Một câu hỏi được đặt ra ở thời điểm này là ai đứng sau việc S-Fone “thay máu” công nghệ CDMA để chuyển sang 3G bởi đây là cuộc chơi tốn kém vài trăm triệu USD mà thắng thua chưa thật rõ ràng.
Nhà mạng mới nhắm đích đầu tư cả tỷ USD
Lịch sử phát triển di động của Việt Nam đã ghi nhận một số DN gần như tay trắng khi vào thị trường di động nhưng chỉ một thời gian sau đó đã ghi tên vào danh sách "Doanh nghiệp tỷ USD". Thế nhưng, thị trường di động Việt Nam đã qua thời vàng son để có thể “tay không bắt giặc” như vậy. Giới chuyên môn cho rằng, di động là câu chuyện đầu tư có giá trị cả tỷ USD nên nó chỉ dành cho những “đại gia” lắm tiền nhiều của.
Hãy thử nhìn các mạng di động mới nhập cuộc trên thị trường di động xem họ được đầu tư ra sao. Sau khi thay tướng vào năm 2011, VimpelCom quyết định bơm vốn cho Beeline Việt Nam để tăng lực cho mạng này có thể cạnh tranh được với các mạng khác. Theo đó, VimpelCom sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD từ nay đến hết năm 2013. Khoản góp vốn đầu tiên trị giá 196 triệu USD đã được VimpelCom đầu tư vào liên doanh, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông này trong GTEL-Mobile từ 40% lên 49%. Toàn bộ các khoản đầu tư sẽ được sử dụng cho sự phát triển của liên doanh GTEL-Mobile. Khoản đầu tư còn lại trị giá 304 triệu USD sẽ được thực hiện trong bước tiếp theo nếu Liên doanh GTEL-Mobile đạt được các mục tiêu kinh doanh nhất định cũng như nhận được những chấp thuận cần thiết của các cơ quan có thẩm quyền. Khi đó, lợi ích kinh tế của Tập đoàn VimpelCom sẽ tăng từ 49% lên 65%. Với khoản đầu tư mới này, tổng số vốn đầu tư của Tập đoàn VimpelCom dành cho hoạt động tại Việt Nam có thể lên tới 1 tỷ USD, bao gồm cả khoản đầu tư đã thực hiện trước đó.
Cùng với Beeline, Vietnamobile cũng được “bơm” vốn tới gần tỷ USD. Hanoi Telecom cùng đối tác là Hutchison Telecom đã đầu tư 880 triệu USD và có kế hoạch đầu tư đạt tới 1,1 tỷ USD trong năm tới cho Vietnamobile. Với số vốn đầu tư này, Vietnamobile nhanh chóng mở rộng được vùng phủ sóng và tương đối thành công khi phát triển thuê bao trong năm 2011 và vươn lên vị trí thứ 4 trên thị trường di động ở Việt Nam.
Ai sẽ đầu tư vào mạng S-Fone?
Sau khi SK Telecom rút khỏi dự án S-Fone, đã có nhiều tin đồn về khả năng một trong hai công ty sản xuất thiết bị của Trung Quốc là Huawei hoặc ZTE sẽ “bắt tay” với SPT (Công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính - Viễn thông Sài Gòn) để phát triển mạng S-Fone. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chỉ là đồn đoán mà thôi.
Mới đây, nguồn tin của báo Bưu điện Việt Nam cho biết, SPT đã lập kế hoạch “thay máu” công nghệ cho mạng S-Fone. Theo đó, SPT sẽ khai tử công nghệ CDMA để chuyển sang công nghệ HSPA (3G) với băng tần 800 MHz. Một quan chức của Bộ TT&TT cũng xác nhận thông tin trên.
Vậy một câu hỏi ở thời điểm này là ai sẽ đứng sau việc S-Fone “thay máu” công nghệ? Năm 2011, SPT đã bán cổ phần cho SaigonTel. Sau đó SaigonTel tham gia HĐQT của SPT và tham gia điều hành mạng S-Fone. Cho dù ông chủ của SaigonTel nằm trong top những người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán thì giới phân tích vẫn cho rằng di động là cuộc chơi cả tỷ USD nên SaigonTel không đủ sức “tham chiến”. Theo số liệu của Bộ TT&TT, năm 2011 SPT đạt doanh thu 786,73 tỷ đồng. Đây là một con số khá "khiêm tốn" so với các nhà khai thác viễn thông. Như vậy, SPT ở thời điểm này không còn sung sức để có thể đầu tư cho S-Fone. Năm ngoái, SPT cũng lên tiếng tìm đối tác đầu tư cho mạng S-Fone. Song nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này nhận định, khả năng thu hút được đối tác trong nước đầu tư vào mạng S-Fone là “nhiệm vụ bất khả thi”. Như vậy, S-Fone sẽ phải tìm kiếm các đối tác nước ngoài.
Theo nguồn tin riêng của báo Bưu điện Việt Nam, hiện có 2 đối tác nước ngoài có thể sẽ đầu tư vào mạng S-Fone. Một đối tác được nhắc đến nằm trong khối ASEAN và một đối tác khác đến từ Châu Âu. Tuy nhiên, bà Trần Thị Ngọc Bình, Chủ tịch HĐQT của SPT chưa đưa ra bất cứ thông tin gì về vấn đề này. "Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin của S-Fone cho báo chí vào một thời điểm phù hợp", bà Bình nói.
Lãnh đạo một mạng di động lớn cho biết, nếu S-Fone chuyển công nghệ từ CDMA sang HSPA (3G) thì phải đổi máy đầu cuối cho khách hàng. Trường hợp này giống như Hanoi Telecom và Hutchison chuyển từ công nghệ CDMA sang eGSM trước đó. Với số lượng khách hàng lớn thì mức chi phí đổi máy hoặc đền bù cho khách hàng không phải là khoản nhỏ. Bên cạnh đó, ngoài việc đầu tư mới mạng vô tuyến công nghệ HSPA, chắc chắn SPT và đối tác phải tính toán đến việc mở rộng vùng phủ sóng. Như vậy, số tiền để "thay máu" công nghệ và tăng lực cạnh tranh cho mạng S-Fone phải tương đương với khoản chi phí mà Vietnamobile và Beeline đã đầu tư trước đó.