Tổng kết diễn đàn 112: Thất bại hay không đạt mục tiêu?

Ngay từ khi chưa đến thời điểm kết thúc 5 năm thực hiện ĐA 112, nhiều người đã đặt ra những nghi vấn về thành công của ĐA này. Thế nhưng việc đánh giá không hề dễ! Theo ông Nguyễn Ái Việt, phó chánh văn phòng Ban Chỉ Đạo Quốc Gia về CNTT, hiện nay chúng ta chưa thống nhất được chuẩn và cũng chưa có quy định nào hướng dẫn đánh giá các dự án CNTT, dẫn đến tình trạng mỗi người tự đánh giá theo ý chủ quan.

Yêu cầu có chuẩn là cần thiết khi xem xét ĐA 112 với toàn bộ các khía cạnh. Tuy nhiên, khi chưa có điều kiện đó, người ta vẫn đánh giá ĐA 112 theo các góc độ khác nhau. Căn cứ vào những gì ĐA 112 đã làm được, ông Nguyễn Khắc Khoa, nguyên giám đốc Trung Tâm Tin Học và Tư Liệu Học Viện Hành Chính Quốc Gia (HVHCQG) cho rằng: ĐA này không phải là thất bại, mà chưa đạt mục tiêu. Theo ông, "Có lẽ những gì Ban Điều Hành (BĐH) 112 kỳ vọng ban đầu không phù hợp với thực tế và khả năng thực hiện"; quá trình tin học hóa (THH) quản lý hành chính nhà nước (QLHCNN) chỉ mới chú trọng việc mua sắm thiết bị chứ chưa chú ý yếu tố con người. Đội ngũ cán bộ chưa có tác phong làm việc công nghiệp. Cùng ý này, bà Phạm Thị Bích Hoa, giảng viên HVHCQG cho rằng mối quan hệ giữa THH và cải cách hành chính (CCHC) chưa được xử lý hài hòa trong ĐA 112. Bà Hoa đề nghị xác định lại cách tiếp cận của ĐA 112.

Không nhận xét ĐA 112 thất bại hay không, tác giả Bùi Tiệm tập trung so sánh tầm cỡ ĐA 112 với bộ máy quản lý nó. Theo bạn đọc Bùi Tiệm, ĐA 112 quá lớn. Về chiều sâu, nó thay đổi cách làm việc, thay đổi tổ chức bộ máy; về chiều rộng, nó ảnh hưởng đến toàn xã hội. Trong khi đó, ĐA thiếu một tổng công trình sư có đủ quyền, đủ năng lực để thực hiện. Hệ thống quản lý cũng chưa đầy đủ, tính liên kết kém, chưa tương xứng với quy mô của ĐA. Theo tác giả này, người đứng đầu Ban Điều Hành (BĐH) ĐA 112 nên là Thủ Tướng Chính Phủ.

Khác với nhiều người nhận xét việc đầu tư của ĐA 112 là lãng phí, bạn đọc Bùi Tiệm cho rằng: CNTT đóng vai trò tàu kéo, thúc ép khiến con người và nền hành chính nhanh nhạy, năng động hơn; và chúng ta phải trả học phí để bắt kịp thế giới. Ông Phạm Kim Sơn, giám đốc Sở BCVT TP Đà Nẵng cũng đồng tình, cho rằng những khoản mà ĐA 112 chi tiêu là cần thiết để thay đổi nhận thức, thói quen của người sử dụng.

Ông Lê Mạnh Hà, giám đốc Sở BCVT TP.HCM lại có quan điểm hoàn toàn khác. Theo ông Hà, BĐH ĐA 112 làm thất thóat ngân sách nhà nước vì không tuân theo quy định tài chính (Thông tư số 79/2005/TT-BTC ngày 15/9/2005 của Bộ Tài Chính), áp dụng đơn giá đào tạo cao hơn so với quy định, đồng thời, dùng kinh phí của Trung Ương để đào tạo đại trà tại các địa phương trong khi không có quy định cho phép. Ông Hà cũng phản đối việc BĐH ĐA không có tư cách pháp nhân nhưng lại ký kết các hợp đồng kinh tế. TGVT cho rằng đây là quan điểm riêng của ông Hà. Để làm rõ đúng sai cần có kết luận của các cơ quan chức năng.

Về quản lý, ông Lê Mạnh Hà cho rằng ĐA 112 được giao cho một cơ quan không có chuyên môn, không có chức năng quản lý nhà nước về CNTT, không đúng tầm. Ngoài ra, ông Hà còn cho rằng BĐH 112 quản lý theo kiểu bao cấp và thực hiện ĐA một cách thiếu đồng bộ.

Với những lý do trên, ông Hà kết luận ĐA 112 là một ĐA thất bại và cần được thay bằng một chương trình tổng thể về chính phủ điện tử, được thực hiện một cách chuyên nghiệp, bằng một đơn vị chuyên nghiệp. Ngược lại, ông Lương Cao Sơn, thư ký BĐH ĐA 112 cho rằng "Đây không phải là một ĐA thất bại, nên việc đặt vấn đề có làm tiếp hay không là không cần thiết". Một số tác giả khác đề nghị cần làm tiếp nhưng bộ máy quản lý phải phù hợp. Tóm lại, dù thế nào việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước vẫn phải tiếp tục. Vấn đề là ai sẽ đứng ra thực hiện và thực hiện như thế nào cho có hiệu quả cao nhất mà thôi.

Rất tiếc là trong diễn đàn này, chúng tôi không nhận được nhiều ý kiến từ những người tham gia thực hiện ĐA 112, trừ một số bài dưới hình thức ghi nhận thực tế của tác giả Dương Quang Minh. Theo đó, ĐA 112 đã được thực hiện tốt ở một số địa phương như Quảng Trị, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế..., mang lại hiệu quả tích cực. Song, chúng tôi cho rằng cũng cần xem hiệu quả tích cực đó được xét theo tiêu chuẩn nào, nếu là tiêu chuẩn do ĐA 112 đặt ra thì tính khách quan có bảo đảm hay không. Như chúng ta đã biết, về mặt tổ chức, văn phòng UBND các tỉnh là cấp dưới của Văn Phòng Chính Phủ. Mà, theo cơ chế hành chính của ta hiện nay (đôi khi còn "rơi rớt" kiểu xin - cho), thì về lý thuyết, sức phản biện của VP UBND các tỉnh sẽ không cao. Có lẽ, việc đánh giá cho thật chu đáo sẽ cần đến cả một hội đồng hoặc một cơ quan độc lập.

Hơn nữa, không nên thấy dấu hiệu khả quan ở một vài nơi mà cho rằng tất cả các địa phương khác cũng đều như thế, vì các địa phương rất khác nhau. Điều quan trọng của ĐA 112, theo chúng tôi, là cả một hệ thống gồm rất nhiều thành phần phải tích hợp được với nhau và cùng chuyển biến. Sự chuyển biến đó cho sự thay đổi về chất chứ không đơn thuần là phép cộng những tiến bộ của từng địa phương.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thấy những khó khăn mà BĐH ĐA 112 phải đối phó. Đó là sự trì trệ trong cải cách hành chính, tâm lý thủ cựu, e dè với CNTT và một số yếu tố khách quan khác. Hiện có tới 14 dự án và ĐA về tin học nhưng mới có một vài ĐA được triển khai và kết quả cũng chưa được bao nhiêu. Cần đặt ĐA 112 trong bối cảnh chung đó để nhìn nhận.

Vài vấn đề khác

Có ý kiến cho rằng thực hiện ĐA 112 tốt hay không chỉ là do ý thức. Theo chúng tôi, ý thức là rất cần, nhưng không thể là đủ, nhất là đối với một bộ máy. Nếu tất cả mọi người đều có ý thức thì chúng ta đã không cần đến bộ máy quản lý nhà nước cồng kềnh, mọi việc sẽ răm rắp vào khuôn khổ và xã hội chẳng mấy chốc trở nên tốt đẹp. Cho nên, điều quan trọng là phải thiết lập được bộ máy mang tính ràng buộc chặt chẽ để chẳng may có những người không có ý thức lọt vào thì họ cũng không tồn tại được, hoặc phải trả giá. Vả lại, ý thức cũng không phải là bất biến. Có thể có cán bộ trong thời gian này thì có ý thức tốt, nhưng thời gian sau lại tha hóa do tác động của nhiều yếu tố khác nhau.

Khi đề cập tới tốc độ TTH QLHCNN ở Việt Nam, có người đã nhắc đến trường hợp Singapore với thông tin sau: "Để có chính phủ điện tử, họ phải mất tới 18 năm kể từ khi đặt vấn đề”. Chúng tôi cho rằng so sánh như vậy không nói lên điều gì.

Khái niệm chính phủ điện tử (CPĐT) chỉ xuất hiện từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước, và đi vào thực tiễn từ cuối thập kỷ đó, khi mà những điều kiện cần thiết như Internet băng rộng, công nghệ nén dữ liệu, các phương tiện truyền thông tốc độ cao đã xuất hiện. Cho nên, nếu Singapore định xây dựng CPĐT từ 18 năm trước thì quả là hơi lạ. Giả sử có như thế thật thì Singaporẹ không làm được ngay là đúng vì các điều kiện nền cho CPĐT gần đây mới xuất hiện. Vấn đề đã nêu với Singapore cũng là bình thường, vì họ phải khai phá. Việt Nam đi sau, đã có kinh nghiệm của người đi trước thì phải làm nhanh hơn. Hơn nữa, chúng ta không nên so sánh với những nước mười mấy năm mới xây dựng xong CPĐT để tự thoả mãn, đắc ý, mà nên so sánh với những nước tiến bộ nhanh hơn chúng ta.

Trong diễn đàn, có tác giả đã nêu kinh nghiệm xây dựng CPĐT của Nhật Bản. Những kinh nghiệm đó không phải dễ học, do điều kiện kinh tế, xã hội Nhật Bản khác với VN. Nhưng, có một điều chắc chắn chúng ta có thể học được, đó là sự quyết tâm của Chính Phủ Nhật Bản. Đích thân cựu Thủ Tướng J. Koizumi gánh vác vai trò Trưởng Ban Chỉ Đạo Chiến Lược Quốc Gia về CNTT-TT của Nhật Bản, trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng xã hội thông tin – truyền thông hiện đại của nước này. Ở Việt Nam, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đứng ra làm Trưởng Ban Chỉ Đạo Quốc Gia về CNTT. Chúng ta có quyền hi vọng sự đổi mới này mở ra một giai đoạn ứng dụng CNTT hiệu quả hơn, thiết thực hơn trong các cơ quan nhà nước.

Thứ Bảy, 11/11/2006 11:03
31 👨 54
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp