10 cách để cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Theo Vụ Thống kê Lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ, trung bình một công nhân Mỹ làm việc khoảng 9,3 giờ mỗi ngày. Riêng ở lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), nhân viên thường phải làm việc nhiều hơn (khoảng 43-62 giờ/tuần), chấp nhận chế độ luân ca và thường bị đặt trong tình trạng “standby” (túc trực) theo kiểu 24/7. “Kỷ lục” không hề mong đợi này đã làm nóng thêm vấn đề cân bằng công việc với cuộc sống. Nếu là bạn, bạn sẽ làm gì để vượt qua áp lực ấy?

CNTT là một nghề hấp dẫn nhưng cũng đầy áp lực. Làm thế nào để có thể chu toàn cả công việc và cuộc sống nếu như công ty của bạn ít quan tâm đến vấn đề này? Dưới đây là mười bí quyết đang được nhiều giám đốc đào tạo, giám đốc CNTT và những chuyên gia muốn chia sẻ.

Lập danh mục những việc ưu tiên và luôn thực hiện đúng

Áp lực sẽ liên tục gia tăng nếu bạn vẫn giữ thói quen xấu, đó là “nhớ đến đâu làm đến đấy” và “bị sếp thúc bách cái gì, làm ngay cái ấy”, bất chấp những công việc khác còn đang dang dở. Để không bị rơi vào trường hợp nói trên, bạn cần phải sớm thiết lập trật tự ưu tiên cho mọi việc, từ chuyện ở công ty cho đến việc của gia đình.

Bà Kathie Lingle, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Cải thiện điều kiện làm việc cho ngành CNTT (Alliance for Work-Life Progress – AWLP) của Mỹ, tâm sự: “Cho dù mục tiêu của bạn là gì đi chăng nữa, nếu không xác lập được việc gì làm trước, việc gì làm sau, bạn sẽ bị rối tung. Có quá nhiều thứ đang chờ bạn. Khổ nỗi, quỹ thời gian của chúng ta là hữu hạn. Vì vậy, để có dư ra chút đỉnh thời gian chăm lo cho cuộc sống riêng tư, bạn chỉ còn một cách duy nhất, đó là giới hạn thời lượng làm việc. Hiện tại, thời lượng lao động thường nhật của một nhân viên CNTT là khá nặng. Tôi khuyên bạn, để bảo đảm sức khỏe lâu dài, bạn nên biết nói không với chuyện làm tăng giờ hoặc từ chối nhận thêm một công việc bán thời gian ở một công ty khác cho dù lương thưởng có cao đến mấy.”

Brian Schultz, chuyên gia tư vấn CNTT của Viện Nghiên cứu Battelle Memorial, người đã có kinh nghiệm về chuyện bị buộc làm thêm giờ, chia sẻ: “Khi làm việc cho một công ty nọ, tôi đã xác lập trật tự ưu tiên: trước tiên là Thượng đế (dành thời gian để đi nhà thờ mỗi ngày), rồi đến gia đình (chăm sóc người thân), Tổ quốc (sẵn sàng ra trận nếu đất nước bị ngoại xâm), cộng đồng (tham gia các hoạt động xã hội) và cuối cùng mới đến công việc. Tôi đã nói với sếp về điều ấy, giải thích ý nghĩa của trật tự ấy và yêu cầu ông ấy tôn trọng nó, bởi lẽ đó là cách tốt nhất để tôi có thể vừa làm tốt công việc vừa có thời gian cho cuộc sống riêng tư. Và ông ấy đã đồng ý. Nhưng đến một ngày nọ, công ty buộc tôi phải làm tăng giờ (khoảng 60 giờ/tuần) liên tục trong 14 ngày. Tôi từ chối và chấp nhận thôi việc. Sau đó, tôi đã quyết định về với Battelle Memorial vì tại đây tôi chỉ làm việc trung bình không quá 45 giờ/tuần và công ty luôn tôn trọng phương pháp cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Trừ khi có những cuộc họp đột xuất diễn ra không quá 30 phút, tôi sẽ không phải đi làm vào ngày thứ Bảy hay Chủ nhật và dành thời gian này cho gia đình. Nói như thế là tôi muốn khuyên bạn rằng phải luôn kiên quyết bảo vệ trật tự mà mình đã thiết lập. Đừng vì ngại va chạm với sếp hay sợ bị mất việc mà phá vỡ nó, bởi lẽ bạn không thể làm tốt và sống khỏe với trật tự do... người khác vạch ra.”

Thổ lộ tâm tình với đồng nghiệp

Không chỉ nói riêng với sếp, bạn cũng nên chia sẻ với đồng nghiệp về trật tự mà bạn đã thiết lập. Bà Lisa Martin, đồng sáng lập viên kiêm Chủ tịch Công ty Tư vấn và Đào tạo CNTT Briefcase Moms, phân tích: “Chẳng ai có thể đọc hay nhìn thấy được những gì mà bạn đang nghĩ. Vì vậy, hãy sớm nói ra với đồng nghiệp những thứ mà bạn luôn ưu tiên và mong muốn người khác tôn trọng. Thà mất lòng trước nhưng sẽ được lòng sau.”

Bạn đã từng nói với sếp rằng bạn có thể làm thêm giờ nhưng phải được về nhà trước 8 giờ tối. Thế nhưng, ông ấy vẫn thường xuyên giữ bạn ở lại công ty cho đến tận 10 giờ đêm. Khi ấy, bạn hãy nhẹ nhàng nói với sếp rằng: “Đây là lần thứ bảy trong hai tháng trở lại đây tôi phải về nhà muộn vào ngày thứ Sáu” và nhắc khéo về lời hứa trước đây: “Không biết sếp còn nhớ đến những chuyện khó xử khi tôi phải về nhà muộn trước đây hay không?” Dĩ nhiên, chẳng có sếp nào lại thích thú với phản ứng của bạn. Nhưng bạn hãy tỏ ra kiên quyết, kiên trì cho đến khi thấy không thể cải thiện được nữa thì mới khăn gói chia tay.

Để minh họa cho lợi ích của việc thổ lộ tâm tình với đồng nghiệp, ông Bob Keefe, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc CNTT của Công ty Mueller và cũng là Chủ tịch danh dự của Cộng đồng Quản trị thông tin (SIM), kể: “Hồi còn làm cho một công ty truyền liệu nọ, có lần cả nhóm chúng tôi gặp phải một sự cố nghiêm trọng đòi hỏi phải được khắc phục khẩn cấp. Thoạt đầu, chúng tôi định liên lạc với người chịu trách nhiệm chính. Cả nhóm cũng thừa biết nếu gọi điện thoại, anh ấy sẽ sẵn sàng trả lời và thậm chí chạy ngay đến công ty. Tuy nhiên, chúng tôi đã không làm như vậy vì chợt nhớ anh ấy đã có nói rằng sau giờ làm việc, anh ấy sẽ vào bệnh viện để chăm sóc cho người vợ đang nằm trên bàn mổ. Vì thế, các thành viên trong nhóm đã không ngại làm thêm giờ, vận dụng tất cả những kỹ năng mà anh bạn này đã nhiều lần hướng dẫn để khắc phục sự cố. Cuối cùng, chúng tôi cũng đã thành công và gọi điện báo tin vui cũng như không quên chúc cho vợ của anh ấy chóng bình phục.”

Kiến nghị được làm việc với thời biểu linh hoạt

Đối với những người giỏi nghề, ngoài chuyện lương bổng và chế độ nghỉ phép, thời lượng và thời biểu lao động cũng là những vấn đề họ luôn nghiên cứu cẩn thận và thương lượng rõ ràng trước khi đặt bút ký vào bản hợp đồng lao động. Còn như đã vào làm rồi thì cũng chẳng sao. Bạn hoàn toàn có thể trao đổi trực tiếp với sếp về thời biểu làm việc, chẳng hạn như bạn muốn đi làm trễ hơn và về muộn hơn giờ chuẩn vì một nguyên nhân khách quan nào đấy hoặc bạn muốn được làm việc ở nhà đôi ba ngày trong tuần…

Sẽ là một yêu cầu không quá đáng nếu bạn có thể giải trình chi tiết với sếp về kiến nghị của mình. Nói cách khác, bạn cần phải thuyết phục và chứng minh được rằng tuy đang ngồi ở nhà, nhưng bạn vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ví dụ, bạn có thể giải bày với sếp rằng sáng nay thời tiết rất xấu, kéo dài trong nhiều giờ liền khiến bạn đi làm muộn. Như vậy, sẽ rất lãng phí thời gian bởi lẽ chỉ với một kết nối Internet tại nhà, bạn đã hoàn toàn có thể làm việc như thể bạn đang có mặt ở công ty...

Chủ động kết hợp và lồng ghép các công việc có liên quan

Kết quả từ cuộc khảo sát mới đây của dịch vụ cung ứng lao động Office Team (California, Mỹ) cho thấy có khoảng 53% giám đốc CNTT quan tâm và luôn tạo điều kiện cũng như có những chính sách cụ thể để giúp nhân viên cân bằng giữa công việc và sự nghỉ ngơi. Chỉ có 37% chưa thực sự nhiệt tình và số ít còn lại không ủng hộ.

Tuy nhiên, ngay cả khi bạn được sếp chăm lo, nếu không nắm bắt cơ hội và vận dụng một cách sáng tạo, những chính sách ấy cũng chẳng thể tự nó phát huy hiệu quả giảm stress cho bạn. Đừng quá cứng nhắc trong hành động. Ví dụ, bạn đang làm việc cho một công ty có xu hướng quản lý nhân viên theo khối lượng và chất lượng công việc hơn là kiểm soát chặt chẽ thời lượng hiện diện của họ ở văn phòng, vậy thì bạn phải chạy đua với thời gian để hoàn thành càng sớm nhiệm vụ được giao càng tốt.

Giả sử, sáng nay, bạn được phân công làm việc với đối tác là một công ty ở gần nhà. Thay vì phải mất thời gian cho việc đến công ty để trình diện sếp, rồi đi đến công ty nọ để đàm phán kinh doanh rồi quay trở lại công ty để báo cáo kết quả, bạn có thể không cần đến công ty mà đi thẳng đến đối tác để làm việc rồi ngồi ở nhà gửi e-mail cho sếp. Quỹ thời gian của bạn sẽ được tiết kiệm đáng kể và bạn có thể dùng nó để làm thêm chuyện khác mà không vi phạm nội quy lao động của công ty.

Tìm kiếm “quân sư”

Brian Abeyta, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc CNTT của Tập đoàn Bảo hiểm Aflac, kể: “Tôi rất ngưỡng mộ cách sống và làm việc của một chị giám sát viên trong công ty. Tuy là thuộc cấp, nhưng chị rất xứng đáng để tôi phải học tập. Ngay khi chị được công ty trao quà về thành tích hai giỏi (vừa là một nhà quản lý giỏi, vừa là một bà mẹ tuyệt vời), tôi đã chạy vội đến bên chị và đề nghị được chị chia sẻ kinh nghiệm. Giờ đây, tôi đang áp dụng rất nhiều phương pháp hay của chị, đặc biệt là tính tự quản. Khi đã lên lịch làm gì, chị đều quyết tâm thực hiện đầy đủ và đúng giờ.”

Tranh thủ tối đa sự trợ giúp của mọi người

"Ngạn ngữ có câu ‘Biết tất cả nghĩa là không biết gì.’ Bởi vậy, khi lâm vào tình trạng bế tắc, bạn đừng quá sĩ diện để rồi phải ôm trong người một bài toán không có lời giải. Hãy tranh thủ sự trợ giúp của người thân. Như tôi chẳng hạn, những lúc công việc vượt khỏi khả năng giải quyết, tôi liền gọi điện cho chồng – cũng là giám đốc CNTT ở một công ty khác – để ông ấy chỉ cách gỡ rối,” Natalie Gahrmann, chuyên gia CNTT của N-R-G Coaching Associates, khuyên. “Bạn cũng đừng quên trưng cầu và tập hợp ý kiến của đồng nghiệp trước khi ra quyết định sau cùng về một công việc khó khăn nào đấy. Ví dụ, mới đây, tôi được giao nhiệm vụ đi mua một máy chủ mới cho công ty. Thú thật, lúc ấy, tôi chưa được tự tin lắm với kiến thức của mình về dòng HP C-Class. Ngoài việc tìm kiếm sự tư vấn từ các nhà cung cấp, tôi cũng đưa vấn đề này ra cuộc họp và mời đồng nghiệp góp ý. Cuối cùng, tôi đã mua được một sản phẩm đúng như mong đợi và tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

Hãy chia sẻ “tuyệt chiêu” với đồng nghiệp

Trong một môi trường làm việc mang tính cạnh tranh quyết liệt, sẽ chẳng có gì là khó hiểu nếu bạn không muốn để lộ những bí quyết nghề nghiệp. Tuy nhiên, nếp nghĩ và cách làm này đôi lúc lại là “con dao hai lưỡi”. Đừng bao giờ là người duy nhất có thể giải quyết được một lĩnh vực chuyên môn nào đấy, bởi lẽ mỗi khi “đụng chuyện”, bạn đều phải có mặt. Hãy truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức của bạn cho những thành viên khác trong nhóm và chủ động kiến nghị với sếp được làm điều đó thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn. Như thế, bạn sẽ không bị “réo gọi” vào những thời điểm mà bạn không hề mong đợi.

Khai thác sức mạnh của các thiết bị di động

Những phương tiện này sẽ giúp bạn làm việc mọi lúc mọi nơi, thay vì phải “bám trụ” tại bàn làm việc ở công ty. Không chỉ dừng lại ở đó, khả năng tích hợp và chia sẻ dữ liệu giữa chúng và hệ thống mạng máy tính doanh nghiệp hiện được đánh giá là rất cao. Chẳng hạn như, với một thiết bị hỗ trợ cá nhân kỹ thuật số (PDA), bạn hoàn toàn có thể ghi lại nội dung làm việc tại phòng họp công ty. Đến khi trở về máy trạm của mình, bạn chỉ cần kết nối nó với máy tính rồi tiến hành đồng bộ hóa dữ liệu một cách dễ dàng và nhanh chóng. Việc tra cứu những ghi chú đã được số hóa như vậy cũng giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian hơn so với việc cứ “kè kè” bên mình những quyển sổ tay và cũng đỡ vất vả hơn mỗi khi muốn tìm lại một thông tin nào đó trong một “rừng” chữ…

Nhưng cũng phải biết cách sử dụng chúng một cách khôn ngoan

Các thiết bị số dẫu thông minh đến mấy cũng sẽ trở thành vật vô dụng nếu chúng bị khai thác sai mục đích hoặc không đúng cách. Hãy xác lập thời điểm sử dụng chúng và khi đã hết giờ, nên tạm chia tay để còn dành thời gian cho cuộc sống gia đình. Đừng mãi “ôm” chúng suốt ngày để kiểm tra và hồi âm thư điện tử hay nhắn tin SMS. Ngoài ra, bạn cũng linh hoạt khai thác các phương tiện liên lạc này, lúc thì e-mail khi thì gọi điện thoại. Đôi lúc, chi phí liên lạc không quan trọng. Vấn đề nằm ở chất lượng và hiệu quả giao tiếp. Ví dụ, thoạt đầu, bạn định nhắn tin SMS cho một đồng nghiệp để trao đổi công việc theo cách tiết kiệm nhất. Thế nhưng, mặc dù đã thư đi tin lại khá nhiều, song cả hai đều vẫn chưa hiểu được nhau. Trong khi, chỉ cần một cuộc gọi ngắn không quá 60 giây, có lẽ mọi thứ sẽ xong. Chẳng những bạn không tiết kiệm được chi phí mà còn cảm thấy bực mình hơn vì chẳng đâu vào đâu cả. Một ức chế tâm lý không đáng có sẽ kéo theo một loạt tác động tiêu cực và âm ỉ cho cả ngày làm việc của bạn đấy.

Luôn lạc quan

Ngộ nhỡ gặp thất bại trong công việc, tâm trạng và phản ứng của bạn thế nào ? Nếu không biết cách kiềm chế cảm xúc, rất có thể bạn sẽ bị sa sút “phong độ” rất nhanh. Khi ấy, thay vì cứ nghĩ đến cái vị “đắng” của thất bại một cách cục bộ, bạn nên đặt nó lên một trục thời gian dài hơn để thấy rằng đó chỉ là một vấn đề ngắn hạn, trong khi tương lai của bạn vẫn còn rộng mở ở phía trước. Như vậy, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu và tự tin trở lại sau cú vấp ngã này. Dẫu sao, thất bại cũng là mẹ của thành công.

Bảo Nguyên - Thanh Tuyền

Thứ Bảy, 16/08/2008 09:38
31 👨 5.554
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp