Con đường trở thành “eBay” Nhật Bản

Hiroshi Mikitani, một người làm công ăn lương đã tấn công tập quán cố hữu mua bán trao tay của người Nhật Bản như thế nào?

Ở Nhật Bản, có hai tên tuổi lớn trong ngành thương mại điện tử: Hiroshi Mikitani, người sáng lập, Chủ tịch kiêm CEO Rakuten và Takafumi Horie, người sáng lập, Chủ tịch công ty Internet Liverdoor.

Nhưng đến nay, Takafumi Horie đã ngã ngựa, bị xử tù giam vì gian dối để thổi phồng giá cổ phiếu. Còn Hiroshi Mikitani vẫn tồn tại vững chãi vì ông dám thừa nhận thất bại, dám nghĩ đến thay đổi một thói quen mà ai cũng nghĩ là khó thay đổi. Và cũng không thể phủ nhận, có cả may mắn đã đến với Hiroshi Mikitani.

Theo đánh giá tạp chí Forbes (Mỹ), năm 2008 ông Hiroshi Mikitani là người giàu thứ 8 Nhật Bản với tài sản ròng 3,8 tỷ USD. Năm nay ông bước sang tuổi 43, đã lập gia đình và một con.

Hiroshi Mikitani được mô tả là “bộ não” của chuỗi cửa hàng trực tuyến Rakuten, trang web mua sắm trực tuyến phổ biến nhất Nhật Bản. Là con trai của một giáo sư kinh tế Đại học Yale, khi còn nhỏ Mikitani sống ở New Haven (Connecticut, Mỹ) hai năm nên Mikitani có vốn tiếng Anh hoàn hảo và cảm giác theo cách của người Mỹ.

Tất nhiên, Mikitani trước hết vẫn là người Nhật Bản như câu nói, đại ý người ta có thể đem một cậu bé ra khỏi nước Nhật chứ không thể lấy đi “chất” Nhật Bản trong người cậu bé. Trở về học đại học Hitotsubashi ở Tokyo, Mikitani đã làm điều đúng như những người Nhật khác làm: học đại học và sau đó bắt đầu một công việc tẻ ngắt song an toàn ở Ngân hàng Công nghiệp Nhật Bản (IBJ) năm 1988. Đây là một trong những ngân hàng lớn nhất Nhật Bản.

Táo bạo

CEO Hiroshi Mikitan Nhưng tất cả không dừng lại ở đó. Hiroshi Mikitani đã có cơ hội quay trở lại Mỹ theo học Thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) tại Trường kinh doanh Harvard. Học phí do ngân hàng Công nghiệp Nhật Bản tài trợ. Theo lẽ thông thường, sau khi giành được tấm bằng MBA ở một trường danh tiếng như thế năm 1993, Hiroshi Mikitani quay trở lại Ngân hàng và chờ cơ hội thăng tiến lên một vị trí giám đốc của Ngân hàng.

Trước khi đi học MBA, tôi đã nghĩ lựa chọn của tôi là hoặc tiếp theo con đường kiểu Nhật Bản để trở thành một giám đốc của Ngân hàng Công nghiệp Nhật Bản hoặc làm việc về đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng ở một công ty phương Tây và kiếm được rất nhiều tiền”, Mikitani nói.

Sau khi nhận bằng MBA, ông quay trở lại Ngân hàng Công nghiệp Nhật Bản, làm việc ở đó hai năm nữa. Cuối cùng, ông quyết định không theo con đường làm công ăn lương nữa, rời Ngân hàng và thành lập công ty đầu tiên của mình – công ty tư vấn Crimson Global và sau đó là công ty Internet Rakuten Ichiba, đưa ông bước vào nghiệp thương mại điện tử.

Khi viết về Hiroshi Mikitani, tạp chí Fortune của Mỹ nhận xét Mikitani đã đưa Rakuten vào màn hình hiện sóng radar của Nhật Bản bằng cách áp dụng sự táo bạo kiểu Mỹ. Ông đã phớt lờ cảnh cáo người Nhật sẽ không bao giờ mua sắm online bởi: (1) họ thích giao dịch mặt đối mặt hơn và (2) sử dụng thẻ tín dụng còn hạn chế. Quan điểm của Mikitani là “Xây dựng nó (thương mại điện tử) tốt, tự khắc khách hàng sẽ đến”. Và ông đã đúng.

Mikitani có lợi thế về nghiên cứu các hình mẫu kinh doanh của Amazon.com và eBay, hai hãng thương mại điện tử Mỹ hàng đầu thế giới. Tham vọng của ông không phải là dập khuôn một trong hai mẫu hình đó mà kết hợp cả Amazon.com và eBay thành một, cung cấp các dịch vụ đấu giá lẫn trung tâm trực tuyến.

Không chỉ có vậy, ông muốn cho lớp trẻ Nhật Bản thấy họ có thể tự dấn thân vào thương trường mà không cần sự hỗ trợ của các tổ chức quyền lực và lớn.

Năm 1999, tạp chí Time Asia nhận xét Mikitani, là đại diện cho một thế hệ doanh nhân hăng hái mới ở Nhật Bản, những người thà chết hơn là làm việc cho các tập đoàn lớn Nhật Bản. Nhiều người Nhật Bản ở độ tuổi 30-40 như ông thời ấy đã quyết định tương lai của họ sẽ thịnh vượng hơn nếu họ là người đứng đầu. “Không người trẻ tuổi thông minh nào muốn làm việc cho một công ty lớn”, Time Asia trích dẫn Mikitani, “Điều đó sẽ chứa đầy rủi ro”.

Hiện tượng Rakuten

Mikitani đã có thời gian thử nghiệm bán các dịch vụ giáo dục, các dịch vụ tư vấn tài chính và các thứ khác trên mạng nhưng Rakuten là quyết định cuối cùng bởi vì quy mô lớn, yêu cầu công nghệ cao nhưng đầu vào nhân lực không lớn.

Năm 1997, ông khai trương Rakuten, chuỗi cửa hàng trực tuyến đầu tiên ở Nhật Bản để cung cấp cho các nhà bán lẻ cách rẻ tiền để tiếp cận khách hàng trên Internet. Vào thời điểm nền kinh tế Nhật đang xuống dốc, có vẻ như là thời điểm tồi tệ nhất có thể đối với việc lao vào lĩnh vực bán lẻ trực tuyến. Song Mikitani nhìn thấy cơ hội duy nhất: “Tôi biết Internet cuối cùng sẽ cất cánh ở Nhật và tôi muốn là một phần của nó”, Business Week trích dẫn.

Ngoài ra, còn một lý do khác: “Tôi biết, tôi có thể cung cấp dịch vụ cho 2.800 khách hàng qua Rakuten. Song đưa lời khuyên tài chính cho 2.800 người sẽ là không thể”, ông Mikitani nói. Đó là vào thời điểm năm 1998, lúc mới chỉ có khoảng 5 triệu người Nhật sử dụng Internet, chủ yếu dành để gửi, nhận email.

Còn ở năm 2007, Rakuten là một hiện tượng ở Nhật Bản với doanh thu hàng năm hơn 800 tỷ yên (gần 6,5 tỷ USD). Trang web của công ty hoạt động như một cửa sổ cửa hàng dành cho hơn 20.000 nhà bán lẻ Nhật Bản, bán mọi thứ từ trứng cho đến rượu, áo kimono. Đối thủ của Rakuten là cổng điện tử của hãng di động Softbank và Yahoo! Nhật Bản.

Về vấn đề thẻ tín dụng? Có ngay giải pháp: Hầu hết các cửa hàng vui vẻ thu xếp thanh toán với khách hàng qua bưu điện.

Ngay từ đầu, không chỉ ấn tượng với Amazon.com, ông còn muốn tránh các chi phí và nợ lưu kho, phân phối. Rakuten cũng không bao giờ quảng cáo. Mikitani cho hay công ty của mình không thực sự là một nhà bán lẻ. Rakuten bán cho các nhà bán lẻ sử dụng máy chủ của mình. Đó là sự khác biệt lớn với những người chơi khác như Amazon. Rakuten tính phí thành viên hàng tháng các thương nhân trên website và giữ lại từ 2-5% giá trị hàng hóa được bán. 80% doanh thu của Rakuten đến từ phí thành viên, 10% là doanh thu từ quảng cáo và phần còn lại đến từ bán đấu giá.

Mikitani đã hạn chế tối đa rủi ro bằng việc giảm thiểu chi phí điều hành kinh doanh trên trang web và chú ý đến dịch vụ khách hàng. Các cửa hàng trên website được giám sát chặt chẽ và một số đã bị buộc phải rời Rakuten vì các hoạt động kinh doanh bị cho là mờ ám.

Giá rẻ là cách thu hút các nhà bán lẻ hữu hiệu nhất. Theo Business Week, năm 2000 Rakuten tính phí các nhà bán lẻ 475 USD/năm xuất hiện trên trang web của Rakuten. Các chuỗi cửa hàng ảo khác đòi phí từ 3.000-10.000 USD. Ngoài ra, các thương nhân cũng có thể biên tập trang web của họ và phân tích thị trường bằng việc truy cập cơ sở dữ liệu và phần mềm của mình. Rakuten bán quảng cáo cho các thương nhân với giá rẻ.

Mikitani tin tưởng thương mại điện tử ở Nhật sẽ còn phát triển hơn cả ở Mỹ bởi người Nhật thích giao tiếp với nhau và điều đó thực hiện dễ dàng hơn rất nhiều trên Net. Bởi vậy, Rakuten đã tạo ra cảm giác cộng động giữa những người sử dụng, để họ tán gẫu (chat) về tư cách của các nhà cung cấp của Rakuten và có thể tham dự vào các cuộc đấu giá trực tuyến. Trang web Free Market của Rakuten, một dạng của trang web bán đấu giá trực tuyến eBay mini, nơi các nhà bán hàng niêm yết đồ vật với mức phí 100 yên (chưa đến 1 USD), cộng với 5% giá bán cuối cùng, là một cửa sổ trực tiếp ưa thích của người mua hàng.

Rakuten đã mở rộng nhanh chóng ở Nhật Bản, cung cấp nhiều loại dịch vụ trực tuyến từ du lịch cho đến tài chính cá nhân. Các cộng đồng Rakuten tạo ra rất quan trọng ở Nhật Bản, nơi Internet như một xã hội tương tác.

Bản thân ông Mikitani trở thành một người nổi tiếng. Các quan chức chính phủ và các chính trị gia tìm kiếm lời khuyên của ông về thương mại điện tử.

Năm 2000, Rakuten phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại thị trường Jasdaq, một thị trường mua bán thẳng (không qua sổ chứng khoán) của Tokyo. Đây cũng là công ty Net thành công nhất trong lần đầu tiên bán ra công chúng năm đó. Bởi trang web của Rakuten có hàng chục triệu người vào mỗi ngày, doanh số tăng từ 1,2 triệu USD lên 26 triệu USD vào năm 2000 và lợi nhuận tăng lên gần 1 triệu USD. Giá trị thị trường của Rakuten đã tăng vọt lên 6 tỷ USD (trong đó Mikitani và gia đình sở hữu 50% giá trị công ty) trong khi ngược lại, nhiều công ty Nhật mới niêm yết chứng kiến cảnh cổ phiếu của mình rớt giá theo các vụ bán tháo cổ phiếu công nghệ.

"Chúng tôi may mắn”, Mikitani nói, “Chúng tôi nổi tiếng nhanh chóng. Người đầu tiên luôn có một lợi thế và chúng tôi là người đầu tiên”.

Mikitani trông bề ngoài giản dị với trang phục áo phông polo, quần kaki, tính cách vô tâm. Nhưng đừng nhầm, ông là người nghiện công việc. Với người vợ ở bên cạnh, ông làm việc 15 giờ mỗi ngày, sáu ngày mỗi tuần. Ngoài đi chơi golf, ông chẳng có sở thích gì. Mục tiêu của ông là xây dựng một điểm đến mua sắm và giao dịch tiêu dùng lớn nhất châu Á.

Cho đến nay, có thể cái tên Ratuken còn ngượng ngịu khi phát ra trên môi những người châu Á. Song ít nhất, Ratuken đã mở rộng hoạt động ra ngoài Nhật Bản, là cổ đông chính của trang web du lịch Trung Quốc Ctrip, đã thâu tóm công ty Mỹ Linkshare và thâm nhập thị trường Anh. Những động thái này cho thấy, tham vọng của ông Mikitani không chỉ dừng ở khu vực châu Á.

Thứ Sáu, 19/09/2008 10:38
31 👨 481
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp