Hiểu về góc nhìn bị tác động bởi kích cỡ cảm biến, người dùng sẽ chọn mua được những ống kính tiêu cự thích hợp để bù lại.
Kích cỡ các loại cảm biến. Ảnh: Neutralday.
Thử tưởng tượng tám máy ảnh khác nhau nhưng được đặt ở cùng một vị trí, cùng độ cao, hướng cùng một đối tượng và sử dụng cùng một ống kính và tiêu cự, liệu có thể cho ra cùng một khung cảnh hay không.
Điều này chỉ đúng nếu như tất cả máy ảnh đều có cùng một kích cỡ cảm biến. Giả thuyết trên được nêu ra nhằm chỉ ra rằng, có rất nhiều kích cỡ cảm biến khác nhau trên thị trường, và mỗi loại máy ảnh, mỗi hãng máy ảnh lại ứng dụng những kiểu kích cỡ khác nhau.
Mỗi một kích cỡ cảm biến khác nhau sẽ cho ra một khung hình với góc nhìn khác nhau, bởi lẽ, cảm biến càng bé thì phần ngoại cảnh phản chiếu lên cảm biến cũng bé theo.
Chính sự khác biệt về khung hình của mỗi cảm biến mà ngành công nghiệp máy ảnh thường lấy góc nhìn của máy phim 35mm ra làm chuẩn, theo đó, kích cỡ phim (24 x 36 mm) sẽ được coi là một cảm biến toàn khung (full-frame).
Dựa trên kích cỡ tham vấn này, đối với các máy DSLR có nhỏ hơn full-frame sẽ có các thông số nhân hình (crop-factor) tương đương, dựa vào đó người dùng sẽ biết một ống kính tiêu cự này khi lắp vào thân kia sẽ có tiêu cự thực như thế nào.
Thông dụng nhất là APS-H (hiện chỉ có trên Canon với phiên bản EOS-1D Mark IV) với nhân hình 1,3X; kích cỡ APS-C (của Canon) nhân hình 1,6X; APS-C (khác Canon) nhân hình 1,5X; cảm biến Foveon của Sigma nhân hình 1,7X; và cảm biến định dạng Four Thirds (Olympus) nhân hình 2X.
Như vậy, kích cỡ cảm biến càng nhỏ thì góc nhìn của một ống kính càng bị thu hẹp. Đối với tiêu cự tele, kích cỡ cảm biến nhỏ có lợi thế tiêu cự càng được đẩy xa hơn (một ống 200mm lắp trên cảm biến APS-C có tiêu cự tới 300mm), nhưng đối với ống góc rộng thì để đạt được một ống góc rộng bình thường như 20mm trên full-frame, người dùng phải tìm ống góc rộng tới 10mm, mà thông thường những ống góc càng rộng thì giá thành lại càng đắt đỏ.