LG, Panasonic, Philips, Samsung, Sony hay Sharp đều sở hữu những nền tảng thông minh dành riêng cho HDTV đang có trên thị trường.
TV thông minh (Smart TV) đang là xu hướng được hầu hết các nhà sản xuất TV trên thế giới áp dụng cho sản phẩm của mình, song song với công nghệ 3D. Về cơ bản, Smart TV cho phép người dùng có thể sử dụng TV để thay thế cho những tính năng giải trí khác có thể thực hiện trên điện thoại hay máy tính bảng, laptop như lướt web, kết nối Internet, xem phim, nghe nhạc trực tuyến, tải ứng dụng và game... hay thậm chí là gọi điện có hình ảnh.
Tại châu Á hay Việt Nam, dù các tính năng về nội dung còn hạn chế nhưng TV thông minh nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía các nhà sản xuất lẫn người dùng. Các dòng TV thế hệ mới này đều được sự ưu ái của các hãng lớn như Samsung, LG hay Sony khi tích hợp nhiều tính năng, ứng dụng cũng như thân thiện và dễ sử dụng. Ngay cả Apple vốn không nổi tiếng với thị trường nghe nhìn cũng được cho là sắp ra mắt TV thông minh đầu tiên mang thương hiệu Quả Táo.
Dưới đây là tổng hợp 6 nền tảng TV thông minh phổ biến ý tại châu Á hiện nay.
LG Smart TV
LG Smart TV với điều khiển cảm biến khá tiện dụng.
Kho ứng dụng của LG dành cho TV thông minh hiện đã đạt số lượng 400 sản phẩm. Người dùng có thể thưởng thức các bộ phim hay clip ca nhạc chất lượng HD từ Internet (tùy từng thị trường), truy cập mạng xã hội bằng ứng dụng riêng hay duyệt web với trình duyệt có hỗ trợ Flash. Ngoài điều khiển bằng các ứng dụng trên iOS hay Android, nhà sản xuất tới từ Hàn Quốc còn có thêm điều khiển cảm biến chuyển động hỗ trợ cả điều khiển bằng giọng nói.
Samsung Smart TV
Samsung là hãng đầu tư mạnh vào Smart TV.
Samsung là nhà sản xuất tiên phong trên lĩnh vực Smart TV nên lợi thế so với đối thủ, sản phẩm của hãng có nhiều tính năng, giao diện thân thiện và dễ sử dụng với người dùng TV. Tương tự như LG, Samsung cũng có một kho ứng dụng riêng cho TV, cho phép xem phim HD, 3D, các clip ngắn hay phim tài liệu. Thế mạnh của Samsung là nội dung trực tuyến.
Sony Bravia Internet Vídeo/ Widgets
Internet TV của Sony đơn giản nhưng dễ dùng.
Cũng mang tới khả năng lướt web (không hỗ trợ Flash), cho phép xem video hay nghe nhạc trực tuyến nhưng nền tảng của Sony tỏ ra đơn giản khi có số lượng phần mềm khoảng trên dưới 20, không có một kho ứng dụng riêng. Người dùng cũng có thể truy cập Facebook, Twitter, sử dụng điện thoại chạy iOS, Android hay laptop Vaio làm điểu khiển ảo. Tuy nhiên một hạn chế là việc thưởng thức các clip trên Internet TV của Sony không hỗ trợ HD.
Panasonic Viera Connect
Panasonic Viera Connect được xây dựng trên dạng điện toán đám mây.
Có kho ứng dụng riêng với số lượng hiện có khoảng 40, cho phép xem phim trực tuyến, thưởng thức clip HD. Điểm yếu ở Viera Connect là không có trình duyệt cho phép lướt web thoải mái như sản phẩm của Sony, Samsung hay LG. Tuy nhiên Viera Connect có thể gỡ gạc lại phần nào khi vẫn có các ứng dụng truy cập mạng xã hội Facebook và Twitter riêng cũng như có thể sử dụng bàn phím và chuột.
Sharp Aquos Net
Aquos Net còn có hạn chế so với các đối thủ.
Đây là nền tảng TV thông minh hạn chế về tính năng nhất so với các sản phẩm được kể ra. Hiện tại Aquos Net mới chỉ có dưới 10 ứng dụng cài đặt sẵn, chưa hỗ trợ kho ứng dụng riêng và chỉ cho phép người dùng truy cập Twitter. Bên cạnh đó, trình duyệt web được tích hợp sẵn nhưng chưa hỗ trợ Flash và không thể sử dụng với các phần mềm điều khiển ảo trên điện thoại cảm ứng hay máy tính bảng.
Philips Net TV
Philips Net TV hỗ trợ kho ứng dụng riêng và có nhiều tính năng.
So với Aquos Net của Sharp, điểm hơn của Net TV là có cho phép thưởng thức nội dung HD và nhạc trực tuyến, kho ứng dụng với hơn 30 tiện ích khác nhau. Tuy nhiên điểm hạn chế ở nền tảng thông minh Net TV là việc TV Philips còn xuất hiện hạn chế ở các thị trường châu Á, như Việt Nam.