Ngày nay, ai cũng biết điện thoại và máy tính có thể theo dõi địa điểm của người dùng. Hầu hết chúng ta không quan tâm và cho rằng lợi ích từ việc này lớn hơn vấn đề về bảo mật hay quyền riêng tư. Cortana hay Google Search sẽ chẳng mấy hay ho nếu không thể dõi theo người dùng. Tuy vậy, có thể bạn không biết rằng có những cách khác mà các công ty sử dụng để theo dõi địa điểm của bạn. Thường thì họ thu thập thông tin mà bạn không hề hay biết.
Pin của thiết bị Android
Đúng là smartphone có phần cứng GPS và theo dõi địa điểm nhưng bạn có thể tắt chúng đi. Điện thoại sẽ bớt hữu ích hơn nhưng ít nhất thì các nhà phát triển ứng dụng cũng không biết bạn ở đâu từng giây từng phút. Vào năm 2015, các nhà nghiên cứu tại đại học Stanford khám phá ra một điều kinh ngạc và gây lo lắng là điện thoại của bạn liên lục tiết lộ thông tin về địa điểm thông qua mức độ tiêu thụ pin.
Không như GPS hay Wi-Fi, bất kỳ ứng dụng nào cũng có thể có thông tin về mức tiêu hao pin mà không cần đòi quyền. Ngạc nhiên là nhóm nghiên cứu phát hiện ra cách theo dõi địa điểm này chính xác tới 90%.
Mức độ tiêu hao pin có thể tiết lộ địa điểm
Điện thoại sẽ tốn pin hơn khi đi xa nơi cung cấp mạng thiết bị di động, đặc biệt là khi có các tòa nhà hay núi đồi che khuất. Chỉ cần xem mức tiêu hao pin trong 5 phút là địa điểm sẽ được tiết lộ ngay.
Phương pháp này vẫn có một điểm yếu là cần phải có địa điểm chính xác của nơi mà họ muốn theo dõi trước khi dùng thông tin đó dõi theo người dùng, việc này sẽ khá tốn thời gian. Tới khi nào thì thành phố 3D trên Google Maps và các công cụ tạo bản đồ địa hình khác có thể dự đoán mức độ sử dụng pin chính xác? Có lẽ cũng không còn xa nữa.
Hệ thống giải trí trên ô tô
Google, Apple và các nhà sản xuất ô tô đang tranh giành nhau trong cuộc chiến sản xuất thiết bị giải trí trên ô tô. Android Auto và Apple CarPlay đang dẫn đầu nhưng nhiều nhà sản xuất khác cũng đang cố gắng vượt qua. Điển hình là Ford và Toyota khi họ mới cùng tạo một nhóm có tên là SmartDeviceLink Consortium, kho lưu trữ ứng dụng do các nhà sản xuất ô tô tạo ra và có thể chạy trên bất kì chiếc xe nào. Họ nói muốn tạo ra trải nghiệm không giới hạn cho lái xe. Nếu bạn đang dùng ứng dụng Google hay Apple thì các nhà sản xuất đang mất đi dữ liệu quan trọng. Bởi dữ liệu địa điểm cũng là quảng cáo, và quảng cáo nghĩa là phải có tiền.
Các hãng đang tranh giành nhau thị trường giải trí trên ô tô
Bằng việc sử dụng các ứng dụng do sản xuất tạo ra, hãng ô tô có thể lấy được thông tin địa điểm dễ dàng hơn. Họ có thể gợi ý điểm sửa xe khi bạn cần thay phụ tùng, gợi ý công ty bảo hiểm khi bạn gặp tai nạn hay hiển thị quảng cáo khi các cửa hàng mua sắm gần đó có đợt hạ giá...
Trạm xăng và điểm đỗ xe
Ngay cả khi không dùng hệ thống GPS, nhà sản xuất xe vẫn có thể biết được địa điểm của bạn, cả trên xe điện cũng vậy. Ví dụ như BMW i3 đã ghi lại thông tin về 16 trạm xăng và 100 điểm đỗ xe gần nhất cùng với tọa độ địa lý mỗi lần xe tắt máy và khởi động. Tất cả dữ liệu sau đó được gửi tới nhà sản xuất xe.
Thông tin về địa điểm người dùng ô tô đều được ghi lại
Rất tiếc, các hãng sản xuất xe lại không tuân theo các quy chuẩn bảo vệ dữ liệu người dùng. Năm 2014, Cơ quan thẩm định trách nhiệm của chính phủ Mỹ GAO đã điều tra 10 hãng xe, phát hiện ra 5 hãng không giải trình vì sao lại chia sẻ dữ liệu địa điểm, không hãng nào cho khách hàng xóa dữ liệu và còn rất nhiều cách họ giữ lại những dữ liệu này.
Tín hiệu siêu âm
Một vài ứng dụng theo dõi người dùng bằng sóng âm mà điện thoại thu được trong khi tai người thì không. Đây không phải là đùa. Công nghệ này có tên là theo dõi sóng âm chéo thiết bị. Nó có thể giúp điện thoại thu âm thanh có cao độ rất lớn. Theo thời gian, các công ty sẽ biết được bạn ở đâu, thấy gì và ở đó bao lâu.
Theo nghiên cứu, kiểu truyền tín hiệu âm thanh này có thể thấy ở khắp nơi, từ website, cửa hàng cho tới bảng quảng cáo trên đường, trạm dừng xe bus, sân bay... Hiện tại, ứng dụng sẽ cần có microphone nếu muốn dùng công nghệ này. Dù người dùng thông minh sẽ không cho phép nhưng hoàn toàn có thể vô tình click nhầm hoặc không để ý mà click Allow.
Hiện tại còn ít người biết đến nhưng hãy nghĩ tới khi công nghệ này trở nên phổ biến, đặc biệt là khi việc chia sẻ dữ liệu siêu âm ngày càng nhiều hơn. Khi có được API cho công nghệ này, người dùng có thể lựa chọn cho phép hoặc không trực quan hơn.