Theo một nghiên cứu mới do RiskIQ công bố, số lượng ứng dụng có mã độc xuất hiện trên Google Play Store đã tăng tới 388% trong khoảng thời gian hai năm qua, từ 2011 tới 2013.
Đồng thời, số lượng ứng dụng có mã độc bị Google gỡ bỏ mỗi năm đã giảm từ 60% (2011) xuống còn 23% trong năm 2013. Tỷ lệ ứng dụng trên Google Play bị nhiễm mã độc đã tăng từ 3% trong năm 2011 lên tới 9% trong năm 2012. Đến năm 2013, tỷ lệ này lên tới 13%: Cứ khoảng 7 ứng dụng Android thì lại có 1 ứng dụng bị nhiễm mã độc.
Theo CNET, ứng dụng Android độc hại có thể theo dõi cuộc gọi của người dùng, thu thập liên lạc, thông tin tài khoản và số SIM. Đồng thời, ứng dụng độc hại có thể hiện quảng cáo trái phép trên thanh thông báo và trong hộp thư tin nhắn hoặc thay đổi trang chủ trình duyệt. Một vài ứng dụng thậm chí còn tự động chơi quảng cáo âm thanh khi bạn thực hiện cuộc gọi.
Với các nguy cơ khổng lồ nói trên, xu hướng kết hợp thiết bị cá nhân làm thiết bị công việc (BYOD) đang gặp phải các trở ngại khổng lồ. Chuyên gia bảo mật Andrew Brant tại Threat Research cho biết: "Xu hướng BYOD khiến các nhà quản trị IT không thể bảo vệ mạng của họ khỏi các cuộc tấn công". Khuyến cáo của CNET cho biết, người dùng cần cài đặt ứng dụng bảo mật trên smartphone, kiểm soát các nội dung tải về và đặc biệt lưu ý tới các giao dịch thực hiện qua smartphone để sớm tự bảo vệ trong trường hợp bị tấn công.