Ba điều cần thực hiện ngay lập tức để bảo vệ API khỏi các rủi ro bảo mật

Giao diện lập trình ứng dụng (Application Programming Interface - API) là giao diện mà một hệ thống máy tính hay ứng dụng cung cấp để cho phép các yêu cầu dịch vụ có thể được tạo ra từ các chương trình máy tính khác, hoặc cho phép dữ liệu có thể được trao đổi qua lại giữa chúng. Bằng hình thức này hay hình thức khác, các API đã tồn tại trong nhiều năm, mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng lập trình nhờ các đặc tính điển hình như dễ sử dụng, hiệu quả và linh hoạt. Lợi thế của việc sử dụng API cho ứng dụng web và di động là các nhà phát triển có thể xây dựng và triển khai tích hợp chức năng và dữ liệu một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, chính sự ưu việt và phổ biến của API cũng khiến chúng trở thành mục tiêu khai thác của tin tặc, dẫn đến nguy cơ mất dữ liệu, xâm nhập trái phép hoặc gian lận tự động.

Bản chất không trạng thái và tính phổ biến của API khiến việc bảo vệ chúng ngày càng trở nên khó khăn, phần lớn là do hacker cũng có thể tận dụng các lợi ích tương tự của nhà phát triển - dễ sử dụng và linh hoạt - để dễ dàng thực hiện việc chiếm đoạt tài khoản, nhồi nhét thông tin đăng nhập, tạo tài khoản giả hoặc sửa nội dung. Không có gì ngạc nhiên khi tổ chức bảo mật nổi tiếng Gartner xác nhận bảo mật API là mối quan tâm hàng đầu của 50% doanh nghiệp hiện nay.

Dưới đây là một số bước đơn giản mà bạn có thể triển khai để giảm thiểu rủi ro bảo mật API ngay lập tức.

API

Thống nhất kế hoạch bảo mật trong toàn bộ hệ thống

Nếu trong nội bộ tổ chức, công ty của bạn đang gặp vấn đề liên quan đến bảo mật API, thì có khả năng các biện pháp triển khai đang diễn ra theo cách không đúng hoặc thiếu nhất quán. Nếu không có những cuộc trò chuyện, bàn luận gắn kết và hiệu quả trong nội bộ tổ chức, việc đưa ra giải pháp tối ưu nhất để giảm thiểu rủi ro bảo mật API sẽ là bất khả thi.

Đối với vấn đề này, các bên liên quan nên thảo luận về việc làm thế nào để cùng nhau cộng tác tốt nhất nhằm đề xuất và triển khai sáng kiến bảo mật API phù hợp với tình hình thực tế. Để làm cơ sở cho các cuộc họp này, các nhóm nên tham khảo NIST Cybersecurity Framework. Đây là công cụ tuyệt vời để phát triển sự hiểu biết chung về các rủi ro an ninh mạng trong toàn tổ chức. NIST CSF sẽ giúp các bên có được nhận thức cơ bản về các API được sử dụng trong toàn tổ chức để xác định những lỗ hổng tiềm ẩn trong các quy trình liên quan, từ đó có thể cải thiện chiến lược bảo mật API của mình ngay lập tức.

Đưa ra vấn đề và tìm cách tháo gỡ với tư cách là một nhóm thống nhất

Để cải thiện tình trạng bảo mật API của một tổ chức, điều quan trọng là phải nêu ra được các vấn đề tồn tại và cùng nhau đưa ra phương án giải quyết tối ưu nhất. Khi đặt ra vấn đề, hãy xem xét tổng thể các tài sản API mà tổ chức của bạn có, môi trường kinh doanh, quản trị, đánh giá rủi ro, chiến lược quản lý rủi ro, kiểm soát truy cập, nhận thức và đào tạo, các sự kiện và tình huống bất thường, giám sát bảo mật liên tục, quy trình phát hiện, v.v... Hãy đảm bảo không có bất cứ rủi ro nào bị bỏ sót. Dưới đây là một số câu hỏi được đề xuất để vạch ra vấn đề trong bảo mật API:

  • Tổ chức của bạn sở hữu bao nhiêu API?
  • Chúng được phát triển như thế nào? Nguồn mở, được xây dựng tùy chỉnh hay bên thứ ba?
  • API nào phải tuân thủ luật pháp hoặc quy định?
  • Làm cách nào để bạn giám sát các lỗ hổng trong các API của mình?
  • Làm cách nào bạn có thể bảo vệ các API của mình khỏi lưu lượng truy cập độc hại?
  • Có các API tồn tại lỗ hổng không?
  • Tác động kinh doanh là gì nếu các API bị xâm phạm hoặc lạm dụng?
  • Bảo mật API có phải là một phần trong quá trình đào tạo nhà phát triển đang diễn ra không?

Thiết lập quy trình bảo mật API xuyên suốt và bền vững

Bằng cách thực hiện bước một và hai nêu trên, các tổ chức có thể giữ an toàn cho tài sản API an toàn hơn ở thời điểm hiện tại, nhưng sẽ ra sao khi ngày mai và trong những năm tới khi quy mô API của bạn mở rộng theo cấp số nhân?

Đầu tiên, các tổ chức nên cân nhắc triển khai các giải pháp hỗ trợ giám sát chương trình bảo mật API liên tục, qua đó tạo ra một quy trình bảo mật API toàn diện và mạnh mẽ, đồng thời sở hữu khả năng phát triển và thích ứng khi số lượng API rộng và thay đổi.

Khả năng hiển thị và kiểm kê tập trung tất cả API, chế độ xem chi tiết về các mẫu lưu lượng API, giám sát API truyền dữ liệu nhạy cảm, đánh giá sự phù hợp đặc điểm kỹ thuật API liên tục, có các chương trình xác thực, kiểm soát truy cập tại chỗ và chạy phân tích rủi ro tự động dựa trên các tiêu chí được xác định trước, nắm được ai đang truy cập API, vị trí của chúng và cách chúng được sử dụng… là những chìa khóa để xây dựng một quy trình bảo mật API đủ linh hoạt để theo kịp mọi thay đổi.

Thứ Năm, 08/10/2020 09:16
51 👨 614
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tấn công mạng