.