Tại sao Microsoft Windows chậm chạp, đắt đỏ vẫn thống trị thị trường hệ điều hành, bất chấp sự vượt trội của Linux và nỗ lực hết mình của cộng đồng mã nguồn mở?
1. Nghi hoặc
Gieo rắc nghi hoặc cho người dùng về sản phẩm của đối thủ là chiến thuật thường thấy trên thương trường - Microsoft không phải ngoại lệ. Để giữ vị trí "độc tôn" của mình trong thị trường HĐH, hãng kiện tụng liên miên, lôi kéo sự chú ý của báo giới, và từ đó gieo rắc sự nghi ngờ về "chất lượng phần mềm nguồn mở" tới người dùng thông thường.
2. Bất hợp tác từ phía nhà sản xuất phần cứng
Cài và dùng các hệ điều hành nguồn mở trên thực tế khá đơn giản. Nhưng công đoạn khó nhằn nhất - tìm phần mềm điều khiển (driver) cho phần cứng máy tính - khiến nhiều người bỏ cuộc ngay khi mới làm quen với HĐH mã nguồn mở.
Microsoft, ngược lại, được "hậu thuẫn" nhiệt tình từ phía các nhà sản xuất phần cứng. Đĩa CD đi kèm sản phẩm luôn chứa ít nhất driver cho Windows. Thậm chí, dân dùng Linux còn đồn đại về việc một số hãng cố tình thiết kế sản phẩm "hoạt động lỗi" khi phát hiện đang sử dụng HĐH không phải Windows!
Nếu là người dùng thông thường, không có khả năng tự viết driver cho riêng mình, bạn chỉ có thể trông chờ driver được "dân trong nghề" tung lên mạng. Nhưng giải pháp này xem ra ngày càng kém khả thi, do có quá nhiều phần cứng khác nhau, đặc biệt nếu bạn đang dùng sản phẩm thuộc diện "hàng độc".
Giao diện Linux đẹp không kém Windows Vista
3. Khó làm quen
Người dùng Windows phải chịu đựng virus, mã độc v.v.. tấn công hàng ngày. Nhưng họ đã quen với chúng từ thời Windows 3.1
Người dùng Windows Vista chỉ dùng pin máy xách tay được khoảng 1h 30 phút. Nhưng cùng một MTXT đó cài Ubuntu (một HĐH mã nguồn mở), thời lượng dùng pin tăng lên... 3 giờ!. Nhưng họ đã quen với Windows mất rồi.
Quá quen với một sản phẩm "truyền thống" và ngại thay đổi là yếu tố quan trọng khiến HĐH mã nguồn mở khó trở nên phổ biến.
4. Khó sử dụng
Bạn là người duy nhất dùng Linux ở cơ quan. Để gửi được tài liệu qua mạng LAN nội bộ tới đồng nghiệp dùng Windows, bạn phải đọc hàng chục trang hướng dẫn, sau đó mày mò chỉnh sửa file cấu hình. Tại sao phải mất quá nhiều thời gian làm việc đó, trong khi với Windows, bạn chỉ cần nhấn chuột phải lên file, chọn share?
5. Ít được biết tới
Hầu như mọi máy tính mới xuất xưởng đều được cài sẵn Windows. Nhiều người thậm chí còn không biết tới sự tồn tại của Linux. Nhưng tình hình đang được cải thiện dần nhờ vào những hãng như Dell của Mĩ giới thiệu cả Linux lẫn Windows cho khách hàng tự chọn.
6. Không phù hợp người dùng doanh nghiệp
Đối tượng doanh nghiệp chiếm tỉ trọng rất lớn trong số khách hàng của Microsoft. Số khách hàng này cần nhất tính ổn định của hệ thống, cũng như phục vụ tốt cho công việc. Thử tưởng tượng hàng triệu nhân viên vò đầu bứt tai vì không thấy nút Start trên màn hình, hàng đống tiền đổ ra để huấn luyện cách dùng Linux thay vì Windows, v.v.. Linux tưởng chừng rẻ mà không rẻ chút nào - bạn phải "trả" kiến thức để dùng được HĐH mã nguồn mở.
Những lý do trên cho thấy Linux sẽ tiếp tục phát triển, nhưng rất chậm chạp, và chỉ giới hạn trong những người có trình độ, hoặc thực sự thích "o bế" cho PC của mình. Các vấn đề này không thể giải quyết trong một sớm một chiều, do đó phần mềm mã nguồn mở sẽ khó "cất cánh" trong tương lai gần.