Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm, liệu giá cả quá cao có nhấn chìm một thị trường máy tính bảng còn non trẻ? Đây là một câu hỏi rất thực tế, bởi xét trên mọi phương diện, giá niêm yết của những chiếc máy tính bảng long lanh đang ngày càng xa rời khả năng chịu đựng của ví tiền người tiêu dùng.
Trong vài ngày cuối tuần vừa rồi, rộ lên tin đồn rằng chiếc Motorola Xoom sẽ có giá tới 1199 USD (xuất hiện tại trang BestBuy). Tuy nhiên, trang đặt hàng trước nhanh chóng biến mất và giới sành công nghệ lại trở lại với dự đoán rằng chiếc Xoom sẽ "chỉ" có giá 800 USD.
Chiếc iPad rẻ nhất cũng có giá 499 USD, và đắt nhất là 829 USD nếu bạn muốn có cả ổ cứng 64GB, cả 3G và Wi-Fi. Bên cạnh đó, nếu muốn mua chiếc Galaxy Tab mà không vướng hợp đồng 2 năm sử dụng dịch vụ của nhà mạng, bạn phải chi 600 USD.
Cũng có thông tin cho rằng chiếc máy tính bảng PlayBook của RIM sẽ được bán ra quanh mức giá 500 USD, như thế mới cạnh tranh được với chiếc iPad rẻ nhất.
Chiếc Galaxy Tab nặng 368 gam. Nếu bạn muốn mua bạc nguyên chất, thì khối lượng bạc đó chỉ có giá bằng một nửa giá chiếc Galaxy Tab (368 gam bạc có giá 356 USD, so với cái giá 600 USD của chiếc Galaxy Tab).
Chiếc iPad Wi-Fi cao cấp thậm chí có giá còn đắt hơn lượng bạc nặng bằng khối lượng của nó: 659,60 USD cho 680 gam bạc so với 699 USD cho phiên bản iPad Wi-Fi 64GB. Trong khi đó mới chỉ là mức giá tại Mỹ.
Những chiếc máy tính bảng đắt tiền so ra chẳng khác nào đồ trang sức: nhỏ gọn, dễ di chuyển và do đó dễ... bị cướp. Từng có trường hợp một nhà báo Mỹ vì muốn viết về tính năng động của máy tính bảng nên đã đem ra sử dụng trên tàu điện ngầm, trong công viên và trên xe bus. Mọi thứ đều ổn cả cho đến khi chiếc xe bus đến một trạm dừng, một kẻ lạ mặt vụt qua và giật phăng chiếc máy tính bảng ra khỏi tay anh ta rồi "dông" mất.
Rõ ràng là chẳng mấy ai dám "cầm khơi khơi" một chiếc máy tính bảng đẹp đẽ trị giá 800 USD ở khắp mọi nơi trước mọi cặp mắt, dù nó tiện lợi và đáng khoe đến đâu đi chăng nữa.
Vấn đề quan trọng là trong bối cảnh kinh tế ảm đạm, mất cân bằng về thu nhập thì giá cả quá cao chỉ biến máy tính bảng trở thành một thứ "xa xỉ phẩm" chứ không thể phổ biến cho quảng đại người tiêu dùng. Các nhà sản xuất dường như đang chạy theo chiến lược kinh doanh "ít nhưng chất": Bán ra ít sản phẩm hơn, nhưng thu lợi nhuận nhiều hơn từ mỗi sản phẩm bán được.
Tất nhiên cũng có những chiếc máy tính bảng giá rẻ, thậm chí siêu rẻ. Nhưng đó là phân khúc thị trường không an toàn, đầy những thiết bị đem lại nỗi "kinh hoàng" khi sử dụng bởi sự nghèo nàn về cả phần cứng và phần mềm.
Các nhà sản xuất có lý do để giải thích tại sao máy tính bảng lại đắt đỏ như vậy: màn hình cảm ứng đa chạm khổ lớn là không hề rẻ, cũng như nguồn cung chip xử lý mạnh đang khan hiếm hay ổ cứng flash có chất lượng cao. Tuy nhiên, dường như các nhà sản xuất không chỉ coi Apple iPad là tấm gương về công nghệ và thiết kế, mà còn là "mẫu" về giá bán. Nếu Apple đặt giá cao mà vẫn bán được hàng, họ cũng có thể trưng giá cao.
Apple đã mất đến 30 năm để tạo dựng một thương hiệu, tập hợp khách hàng để chấp nhận các dòng sản phẩm của họ, nhất là iPad. Những nhà sản xuất vốn nổi tiếng với điện thoại di động hoặc vô tuyến khó đạt được sự ủng hộ khi nhảy vào một lĩnh vực mới theo xu hướng thị trường.
Bỏ ra 1000 USD cho một chiếc máy tính bảng của Apple, dù có người cho đó là hoang phí quá mức, nhưng nhiều người sẽ đồng cảm với "cơn nghiền táo" của bạn. Nhưng chắc chắn sẽ không có nhiều người chịu bỏ ra 1000 USD cho một sản phẩm của Motorola, trong khi hãng vẫn ngày ngày sản xuất những chiếc điện thoại rẻ tiền nhất trên thị trường, dù biết rõ những ưu thế về đặc tính kỹ thuật.
Máy tính bảng vẫn còn là một thị trường mới mẻ, và những sản phẩm hiện tại đang thúc đẩy sự tiến bộ của công nghệ, nên vấn đề giá cả cũng không hẳn là không thể chấp nhận được. Cùng một công nghệ sẽ xuống giá theo thời gian, nên câu hỏi quan trọng là liệu các chiến lược gia có giữ được sự hấp dẫn của máy tính bảng đến khi chúng hạ giá hay không. Tuy nhiên, quá trình đó sẽ mất hàng năm trời.
Mối nguy thực sự cho giới công nghệ là sự xa xỉ của thị trường máy tính bảng hiện tại có thể khiến người tiêu dùng "phủi tay" với một nền tảng phần cứng non trẻ.