Người đàn ông vận đồ lớn màu đen kiểu cổ bước ra khỏi chiếc Mercedes S320 khi xe vừa tấp vào lề đường Zhongguancun, một con phố náo nhiệt ở Bắc Kinh chuyên bán hàng điện tử gia dụng. Ở tuổi 42, Yang Yuanqing là Chủ tịch Lenovo, tập đoàn máy tính hàng đầu Trung Quốc, doanh số 13 tỷ USD/năm.
Năm 1988, chính tại con phố này, Yang bắt đầu làm việc cho Lenovo; khi ấy còn là một công ty nhỏ mang tên Legend. Cha đẻ của Legend là Liu Chuanzhi, một kỹ sư tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật thông tin quân sự Tây An năm 1966. Năm 1984, ông Liu cùng 10 chuyên viên khác của Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc lập nên Legend với vốn 24.000 USD, sử dụng 100 nhân viên, chủ yếu bán lẻ máy tính của Sun Microsystem và Hewlett-Packard. Yang bán hàng rất giỏi. Liu giao cho chàng thanh niên phụ trách bộ phận bán máy cho các doanh nghiệp nhỏ, rồi quản lý bộ phận quan trọng nhất của Legend: bán máy chủ. Tại bộ phận này, Yang kết thân với một số chuyên viên người Mỹ làm việc cho Sun Microsystems và Hewlett-Packard, và không ngừng thu thập kiến thức về cách điều hành doanh nghiệp.
Ông chủ Lenovo với hoài bão vươn lên tập đoàn toàn cầu. Ảnh: TBKTSG. |
Năm 1994, cuộc đời Yang sang trang mới khi Liu thành lập thêm một chi nhánh hoạt động độc lập giao cho Yang quản lý. Lúc này, Yang mới tròn 29 tuổi. Chỉ trong ba năm, Yang đã biến Legend từ một doanh nghiệp thường thường bậc trung thành hãng máy tính hàng đầu Trung Quốc. Anh biến đổi công ty từ phương thức sử dụng một lực lượng bán hàng trực tiếp và duy nhất sang phương thức dựa vào một mạng lưới đại lý rộng khắp gồm nhiều nhà bán lẻ bên ngoài công ty. Anh cho sửa chữa máy tính và đào tạo miễn phí cho người sử dụng máy tính lần đầu, tập trung vào công nghệ mới.
Cho đến lúc này, công nghệ của các máy tính tiêu thụ tại Trung Quốc đã lạc hậu đến một thế hệ so với máy tính bày bán tại các nước phương Tây. Yang đã làm thay đổi tình hình: máy tính của Legend được trang bị chíp Pentium mới của Intel, cùng một lúc với máy tính của các hãng khác ở Bắc Mỹ. Yang còn mở hẳn một thị trường đại chúng tiêu thụ các loại máy tính giá rẻ, dễ sử dụng. Năm 1997, bộ phận do anh quản lý chuyển trụ sở làm việc, anh đã lợi dụng điều này để đoạn tuyệt với quá khứ. Anh điều hành theo kiểu ai có thành tích thì được thưởng (sau này cũng vậy). Anh đề nghị nhân viên ăn mặc chỉnh tề, nói năng lịch sự khi dùng điện thoại. Yang cũng quyết định rằng cán bộ quản lý phải duy trì liên hệ thường xuyên với nhân viên và mọi người phải gọi nhau bằng tên thân mật…
Anh mong muốn các nhân viên và lãnh đạo Legend suy nghĩ và hành động như các nhà kỹ thuật say sưa công việc ở thung lũng Silicon, Boston hoặc Berlin. Yang cũng biết, trừ phi bành trướng ra khỏi biên giới Trung Quốc, Legend sẽ không bao giờ vươn tới tầm cao của các tập đoàn quốc tế.
Lên tầm quốc tế
Năm 2003, thời cơ lớn đã đến khi anh nghe tin IBM muốn bán chi nhánh sản xuất máy tính đang thua lỗ nhằm chuyển sang hướng cung cấp dịch vụ công nghệ cao. Yang cho rằng nếu mua được, đây sẽ là bước nhảy vọt của Legend - lúc đó sắp đổi tên thành Lenovo - ra thế giới. Nhưng toàn bộ hội đồng quản trị đã chống lại Yang. Liu giải thích: “Chúng tôi đã xây dựng thành công doanh nghiệp này, và không ai muốn quyết định một chuyện đầy rủi ro như thế”. Năm 2005, khi mua lại chi nhánh sản xuất máy tính của IBM với giá 1,75 tỷ đô la, Lenovo đã sở hữu ngay một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới.
Nay thì Yang đã đưa ra một chiến lược đầy tham vọng, ngắn hạn và dài hạn. Về ngắn hạn, trong vòng vài năm tới, thị phần của Lenovo tại Trung Quốc phải lớn hơn nữa (nay đã chiếm 35% thị trường). Lenovo cũng phải phát triển qua các thị trường mới nổi lên khác, như Việt Nam.
Đối với bản thân, vị chủ tịch của Lenovo cũng không ngừng tự hoàn thiện cho xứng tầm một doanh nhân quốc tế. Cách đây 18 tháng, khi thấy rõ rằng vốn liếng tiếng Anh của mình không đủ để giao tiếp sâu, ông đã mời thầy dạy riêng, xem đài CNN (Mỹ) một cách chăm chỉ. Nhờ thế, chỉ trong vòng một năm, ông đã nói tiếng Anh khá thạo.