Google có thể bị thanh trừng bởi theo dõi cả "những thứ nhạy cảm nhất" của người dùng

Hầu như chỉ nhờ vào việc kinh doanh dữ liệu thu thập của người dùng mà công ty mẹ của Google là Alphabet Inc. được định giá 1,8 nghìn tỷ USD. Các nhà vận động ủng hộ việc bảo vệ quyền riêng tư đã nhiều lần cố gắng giới hạn quyền truy cập của Google vào mọi thứ từ lịch sử tìm kiếm đến vị trí của người dùng nhưng gã khổng lồ tìm kiếm vẫn có thể kiếm tiền từ hồ sơ kỹ thuật số của hàng tỷ người.

Giờ đây, một số tiểu bang và nhóm người dùng tại Mỹ đang cố gắng yêu cầu tòa án buộc Google phải thay đổi. Nếu các vụ kiện tập thể thành công, ngành công nghiệp quảng cáo kỹ thuật số trị giá 300 tỷ USD sẽ phải định hình lại và tạo ra một khuôn mẫu để hạn chế quyền lực của những hãng công nghệ khổng lồ.

Google kiếm tiền chủ yếu từ dữ liệu thu thập của người dùng
Google kiếm tiền chủ yếu từ dữ liệu thu thập của người dùng

1. Google kiếm tiền từ dữ liệu của người dùng như thế nào?

Khi bạn sử dụng trình duyệt Chrome, công cụ tìm kiếm Google hoặc hệ điều hành Android, Google sẽ theo dõi hoạt động của bạn để tạo ra một hồ sơ về sở thích và mối quan tâm của bạn.

Những thông tin trên được ví như "bụi vàng" với các đơn vị tiếp thị thương hiệu, họ dùng nó để nhắm mục tiêu quảng cáo của họ vào những người tiêu dùng có khả năng "dính bẫy" nhất. Google đóng vai trò trung gian liên kết các đơn vị quảng cáo trực tuyến với những người cần mua sắm với mục tiêu là giảm đáng kể ngân sách quảng cáo toàn cầu.

Google cũng thu thập dữ liệu để chống các hành vi gian lận, lạm dụng, cá nhân hóa nội dung cũng như duy trì và cải thiện các dịch vụ của mình. Các nhà phê bình cho rằng kho thông tin được tích lũy bởi Google của Alphabet, Facebook của Meta và các nền tảng công nghệ khổng lồ khác mang lại cho họ một lợi thế cạnh tranh không thể cân bằng nổi trước bất kỳ đối thủ tiềm năng nào.

2. Các vụ kiện có gì đáng chú ý?

Tháng 01/2022, bang Texas, Washington, Indiana và Washington, D.C đã nhắm vào Google với các vụ kiện riêng biệt, cáo buộc Google lừa người dùng tiết lộ dữ liệu vị trí để phục vụ mục đích phân phối quảng cáo. Hai vụ kiện tập thể cũng đã được đệ trình, thay mặt cho hàng triệu người dùng tố cáo Google bí mật thu thập dữ liệu thông qua trình duyệt Chrome.

"Google theo dõi cả những thứ nhạy cảm nhất và xấu hổ nhất mà bạn có thể xem trên internet", một người dùng chia sẻ. Đáng chú ý hơn là Google theo dõi người dùng ngay cả khi họ duyệt web trong chế độ ẩn danh vốn được cho là chế độ giúp người dùng duyệt web một cách riêng tư.

Những người khác thì cáo buộc rằng Google thu thập dữ liệu bất hợp pháp từ những người dùng Chrome đã chọn không chia sẻ hoạt động web của họ bằng cách không đồng bộ hóa tài khoản Google với Chrome.

Ngay cả khi dùng chế độ ẩn danh bạn vẫn bị Google theo dõi
Ngay cả khi dùng chế độ ẩn danh bạn vẫn bị Google theo dõi

Google phủ nhận mọi cáo buộc và cho rằng họ không vi phạm luật quyền riêng tư và nghe lén của bang California. Tiện thể, Google cũng đổ tội luôn cho người dùng rằng họ đã không hiểu rõ các tính năng và cài đặt riêng tư của những dịch vụ do Google cung cấp.

3. Tại sao những điều này lại đang đe dọa Google

Nếu thua trong các vụ kiện tập thể về quyền riêng tư, Google có thể sẽ phải đối mặt với các giới hạn về khả năng thu thập dữ liệu. Những giới hạn này do tòa án áp đặt và Google buộc phải tuân thủ.

Hơn thế nữa, Google có thể phải trả hàng chục tỷ USD tiền bồi thường thiệt hại trong vụ kiện liên quan tới chế độ ẩn danh. Trong vụ kiện thứ hai, nguyên đơn cho rằng Google đã xây dựng doanh nghiệp trị giá nghìn tỷ USD hoàn toàn dựa trên việc kiếm tiền từ dữ liệu của người dùng internet. Vì thế, Google phải bồi thường thiệt hại ít nhất 1.000 USD/1 người dùng.

Nhìn chung, các phán quyết hoặc quyết định chống lại Google có thể thúc đẩy hành động từ phía các cơ quan quản lý và nhà lập pháp. Hoạt động thu thập dữ liệu của Google có thể bị kiểm tra, thanh tra và thậm chí có thể dẫn tới một cuộc thanh trừng trên toàn ngành quảng cáo kỹ thuật số.

Hiện chưa rõ những gì diễn ra với Google gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho những gã khổng lồ công nghệ khác hay không. Meta đã từng phải trả hàng tỷ USD tiền phạt cho các vi phạm quyền riêng tư trong những năm qua nhưng sự phát triển của hãng này không hề bị ảnh hưởng.

Gần đây, giá cổ phiếu Facebook giảm khiến giá trị thị trường mất đi 230 tỷ USD là do lo ngại về tốc độ tăng trưởng người dùng chứ không phải do vấn đề thu thập dữ liệu.

Tôn trọng quyền riêng tư của người dùng trong khi vẫn đảm bảo doanh thu quảng cáo là bài toán mà Google cần phải tìm ra lời giải
Tôn trọng quyền riêng tư của người dùng trong khi vẫn đảm bảo doanh thu quảng cáo là bài toán mà Google cần phải tìm ra lời giải

4. Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo?

Các nguyên đơn trong vụ kiện về tính năng "đồng bộ hóa" của Chrome đang chờ phiên điều trần diễn ra vào ngày 31/5 tới để xem họ có được đại diện cho hàng triệu người dùng khác đệ đơn kiện tập thể hay không.

Trong khi đó, những người trong vụ kiện "Ẩn danh" sẽ yêu cầu tình trạng kiện tập thể tại một phiên điều trần kahsc diễn ra vào tháng 9. CEO Alphabet, Sundar Pichai đã được lệnh phải tuyên thệ nói sự thật trong các phiên điều trần đó.

5. Google đã làm gì để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng?

Dưới áp lực của người tiêu dùng và cơ quan quản lý quan tâm tới quyền riêng tư, năm 2020 Google cho biết họ sẽ cấm các đơn vị quảng cáo sử dụng cookie của bên thứ ba để theo dõi người dùng trong Chrome và nhắm mục tiêu họ bằng quảng cáo. Thế nhưng quyết định này đã gây ra phản ứng dữ dội từ các đơn vị đang sống dựa vào quảng cáo và Google đã phải trì hoãn việc triển khai cho tới cuối năm 2023.

Google đang nghĩ ra một giải pháp thay thế cho cookie giúp các đơn vị tiếp thị kỹ thuật số tiếp cận người dùng dựa trên hồ sơ được chia sẻ thay vì hành vi duyệt web cá nhân. Hồi tháng 2, Google đã đề xuất các công cụ cho hệ điều hành di động Android của mình để tăng quyền riêng tư của người dùng bằng cách cấm theo dõi dữ liệu trên nhiều ứng dụng và hạn chế cách các nhà sản xuất ứng dụng chia sẻ thông tin với bên thứ ba.

Các nhà phê bình cho rằng những động thái này chỉ nhằm giải quyết những lo ngại về quyền riêng tư và có thể củng cố thêm sự thống trị của Google trong lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số.

6. Google còn đang bị những ai "để mắt" tới?

Các cuộc thảo luận về đạo luật khiến các công ty công nghệ khó tiếp cận dữ liệu cá nhân hơn tại Quốc hộ Mỹ đang đi vào bế tắc. Tuy nhiên, áp lực đang gia tăng ở châu Âu, nơi các nhà quản lý đang xem xét kỹ lưỡng cơ chế hoạt động kinh doanh quảng cáo trực tuyến của Google.

Federal Cartel Office (Cơ quan Quản lý Cạnh tranh) của Đức đang điều tra các điều khoản xử lý dữ liệu của Google sau khi cho rằng hãng này được hưởng lợi thế chiến lược từ thông tin mà họ thu thấp, điều mà những đối thủ không thể nào có được. Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Pháp đã hai lần phạt Google về cách quản lý các thiết bị theo dõi trên công cụ tìm kiếm của nó.

"Google theo dõi cả những thứ nhạy cảm nhất và xấu hổ nhất mà bạn có thể xem trên internet"
"Google theo dõi cả những thứ nhạy cảm nhất và xấu hổ nhất mà bạn có thể xem trên internet"

Một cơ quan giám sát của Vương quốc Anh cũng đang giám sát cuộc đại tu trình theo dõi quảng cáo của Google, một phần của thỏa thuận chấm dứt cuộc điều tra chống độc quyền tại khu vực này. Trong khi đó, cơ quan bảo vệ dữ liệu của Ireland chuẩn bị đưa ra phán quyết có thể khiến gã khổng lồ công nghệ gặp khó trong việc chuyển hàng loạt dữ liệu người dùng sang Mỹ.

7. Các đối thủ như Meta có gặp rủi ro gì không?

Hồi tháng 2, Meta cho biết họ sẽ mất 10 tỷ USD doanh thu quảng cáo trong năm 2022 sau khi Apple quyết định các ứng dụng trên những thiết bị của họ phải xin phép người dùng trước khi theo dõi. Đây là ví dụ cho thấy luồng dữ liệu quan trọng như thế nào với các nền tảng lớn.

Bất kỳ giới hạn mới nào đối với việc thu thập thông tin của Google đều có thể ảnh hưởng tới việc thu thập dữ liệu của các doanh nghiệp chuyên kiếm tiền từ dữ liệu cá nhân khác. Nếu các tòa án kết luận rằng hoạt động của Google vi phạm luật liên bang và tiểu bang tại Mỹ, các nhà quản lý sẽ nâng cao giới hạn về quyền riêng tư trên toàn bộ nước Mỹ. Nhà quản lý của các nước khác cũng nhìn vào đó để học theo và tạo ra một tiêu chuẩn chung cho toàn cầu gây khó khăn cho tất cả các công ty như Google, Meta...

Dẫu vậy, những công ty như Google, Meta thường được coi là Too big too fail, đồng nghĩa với việc chúng đã quá lớn, có vị thế quá quan trọng nên không thể sụp đổ được!

Thứ Tư, 02/03/2022 14:45
53 👨 1.333
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ