Đề Án 112: Nhìn lại chặng đường 5 năm

Ban Điều Hành 112 tự đánh giá

Trong báo cáo tổng kết giai đoạn I (dự thảo), Ban Điều Hành Đề Án 112 (BĐH 112) đánh giá những việc làm được như sau: Tạo ra phương thức làm việc mới có sử dụng CNTT trong các cơ quan hành chính nhà nước (HCNN), nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức NN; Xây dựng được cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ tin học hóa quản lý hành chính nhà nước (THHQLHCNN), bước đầu hình thành hệ thống thông tin (HTTT) điện tử của Chính Phủ, đã bắt đầu vận hành các dịch vụ cơ bản, thư điện tử, phần mềm (PM) ứng dụng THHQLHCNN; Hình thành hệ thống tổ chức quản lý, điều hành ĐA 112 từ trung ương đến địa phương; Nâng cao một bước trình độ quản trị mạng của đội ngũ tin học chuyên trách và kỹ năng sử dụng mạng, cập nhật - khai thác - quản lý HTTT điện tử của đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính sự nghiệp...

Về những mặt chưa làm được, báo cáo cho biết: Chưa triển khai được mạng trục truyền số liệu của Đảng và Chính Phủ; Dự án an toàn bảo mật thông tin cho HTTT của Chính Phủ triển khai chậm, bị kéo dài; Các dự án cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia mới xong giai đoạn I; Đội ngũ cán bộ quản lý HTTT điện tử còn thiếu kinh nghiệm, chưa đủ mạnh mặc dù đã được đào tạo, chưa ban hành quy chế về tổ chức các đơn vị tin học chuyên trách phục vụ công tác THHQLHCNN, chưa quy định tiêu chuẩn, chức danh cán bộ tin học làm việc trong cơ quan HCNN; Việc vận hành HTTT điện tử còn nhiều bất cập giữa năng lực sử dụng CNTT với yêu cầu của hệ thống tin học, do đó còn phải tiếp tục huấn luyện, hỗ trợ vận hành và ban hành nhiều quy chế, quy trình mới có HTTT điện tử với đầy đủ số liệu điều hành thực sự.

Báo cáo nhấn mạnh: “THHQLHCNN - cải cách hành chánh (CCHC) - chính phủ điện tử (CPĐT) là một tổng thể thống nhất, không tách rời; THHQLHCNN giai đoạn I chính là giai đoạn thuộc lộ trình xây dựng CPĐT ở Việt Nam”.

Ý kiến của các Văn phòng UBND

Đa số văn phòng UBND các tỉnh đồng ý với những việc làm được của BĐH 112. Một số ý kiến cho rằng cần nhấn mạnh ĐA 112 đã tạo bước ngoặt về hạ tầng CNTT phục vụ THHQLHCNN, chuyển từ sử dụng máy tính đơn lẻ sang mạng máy tính; thay đổi nhận thức của cán bộ, viên chức; đào tạo được đội ngũ nhân lực đáp ứng nhu cầu tin học hóa; tạo ra phong cách, văn hóa làm việc mới. Các trung tâm tích hợp dữ liệu (TTTHDL) là cần thiết và đã mang lại hiệu quả ở một số nơi (như Thanh Hóa). Cần hiểu rằng TTTHDL không phải chỉ tích hợp trong một ngày, mà là một quá trình.

Ông Phạm Văn Hoàn, chánh văn phòng UBND tỉnh Hải Dương nhận định: “Mặc dù chúng ta chưa có CPĐT, nhưng cũng đã có những kết quả bước đầu”. Đại biểu ở Quảng Trị thì cho rằng chỉ trong vòng 4 năm mà ĐA 112 làm được khối lượng công việc như vậy là rất lớn, là phát triển “như vũ bão”.

Về “Một số việc chưa hoàn thành” trong báo cáo, ông Hoàn cho rằng nên nêu cả khuyết điểm của giai đoạn I. Chẳng hạn, việc triển khai xây dựng PM ban đầu còn lúng túng, hơn một năm đầu còn phải bàn cãi về quy chế, quy trình xây dựng PM. Quá trình triển khai cũng lúng túng, hiệu quả triển khai chưa cao. Việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng PM cũng chưa chặt chẽ. Vấn đề giải ngân kinh phí hàng năm còn vướng mắc, đến nay vẫn dùng một số định mức từ năm 97, nhiều định mức không tương xứng nhu cầu.

Theo đại biểu tỉnh Thanh Hóa, ĐA 112 còn nhiều mục tiêu chưa đạt được, như các dịch vụ công, CSDL chuyên ngành, các phân hệ điều hành tác nghiệp chưa triển khai đồng đều. Việc triển khai đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ. Dự án đường trục nhiều năm vẫn chưa thực hiện xong, gây khó khăn trong triển khai HTTT. Các CSDL triển khai không tập trung. Ví dụ, việc xây dựng CSDL cán bộ, công chức không khó, nhưng gần đây mới nhập dữ liệu. CSDL về công báo rất cần cho các xã, huyện nhưng chưa triển khai. Cơ chế triển khai xây dựng PM còn lúng túng cả về mặt pháp lý lẫn chuẩn thông tin. Các công ty viết PM lại không triển khai PM, do đó chưa tạo ra trách nhiệm lớn. BĐH cũng bị động về tiến độ. Có thời kỳ làm rất chậm, nhưng sau lại ép tiến độ, sinh ra khó khăn.

Một đại biểu khác cho rằng quan hệ giữa các đơn vị tư vấn với BĐH chưa rõ. Thực tế, tư vấn chỉ biết “cài và đặt”. Trong nhiều cơ quan, khâu trình công văn, hồ sơ cho chủ tịch, phó chủ tịch vẫn phải dùng giấy. Tuy nhiên, khi sử dụng PM lại không có công đoạn in ra phiếu báo và thế là ách tắc. Trong trường hợp này, địa phương nhờ đến tư vấn, nhưng các nhà tư vấn lại nói bản quyền PM thuộc về BĐH 112, họ không được vi phạm, và cũng không có chi phí để sửa. Một số đơn vị phát triển PM không đủ lực triển khai lắp đặt cho các đơn vị, các tỉnh, ngành phải thuê đơn vị khác. Những đơn vị này làm thuê nên không am hiểu về hệ thống, chỉ biết “cài và đặt”, trách nhiệm không cao. Bên cạnh đó, cơ chế tiếp thu, cải tiến để tạo ra những phiên bản PM mới phù hợp hơn cũng chưa rõ, không biết có hay không…

ĐA 112 có 34 PM dùng chung (PMDC), đã triển khai 3 PM. Hơn 30 PMDC còn lại chưa rõ bao giờ được triển khai. Do nhu cầu THHQLHCNN, nhiều tỉnh phải tự đặt hàng hoặc tự làm PM. Nếu khi vận hành rồi mới có PMDC thì các tỉnh sẽ rất lúng túng, gặp khó khăn khi chuyển sang một hệ thống mới (mà chưa chắc đã tốt hơn hệ thống cũ)...

Theo đại biểu tỉnh Quảng Trị, việc triển khai ĐA 112 có những khuyết điểm là đương nhiên vì đây là việc rất mới, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Ông Nguyễn Đình Xứng, phó chánh văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa thì vạch ra một số nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan: ĐA 112 phụ thuộc rất nhiều vào việc CCHC. Mà chương trình CCHC của CP đang tiến hành chậm, quy trình hành chính chưa chuẩn hóa; thói quen, tác phong làm việc chưa đổi mới. Nguyên nhân chủ quan: Mục tiêu đề ra là quá lớn, vượt qua khả năng của nền hành chính, trình độ CNTT của cả nước, khả năng của nguồn nhân lực. Chẳng hạn, đưa ra mục tiêu về các dịch vụ công là không khả thi vì các điều kiện về pháp lý, công nghệ chưa đủ. VPCP và các bộ, ngành chưa thật sự vào cuộc. Thêm nữa, nhiều vấn đề không thống nhất ngay trong VPCP và giữa các bộ, ngành. Bộ máy điều hành ĐA 112 còn nhiều điểm cần khắc phục, cả về tổ chức bộ máy, số lượng, chất lượng cán bộ lẫn cơ chế vận hành. Ví dụ bộ máy phải có các tổ chuyên môn, nhưng các tổ chuyên môn lại chỉ có cán bộ bán chuyên trách (cơ chế trách nhiệm không thể tốt). Một ĐA rất lớn, nhưng số lượng cán bộ rất mỏng. Điều đó cho thấy cách nhìn nhận vấn đề không tương thích, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Giai đoạn sau cần tăng cường để trở thành tổ chức có đủ thẩm quyền và năng lực thực hiện.

Làm tiếp hay không?

Trong hội nghị, ý kiến “Có tiếp tục tiến hành giai đoạn 2 của ĐA 112 hay không” được đề cập. Phần lớn khẳng định là cần làm tiếp! Có đại biểu còn cho biết không thực hiện tiếp thì thấy hoang mang. Ông Lương Cao Sơn, thư ký BĐH 112 nói: “Đây không phải là một ĐA thất bại, nên việc đặt vấn đề có làm tiếp hay không là không cần thiết”.

Về nhiệm vụ của ĐA thời gian tới, đại biểu Hải Dương yêu cầu lập ĐA cụ thể cho giai đoạn 2006-2010. Đại biểu Thanh Hóa đề nghị xác định nhiệm vụ trọng tâm trong từng khoảng thời gian. Ví dụ: 2006-2007 trọng tâm là vận hành HTTT tác nghiệp. Đến 2008-2010 mới nên triển khai dịch vụ công. Cần làm sớm mạng diện rộng cho các địa phương. Tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo. Một số đại biểu khác đề nghị không nên dàn trải mà cần tập trung xây dựng những mô hình điểm thật thành công, sau đó nhân rộng.

Thứ Bảy, 17/06/2006 09:48
31 👨 138
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp