Thật dễ nhận ra phần mềm chính là ông vua trong thời đại kỹ thuật số ngày nay bởi sự có mặt rộng khắp tại bất kỳ đâu của nó. Điều gì đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ phần mềm?
Microsoft - người khổng lồ trong lĩnh vực phần mềm và công nghệ.
- Hầu hết những tên tuổi lớn ngày nay, từ Google, Facebook, Twitter cho đến Microsoft và Apple đều là các công ty phát triển phần mềm. Ngay cả gã khổng lồ phần cứng HP mới đây cũng đã tuyên bố tập trung sang phát triển phần mềm.
- Sự ra đời của chiếc máy tính cá nhân đầu tiên - IBM 5150 đã làm thay đổi lịch sử. Máy vi tính cá nhân dần dần đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của con người. Chính điều này đã dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của những phần mềm chạy trên máy tính cá nhân.
- Những năm 1990, mạng internet trở nên phổ biến đã giúp sự phát triển của phần mềm bước sang trang mới, giải thoát phần mềm khỏi nền tảng phần cứng mà bấy lâu nó vẫn phải "ăn bám" để hoạt động.
- Sự xuất hiện của điện thoại thông minh, kết hợp với những yếu tố trước đó như máy tính cá nhân, mạng internet đã giúp phần mềm vươn lên mạnh mẽ và chiếm lĩnh vị trí số một.
Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, bạn có thể thấy phần mềm đang hiện diện ở tất cả mọi nơi trong cuộc sống của chúng ta. Từ ngoài đường vào đến trong nhà, từ cơ quan trường lớp cho tới gia đình, từ công việc, học tập cho tới giải trí, mua sắm ngay cả trong an ninh quốc phòng cũng dùng phần mềm. Dường như chúng là một phần không thể thiếu ở mỗi thành phố, mỗi quốc gia.
Cùng với sự phổ biến của các loại phần mềm là sự lên ngôi của những công ty làm ra chúng. Họ đã chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu trong ngành công nghệ thay cho các công ty sản suất phần cứng trước đây.
Cụ thể hơn, các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới hiện tại là Google, Microsoft, Apple hay những thế lực mới nổi lên nhờ vào internet là các mạng xã hội Facebook, Twitter thực chất đều là những công ty phát triển phần mềm.
Rõ ràng rằng Facebook, Twitter, Google là những công ty phần mềm bởi họ doanh thu chủ yếu dựa vào quảng cáo trên internet, sản phẩm của họ - cái mà họ phát triển và duy trì chính là các ứng dụng trên nền web.
Về phần Mircosoft, họ cũng có sản xuất một số thiết bị ngoại vi như chuột, bàn phím, tuy nhiên doanh thu chủ yếu của ông lớn này chính là mảng phần mềm: hệ điều hành Window, bộ ứng dụng văn phòng Microsoft Office hay hệ quản trị cơ sở dữ liệu Microsoft SQL Sever.
Nhiều người sẽ nói Apple là một công ty phần cứng khi Quả táo là đơn vị phát hành các sản phẩm như iPod, iPhone, iPad, Macbook, Mac PC… Nhưng thực tế họ đã không còn tự tay làm thiết bị từ rất lâu, thay vào đó là thiết kế ra chúng rồi đặt hàng tại các hãng sản xuất như Foxcon, SamSung rồi đóng mác của mình vào và bán ra thị trường. Sản phẩm thực sự do Apple làm ra chính là hệ điều hành iOS, Mac OS X và các loại phần mềm chạy trên những thiết bị kể trên.
Ngay cả công ty hiện đang đứng đầu trong việc sản xuất máy tính và thiết bí như HP mới đây cũng tuyên bố từ bỏ thế mạnh của mình để tập trung sang phát triển phần mềm. Bạn có thể thấy rằng thế giới phần mềm đang dần chiếm lĩnh toàn bộ thế giới hiện đại với lợi nhuận cực cao. Vậy tại sao chúng lại có thể phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ đến như vậy?
Để tìm lời giải cho câu hỏi trên, hãy cùng quay lại thời kỳ đỉnh cao của những công ty phần cứng khoảng 30 năm trước. Sự ra mắt của chiếc PC – Personal Computer (máy tính cá nhân) đầu tiên trên thế giới do hãng IBM (trùm của thời đó) sản xuất mang tên 5150 là một mốc son chói lọi trong lịch sử làng công nghệ.
Trước đó, các máy vi tính chỉ được sử dụng để làm cơ sở dữ liệu lưu trữ nhiều loại hồ sơ và tính toán đơn giản trong bộ máy hành chính quốc gia và các tập đoàn hùng mạnh. Chiếc PC IBM 5150 đã vượt qua rào cản đó, đưa công nghệ thông tin tới tay người dùng cá nhân – mở ra một trang sử mới, đánh dấu sự phát triển nhanh chóng của các công ty phần cứng.
IBM 5150, chiếc PC đầu tiên trong lịch sử.
Sự tiện dụng của máy vi tính đã khiến cho nó được ứng dụng rộng rãi trong rất nhiều loại công việc rồi lan dần sang lĩnh vực giải trí và không biết từ lúc nào, nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người.
Tất nhiên, sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng lẫn cấu hình phần cứng của máy vi tính cũng kéo theo những bước đột phá của nhiều loại phần mềm ứng dụng chạy trên nó.
Có nhiều ví dụ về việc ứng dụng phần mềm vào cuộc sống, chẳng hạn như các phần mềm văn phòng (Microsoft Office, Open Office) có thể tạo ra, lưu trữ, sửa đổi văn bản, số liệu một cách dễ dàng. Học tập thông qua các slide bài giảng, chơi game, nghe nhạc xem phim để giải trí.
Ngay cả các lĩnh vực nghệ thuật cũng dùng tới máy vi tính: bạn có thể thấy rằng việc chỉnh sửa ảnh, rửa ảnh trước kia được thực hiện trong phòng tối, nhưng hiện nay thì những nhiếp ảnh gia có thể chỉnh sửa ngay trên máy vi tính bằng photoshop rồi in ra ngay lập tức.
Ngành quốc phòng thì sử dụng phần mềm chuyên dụng để điều khiển rada, tính toán vận tốc, khoảng cách, hướng đi của các vật thể bay nhằm xác định đó là phi cơ hay tên lửa, nó có phạm luật không và liệu có nguy hiểm tới đất nước…
Máy vi tính phát triển kéo theo sự phát triển của phần mềm.
Đến đây bạn đã có thể nhận thấy rằng phần mềm phát triển được là dựa trên phần cứng, tuy nhiên vẫn không thể giải thích được rằng tại sao nó lại có thể vượt lên trên nền tảng mà nó buộc phải “ăn bám” vào để hoạt động.
Và lời giải ở đây chính là: ngành truyền thông. Vào những năm 199x, mạng internet bắt đầu phổ biến trên toàn thế giới và chính nó đã tạo nên những bước tiến mới của công nghệ phần mềm: các trang web liên tục mọc lên khắp chốn, đồng thời các bộ ứng dụng cũng có thêm một phương thức phát hành mới nhanh chóng tiếp cận người dùng hơn nhiều so với bán đĩa truyền thống, đó là download trên mạng.
Các công ty phát hành phần mềm, nhạc, phim trên mạng trở nên ăn khách, thậm chí còn vượt xa cả những hãng trực tiếp làm ra những sản phẩm đó. Ví dụ điển hình là Apple iTunes, Sotify và Pandora – những trang web phát hành nhạc kỹ thuật số trên mạng có lượng bán ra cao hơn hẵn các hãng bán đĩa như Sony BMG. Gần như công ty thu âm chỉ còn là nơi cung cấp nguồn cho cách bán qua internet.
Nhưng một mạng lưới internet rộng khắp vẫn không đủ mạnh để giúp phần mềm vượt mặt phần cứng.
Thế giới bước sang thế kỷ 21, khi mà các mạng điện thoại di động trở nên cực kỳ phổ biến, chỉ sau vài năm phát triển, ai ai cũng sở hữu một chiếc mobile. Thời kỳ đầu vẫn không có nhiều ứng dụng chạy trên “cục gạch biết nói” và nó chỉ đáp ứng nhu cầu liên lạc.
Rồi sự tiến bộ trong ngành công nghiệp sản xuất phần cứng đã giúp cho một thiết bị nhỏ bé nhưng mạnh mẽ là smartphone xuất hiện. Và chính điều đó cộng hưởng với những thứ đã có sẵn là máy vi tính, mạng internet đã thực sự thúc đẩy nền công nghiệp phần mềm tiến lên nhanh chóng và mạnh mẽ để chiếm lĩnh vị trí số một.
Bạn có thể sử dụng phần mềm để làm bất kỳ việc gì tại bất kỳ đâu.
Giờ đây, bạn sử dụng phần mềm để giải trí, liên lạc, làm việc mọi lúc mọi nơi với chiếc smartphone, laptop, desktop và các thiết bị lập trình được. Chúng ta có thể dễ dàng tải về các ứng dụng, file nhạc, phim, ảnh… trao đổi với bạn bè thông qua internet.
Ngay cả việc đi shoping mua đồ cũng có thể thực hiện trên mạng thông qua các website bán hàng trực tuyến như Amazon hay eBay. Tra cứu thông tin thì đã có Google, Bing, Yahoo. Chơi game với hàng loạt webgame từ Zynga hay các minigame từ nhiều nhà phát triển khác. Lựa chọn hàng trăm hàng ngàn quyển sách để đọc… Bạn có thể thực hiện những việc này tại bất kỳ đâu thông qua các thiết bị di động là smartphone, tablet.
Thế giới ngày càng phát triển, những bước tiến của công nghệ sẽ đẩy mạnh sự phát triển của các thiết bị phần cứng, viễn thông và chắc chắn là kỷ nguyên thống trị của phần mềm sẽ còn kéo dài cho đến khi con người biến mất, trừ khi có những đột phá kỳ lạ xảy ra.