Thiết kế phẳng sẽ có nhiệm vụ thay thế Skeuomorphic đã lỗi thời như một quy luật tất yếu của sự tiến hóa.
Thuật ngữ thiết kế phẳng mới được phổ biến trong vài năm trở lại đây nhưng đã nhanh chóng trở thành một xu hướng chủ đạo của tương lai. Sắp tới đây, thiết kế phẳng sẽ lại xuất hiện một lần nữa trên một trong những sản phẩm đình đám nhất của giới công nghệ chính là iOS 7. Vậy thiết kế phẳng là gì? Và tại sao nó lại trở thành xu hướng của công nghệ trong tương lai.
Thiết kế phẳng là gì?
Về định nghĩa, thiết kế phẳng là một phương pháp không sử dụng thêm bất kỳ hiệu ứng nào trong thiết kế như đổ bóng, góc xiên, dập nổi, độ dốc cùng các yếu tố khác góp phần tạo nên độ sâu, nét nổi bật của thiết kế trên màn hình để tạo nên những hình ảnh đơn giản hơn. Bản thân cái tên "phẳng" của kiểu thiết kế này cũng đã bao hàm ý nghĩa không chứa những yếu tố 3D. Thiết kế phẳng cũng được coi là có họ hàng với Minimalist, một phong cách thiết kế theo trường phái tối giản.
Chính vì thế, điều dễ nhận thấy ở một thiết kế mang phong cách phẳng là các hình ảnh, nút bấm và biểu tượng thường được đơn giản hóa tới tối đa, khác hẳn so với phong cách thiết kế mô phỏng giả chất liệu Skeuomorphic đang được sử dụng trên các thiết bị iOS. Nói dễ hiểu, thiết kế phẳng từa tựa như giao diện Live Tiles của người dùng Windows Phone hay Metro UI trên Windows 8.
Giao diện Live Tiles là một ví dụ điển hình của thiết kế phẳng.
Nói như vậy, không có nghĩa là thiết kế phẳng không sử dụng bất kỳ hiệu ứng nào, thiết kế phẳng vẫn chứa một vài hiệu ứng nhưng số lượng thì ít hơn so với những phong cách thiết kế khác.
Tại sao thiết kế phẳng lại lên ngôi?
1. Tính đơn giản
Như đã nói ở trên, đặc điểm nổi bật nhất của thiết kế phẳng đó là tính đơn giản. Đây cũng chính là ưu điểm vượt trội nhất của kiểu thiết kế này. Tính đơn giản của thiết kế phẳng tạo điều kiện cho các nhà thiết kế dễ dàng hơn trong việc tạo ra các sản phẩm của mình. Thay vì tập trung vào các hiệu ứng và hình ảnh bắt mắt cho sản phẩm thiết kế của mình thì họ chỉ cần chú ý vào những yếu tố ít phức tạp hơn.
Một trong số đó là màu sắc, yếu tố có thể được coi là chủ đạo của phong cách thiết kế này. Hãy thử lấy Windows Phone làm ví dụ: Những cửa sổ với nhiều màu sắc đơn giản và dễ thiết kế hơn rất nhiều so với những biểu tượng của iOS hoặc Android. Thay vì phải tự thiết kế ra hình ảnh cho sản phẩm của mình thì các nhà thiết kế chỉ đơn giản chọn lấy một tông màu sau đó áp dụng một số hiệu ứng nhất định. Ngoài ra, cách kết hợp giữa các tông màu với nhau trong một thiết kế cũng được cho là đơn giản hơn so với yêu cầu phải tạo ra các hình ảnh có tính liên quan và tương đồng.
2. Gây hiệu ứng mạnh và mang tính hiệu quả cao
Sử dụng màu sắc để làm nền, thiết kế phẳng còn mang theo tính tích cực đối với người dùng bởi họ sẽ không bị rối mắt trước một loạt các hình ảnh mang tính 3D như vẫn thường thấy. Giao diện thiết kế phẳng thường đặt tính hiệu quả lên trên tính đẹp mắt. Các nút chọn trong thiết kế phẳng không cần phải thiết kế quá nhiều và quá phức tạp. Chỉ cần mọi thứ được phân định rõ ràng thì cũng sẽ đem lại hiệu quả cho người dùng.
Không những thế, việc sử dụng nhiều màu sắc bắt mắt còn có thể góp phần gây chú ý cũng như tạo hiệu ứng mạnh hơn đối với người dùng. Đặc biệt là khi nhà thiết kế biết cách phối tông hiệu quả với những gam đối lập mạnh như trắng và đen. Đó có lẽ là điều mà Johny Ive đang muốn định hướng cho iOS 7 sắp được ra mắt trong thời gian tới đây.
Ngoài màu sắc, thiết kế phẳng cũng có khả năng tạo ấn tượng với người dùng thông qua yếu tố khác đó là Typography. Có rất nhiều định nghĩa về Typography trong thiết kế, tuy nhiên, để bạn đọc dễ hình dung chúng ta hãy tạm hiểu Typography là các sắp xếp các phông chữ cách điệu theo một trật tự hoặc quy luật riêng để khiến người khác phải chú ý.
Typography lại là một trong những lý do mang lại tính hiệu quả cho thiết kế phẳng bởi với kiểu thiết kế này người dùng sẽ có được nhiều thông tin hơn thay vì chỉ nhìn vào những biểu tượng đẹp mắt rồi thôi. Những ai đã từng sử dụng qua giao diện của Windows Phone hoặc Windows 8 có thể dễ dàng nhận thấy điều này. Việc có thể xem trực tiếp thông tin ứng dụng mà không cần phải mở ứng dụng đó lên thực sự là trải nghiệm mới lạ và tiện dụng.
3. Khắc phục điểm yếu của thiết kế Skeuomorphic (phong cách mô phỏng giả chất liệu)
Skeuomorphic là phong cách thiết kế mô phỏng sao cho giống thật nhất có thể bằng cách sử dụng các hình ảnh dễ liên tưởng đến vật thể thực tế cũng như áp dụng các hiệu ứng tạo độ sâu. Hãy cùng xem qua các ví dụ ở dưới đây để thấy rõ hơn điều đó.
Một số ví dụ về thiết kế Skeumorphic
Tuy nhiên, Skeuomorphic đã bộc lộ một số khuyết điểm như sau:
- Giao diện đôi khi khó quan sát: Như biểu tượng chiếc đồng hồ mà Apple sử dụng ở hình ảnh bên trên. Rõ ràng khi xem hình ảnh chiếc đồng hồ như thế này chúng ta sẽ mất thời gian hơn hẳn so với loại đồng hồ số chỉ có giờ và phút.
- Cách thức mô phỏng đôi khi gây khó nhà phát triển: Việc tìm ra cũng như tạo dựng hình ảnh trong Skeuomorphic gây ra không ít khó khăn cho các nhà thiết kế.
- Tốn nhiều không gian màn hình thiết bị di động cho các trang trí không cần thiết: Đây là một thực tế của thiết kế Skeuomorphic vốn đặt nằng tính hình ảnh với các trang trí bắt mắt. Chẳng hạn như ảnh thiết kế của giao diện lịch bên trên, người dùng thường chỉ muốn biết hôm nay là ngày bao nhiêu, thứ mấy. Không nhất thiết phải hiển thị cả một tháng như một tấm lịch thực sự.
- Hạn chế sự sáng tạo: Thiết kế Skeuomorphic vốn lấy hình mẫu là những vật ngoài thực tế. Thế nên các nhà thiết kế không cần phải tưởng tượng nhiều về thứ mà mình định làm ra mà chỉ nghĩ cách làm sao cho giống nhất có thể. Và khả năng cao là sẽ có nhiều "ý tưởng lớn gặp nhau" với một chút khác biệt nhỏ.
- Tồn nhiều tài nguyên phần cứng: Việc áp dụng nhiều hiệu ứng trong thiết kế Skeuomorphic cũng là một khuyết điểm của phong cách này bởi như thế sẽ khiến các thiết di động vốn yếu ớt về sức mạnh phần cứng, ít ỏi về thời lượng pin sẽ phải dồn sức để thể hiện Skeuomorphic trên màn hình.
Những nhược điểm trên có thể hoàn toàn được khắc phục với thiết kế phẳng với những điều đã mô tả ở trên.
Tạm kết
Phong cách "giả chất liệu" (Skeuomorphic) đã có tuổi đời được 33 năm với sứ mệnh tạo ra sự liên kết giữa các vật liệu cũ, quen thuộc và một thứ hoàn toàn mới và khó dùng như máy tính nhằm giúp người dùng nắm bắt dễ dàng hơn với công nghệ.
Tuy vậy, thời đại ngày nay đã khác, sự phát triển phong phú của các thiết bị di động cùng với khả năng nắm bắt nhanh các thiết bị công nghệ của người dùng đang khiến Skeuomorphic dần thoái lui. Và thiết kế phẳng sẽ có nhiệm vụ thay thế Skeuomorphic đã lỗi thời như một quy luật tất yếu của sự tiến hóa.