Cùng với việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển, Việt Nam cần nhanh chóng có phương án đề phòng, ngăn chặn các hacker Trung Quốc đang âm thầm phá hoại nhiều website ở nước ta.
Ngày 13/5, các chuyên gia bảo mật, website an toàn thông tin mạng của Việt Nam là SecureDaily cho biết đã truy được website 1937cn.net (trang web chính thức của nhóm 1937cN), một trang mạng hacker của Trung Quốc được lập ra với mục đích kích động hacker tấn công các website của Việt Nam.
Hết sức nguy hiểm
Trong 2 ngày 10 và 11/5, đã có hơn 200 website của Việt Nam bị các nhóm hacker đến từ Trung Quốc tấn công và để lại những lời nhắn, hình ảnh khiêu khích. Trong đó, phần lớn các cuộc tấn công đến từ nhóm 1937cN. Theo website hack-cn.com, trang web thống kê và xếp hạng các nhóm hacker Trung Quốc, 1937cN là nhóm hacker mạnh nhất ở nước này. Nhóm đã thực hiện 32.484 cuộc tấn công tới các nước láng giềng của Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
Trên trang chủ của nhóm hacker Trung Quốc 1937cN hiện chứa đầy những thông điệp khiêu khích
1937cN cũng chính là nhóm đã thực hiện vụ tấn công vào máy chủ DNS của facebook.com.vn và thegioididong.com trong tháng 8/2013 cũng như nhiều website của các tổ chức ở Việt Nam. Hiện nay, trên website chính thức của nhóm hacker này còn đưa các thông tin liên quan đến những vấn đề nhạy cảm giữa Việt Nam và Trung Quốc, về biển Đông cũng như các chiến tích đạt được trong việc tấn công các website Việt Nam.
Theo nhiều chuyên gia bảo mật, hacker của Trung Quốc đã thả phần mềm gián điệp xâm nhập các máy tính ở nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Các máy tính bị xâm nhập này đã bị biến thành các máy tính ma (zoombie). Hacker Trung Quốc liên kết các zoombie này thành một mạng máy tính tấn công lớn (còn gọi là botnet) rồi dùng nó để tấn công vào các website khác với sức công phá vô cùng nguy hiểm.
Không loại trừ chiến tranh mạng
Tính đến cuối ngày 13/5, khoảng hơn 250 website Việt Nam đã bị hacker Trung Quốc tấn công. SecureDaily cho biết hiện nay, những cuộc tấn công khác vẫn diễn ra âm thầm, không chỉ hacker Trung Quốc mà hacker đến từ một số nước khác cũng đang nhòm ngó các website của Việt Nam.
Trong khi đó, ban quản trị diễn đàn bảo mật HVA Online nhận định hiện vẫn còn rất nhiều website của các cá nhân, công ty, doanh nghiệp của Việt Nam bị tấn công (chủ yếu là bị deface - thay đổi giao diện) và chưa khắc phục được. Đây là vấn đề lâu dài nên các website cần phải có kế hoạch khắc phục, ứng phó ở mức độ rộng lớn, kĩ lưỡng hơn.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo An ninh mạng Athena TP HCM, khuyến cáo: “Hacker Trung Quốc rất đông nên mức độ tấn công rất nhanh, mạnh. Để tránh bị thiệt hại, chủ các trang mạng Việt Nam nên củng cố, tăng cường khâu bảo mật. Không loại trừ khả năng trong thời gian tới, hacker Trung Quốc sẽ tấn công các website lớn của Việt Nam, có thể xảy ra chiến tranh mạng nên các website cần rà soát lại công tác an ninh mạng ngay từ lúc này”.