Người ta nói, Hewlett-Packard (HP) đã chọn sai vị “thuyền trưởng” và con tàu này đang mất phương hướng, tự hủy hoại mình để trở về cái ga-ra ô tô cũ kỹ, nơi họ đã khởi đầu cách đây 72 năm.
Bao giờ thì thế giới công nghệ được chào đón “gã khổng lồ phần mềm HP”?
“Bỏ phố, lên rừng”
Có vẻ chưa chính xác lắm nhưng việc tuyên bố từ bỏ toàn bộ mảng sản xuất máy tính, tháo chạy khỏi thị trường di động của HP đang được nhiều người cho rằng đó là hành động “bỏ phố lên rừng”. Ra đời trong một chiếc gara ô tô cũ kỹ từ năm 1939, và phải tới 20 năm sau ngành công nghiệp bán dẫn thế giới mới ra đời. Sau suốt 72 năm đó, HP đã trở thành kẻ thống trị toàn bộ thị trường máy tính thế giới hay cao hơn nữa, HP đã được cả giới công nghệ của thung lũng Silicon coi đó là biểu tượng của sự phát triển bền vững và ổn định bất chấp sức cạnh tranh không ngừng nghỉ của các đối thủ.
Nhưng kể từ khi ông Leo Apotheker trở thành CEO hồi năm ngoái, HP lại đang đi theo con đường ngược lại. Ông Apotheker tuyên bố hạ thấp mức doanh số kỳ vọng trong 3 quý liên tiếp. Hồi tháng 3 năm nay, ông lấp lửng ý định khai tử các dòng thiết bị chạy webOS, hệ điều hành di động mà HP có được nhờ thương vụ thâu tóm hãng Palm hồi đầu năm 2010. Ngày 18/8, Apotheker thông báo HP sẽ “giải tán” mảng máy tính (PC) trị giá tới 41 tỷ USD của mình đồng thời bán tống, bán tháo toàn bộ các dòng smartphone, máy tính bảng... Nói một cách đơn giản nhất là HP sẽ rút lui khỏi thị trường hàng điện tử tiêu dùng để tập trung vào mảng sản phẩm phần mềm. Ngay lập tức, giá cổ phiếu của HP giảm 20% trước những thông tin này còn ông Apotheker vẫn tiếp tục giữ thái độ im lặng trước vô số câu hỏi chất vấn của các nhà đầu tư và những nhà phân tích thị trường.
Có thể, lý do mà HP quyết định rút lui là vì họ nhìn thấy một viễn cảnh không mấy sáng sủa của thị trường này khi doanh số máy tính ngày càng sụt giảm còn trên thị trường di động, không còn “cửa” cho những đối thủ cạnh tranh khác trước sự lớn mạnh của Apple và Google.
Theo những phát biểu ít ỏi của ông Apotheker, HP sẽ không ôm đồm như trước mà thay vào đó là dành toàn bộ năng lực của mình cho mảng phần mềm. Năm ngoái, doanh thu của mảng này là 3,6 tỷ USD, chiếm gần 3% tổng doanh thu của cả hãng nhưng đó cũng chỉ là một giọt nước bé nhỏ nếu so với hơn 41 tỷ của mảng máy tính.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, “con tàu” HP đã bị trao vào nhầm tay của một thuyền trưởng. Với 20 năm kinh nghiệm làm việc tại SAP (hãng phần mềm Đức), ông Apotheker chỉ thành thạo một lĩnh vực duy nhất là phần mềm và đó chính là lý do vì sao ông này muốn HP trở thành một hãng phần mềm để ông có thể phát huy sở trường và kinh nghiệm của mình.
Đụng đầu vào đá tảng
Nhưng việc HP sẽ đi về đâu vẫn là một câu hỏi mở. Nếu từ bỏ thị trường phần cứng và điện tử tiêu dùng để sang phần mềm thì ban lãnh đạo HP không thể không biết rằng họ chỉ là một “chú bé” trước những tên tuổi như IBM, Oracle hay Microsoft.
Để củng cố hướng đi này của mình, HP đã mua lại Autonomy, hãng phần mềm Anh với giá 10,3 tỷ USD và doanh thu hàng năm vào khoảng 1 tỷ USD. Hồi tháng 2/2011, HP thâu tóm hãng phân tích dữ liệu Vertica. Nhưng ít người biết rằng, trong những năm vừa qua đối thủ của họ là IBM đã chi tới 14 tỷ USD để thâu tóm tới 25 hãng phân tích dữ liệu khác nhau. Với 13 tỷ USD tiền mặt trong két, HP sẽ cần phải tăng tốc mạnh mẽ hơn trên thị trường mua bán – sáp nhập doanh nghiệp (M&A) nhưng có điều những “con mồi ngon nhất” như VMware và SAP lại nằm ngoài tầm với của họ.
Điểm tựa duy nhất còn lại của HP chỉ là mảng In ấn và hình ảnh (sản xuất và tiêu thụ máy in, mực in).
Trong 12 năm qua, các nhân viên của HP đã được làm việc với 3 đời CEO khác nhau và bây giờ, 300.000 người này đang đứng trước một thử thách rất lớn: Gây dựng lại HP từ chiếc gara ô tô cũ kỹ.
Bao giờ thì thế giới công nghệ được chào đón “gã khổng lồ phần mềm HP”?