Cảm biến gia tốc phát hiện hướng chuyển động của ống kính và điều chỉnh thành phần thấu kính di chuyển ngược lại để giảm thiểu tác động rung, lắc.
Một trong những lợi thế lớn của một máy ảnh SLR là khả năng đi kèm các ống kính khác nhau phục vụ nhiều mục đích, nhu cầu. Tuy nhiên, cùng với đó là yêu cầu đặt ra tính ổn định của hình ảnh khi sử dụng các ống kính zoom xa hoặc trong điều kiện chụp không đảm bảo.
Tương quan hình ảnh giữa ống kính có chống rung và không có chống rung. Sự khác nhau đến rất rõ khi chụp ở tốc độ thấp. (Ảnh: Cameratechnica).
Kinh nghiệm đơn giản mà nhiều nhiếp ảnh gia truyền tải là tốc độ màn trập phải đảm bảo tối thiểu khoảng 1/x giây, trong đó x là tiêu cự đang chụp. Ví dụ, nếu người dùng sử dụng ống kính 70-200mm và chụp ở tiêu cự 130mm thì để ảnh không bị nhòe, tốc độ chụp tối thiểu phải khoảng 1/130 giây. Tất nhiên, nhiều người sử dụng quen với tốc độ chậm hơn một chút cũng không ảnh hưởng gì.
Nhiều ống kính hiện nay đã được trang bị tính năng chống rung hay còn gọi là ổn định hình ảnh với ký hiệu IS trên các ống Canon hoặc VR cho các ống Nikon. Công nghệ này giúp người dùng có thể chụp chậm hơn khoảng 3 đến 4 bước so với thông thường mà vẫn có được chất lượng ảnh tương tự.
Thành phần thấu kính phía trong sẽ thực hiện động tác dịch chuyển để giảm thiểu rung lắc.
(Ảnh chụp màn hình).
Bí quyết của việc chống rung nằm ở chỗ phần thấu kính ở trung tâm sẽ di chuyển qua lại ngược chiều rung của tay cầm nhằm làm tác động. Trong khi đó, các thấu kính phía trước và sau vẫn giữ nguyên vị trí.
Điều này thực hiện nhờ con quay hồi chuyển và cảm biến gia tốc nhằm phát hiện hướng chuyển động của ống kính do tay cầm bị run sau đó thực hiện động tác di chuyển chiều ngược lại.
Dưới đây là đoạn video cận cảnh cơ chế chuyển động chống rung trên ống kính kit 18-55mm của Canon.