Từ xưa đến nay, khai xuân đầu năm mới đã là một phong tục truyền thống không thể thiếu của người Việt trong dịp Tết nguyên đán và đầu năm mới.
Tục lệ khai xuân đầu năm có ý nghĩa mong muốn một năm mới mưa thuận gió hòa, làm ăn phát tài, vạn sự hanh thông.
Khai xuân là gì?
Khai xuân chính là những hoạt động chào đón năm mới, chẳng hạn những người có chức tước thì khai ấn, học trò khai bút, nhà nông khai canh, thợ thủ công khai công, người buôn bán kinh doanh mở hàng lấy ngày...
Dân tộc ta vốn cần cù, ai cũng muốn năm mới vận hội hanh thông, làm ăn suôn sẻ, đầu xuân chọn ngày tốt đẹp bắt tay lao động sớm, tránh tình trạng hội hè đình đám, vui chơi sa đà. Đấy chính là các hoạt động khai xuân.
Ý nghĩa của tục khai xuân đầu năm mới
Khai xuân đầu năm được xem như là một hình thức để chào đón một năm mới đến theo truyền thống của văn hóa người Việt.
Chính vì thế, việc khai xuân trong kinh doanh thường được mọi người tổ chức với không khí trang trọng, nghiêm túc. Nghi thức này không chỉ là để cầu nguyện cho một năm thuận lợi, làm ăn tấn tới mà còn giúp các thành viên trong công ty, doanh nghiệp đó gắn bó hơn, khích lệ, tạo động lực cho nhân viên làm việc tại công ty.
Hoặc trong thủ tục khai bút mừng xuân, cha ông ta thường chăm chút, nắn nót từng nét chữ để viết ra các dòng đầu tiên đón chào xuân mới. Giao thừa xong, khai bút chữ tốt văn hay tức là báo hiệu một năm học hành tấn tới, suôn sẻ, thi cử gặp may.
Đây là một hành động với ý nghĩa cực kỳ thiêng liêng bởi nếu như khai bút thuận lợi, văn hay chữ tốt thì sẽ được học hành suôn sẻ, thi cử may mắn.
Một số hoạt động khai xuân đầu năm thường thấy
Viết thơ, mừng nhau thêm một tuổi mới, đi lễ chùa, trồng cây là những phong tục khai xuân... có ý nghĩa cao đẹp đối với người Việt Nam, đem lại sự thiêng liêng và làm giàu đời sống tinh thần.
Sau đây là một số hoạt động tốt lành thường được mọi người chọn để khai xuân:
Khai bút
Đối với người xưa, việc khai bút rất được trân trọng. Sáng mồng 1 Tết, con cháu đến nhà để nghe ông đọc thơ Tết với tình cảm ngưỡng mộ. Ngoài việc làm thơ chúc Tết con cháu, các cụ còn viết thơ về cảm xúc mùa xuân rồi tụ họp ở nhà ngang bên đình làng bình thơ, và những bài thơ cứ thế lan tỏa.
Lì xì
Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện ý, ý nghĩa tốt đẹp của hành động. Tiền lì xì không quy định là mệnh giá nào, thường là những món tiền nhỏ, gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn.
Không chỉ có trẻ em mới được người lớn lì xì, mà con cháu cũng mừng tuổi ông bà, cha mẹ với ý nghĩa cầu mong sức khỏe, chúc cho ông bà, cha mẹ sống lâu trăm tuổi… Tiếp đó ông bà, cha mẹ sẽ mừng tuổi lại con cháu, mong cho con cháu, ngoan ngoãn, học giỏi, ra ngoài gặp nhiều điều may mắn.
Đi lễ ngày Tết
Mọi người thường đi lễ ở đình, chùa, quán. Phong tục đi lễ đình, chùa, quán là đời sống tâm linh ngày Tết có từ lâu đời ở nước ta. Ngày nay, chùa khá phát triển vì thế người ta đa phần chỉ còn nghĩ tới đi lễ chùa. Nhất là ở miền Nam, đa phần chưa có đình mà chỉ có chùa, vì thế việc đi lễ đình có khi còn khá xa lạ.
Khai cày - trồng cây
Với người nông dân, khai cày là công việc vô cùng quan trọng. Đường cày đầu xuân thể hiện sức lao động của con người chinh phục đồng ruộng. Chinh phục đồng ruộng là sức sáng tạo của cư dân nông nghiệp Việt Nam - những người làm nên nền văn minh lúa nước. Phong tục khai cày từ lâu đã không còn vì việc cày bằng trâu đã được thay bằng cày máy từ khi công nghiệp phát triển.
Về sau xuất hiện việc khai xuân trồng cây. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi động phong trào này. Những năm gần đây, phong tục trồng cây ngày xuân càng được phát triển rộng khắp.
Ngày đẹp để khai xuân Quý Mão 2023
Sau đây là chi tiết danh sách các ngày đẹp khai xuân đầu năm Quý Mão 2023, mời các bạn cùng tham khảo.
Thứ 2, ngày 23 tháng 1 năm 2023 – Âm lịch: Ngày 2/1/2023
Thứ 4, ngày 25 tháng 2 năm 2023 – Âm lịch: Ngày 4/1/2023
Thứ 2, ngày 30 tháng 1 năm 2023 – Âm lịch: Ngày 9/1/2023
Thứ 3, ngày 31 tháng 1 năm 2023 – Âm lịch: Ngày 10/1/2023