Trong khi doanh nghiệp khó khăn vì thiếu nhân lực, nhiều sinh viên chuyên ngành này ra trường vẫn không có công việc ổn định, đúng chuyên môn. Tiếng Anh kém, thực hành ít, định hướng học lơ mơ... là những yếu tố khiến các tân cử nhân chịu nhiều áp lực khi xin việc.
Theo một cuộc thăm dò ý kiến độc giả của VnExpress mới đây, có 37,8% trên tổng số 12.214 phiếu cho rằng tiếng Anh là vấn đề khó khăn nhất trong quá trình học tập chuyên ngành công nghệ thông tin cũng như tìm việc làm.
"Như luật bất thành văn, tiếng Anh hiện là ngôn ngữ chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Hầu hết tài liệu nghiên cứu, giao diện, phần mềm... đều sử dụng thứ ngôn ngữ phổ dụng này", Nam Anh, lập trình viên một công ty phần mềm tại Hà Nội, khẳng định. "Bên cạnh đó, công nghệ thông tin là một ngành mới, hiện đại và những người làm nghề này thường xuyên phải giao tiếp với các đối tác nước ngoài. Không có ngoại ngữ thì thật là thiệt thòi và chắc chắn sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội. Nhiều người chỉ nhận ra điều đó khi đã 'va vấp' và đúc kết được những bài học thực tiễn".
Tiến sĩ Trần Văn Dũng, Trưởng khoa công nghệ thông tin Đại học Giao thông vận tải, cho biết khi trở thành một sinh viên công nghệ thông tin thì điều kiện trước hết về trình độ tiếng Anh là khả năng đọc hiểu vì ngôn ngữ này được vận dụng như một công cụ để các sinh viên tiếp xúc với kiến thức công nghệ. "Tuy nhiên, phần lớn các tân sinh viên khi bước vào đại học đều không đáp ứng được yêu cầu về trình độ tiếng Anh, dù chỉ để giao tiếp chứ chưa nói đến nghiên cứu tài liệu. Vốn liếng ngoại ngữ của nhiều em còn rất sơ sài, nhất là những sinh viên ngoại tỉnh", thày Dũng nói.
Nhiều sinh viên cũng thừa nhận kiến thức ngoại ngữ của họ bị hổng từ bậc học phổ thông vì nhiều lý do. Có người đổ tại chương trình đào tạo nhàm chán, cũng có người theo đuổi những ngoại ngữ khác như Nga, Pháp, Trung... đến đại học mới làm quen với tiếng Anh. Nhưng các giáo viên đều cho rằng cách tiếp cận với bộ môn này của đa số học sinh đều hời hợt. "Rõ ràng là nhiều em đã không ý thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ. Việc học của các em từ các cấp dưới và ngay cả ở đại học đều mang tính thụ động, đối phó", thày Dũng nhận định.
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều học sinh không chủ động trau dồi khả năng ngoại ngữ là quan điểm học tập và định hướng nghề nghiệp không rõ ràng. Tiếp xúc với các sinh viên năm thứ 3 lớp Tin B khoá 43 Đại học Giao thông vận tải, theo ghi nhận của VnExpress, thì đa phần cho biết họ chọn ngành công nghệ thông tin vì thấy thích, nhưng cũng không ít người có những lý do khác. "Điểm thi đầu vào của tôi chỉ vừa đủ để học khoa này. Nhiều bạn khác cũng như tôi, vô tình mà học công nghệ thông tin thôi", một sinh viên nữ trong lớp cho biết. Không chỉ thụ động trong ý thức hướng nghiệp, nhiều sinh viên cũng không chuyên tâm với chuyên ngành của mình. Phần lớn đều ấp úng khi được hỏi về các sự kiện công nghệ thông tin nổi bật trong nước năm nay là gì. Một số người cũng nêu tên vài sự kiện nhưng hiểu biết về nó rất mơ hồ. Thậm chí, có bạn khẳng định không biết nhiều về các công ty phần mềm trong nước vì trường nằm xa khu trung tâm.
"Tuy nhiên, trình độ và kỹ năng của cử nhân công nghệ thông tin không đủ đáp ứng nhu cầu của môi trường thực tế không hoàn toàn là do bản thân sinh viên. Nhà trường cũng có lỗi trong việc không định hướng rõ ràng về chuyên môn cho các đối tượng giảng dạy của mình", TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội tin học TP HCM, chia sẻ. "Giáo dục bậc đại học cần phải xác định mục tiêu đào tạo. Từ đó mới biết phải đào tạo những gì và như thế nào. Nếu cứ làm việc một cách mơ hồ và chung chung thì rất khó đánh giá hiệu quả, chất lượng đào tạo", ông nói.
Ông Tùng cũng cho rằng có một nguyên nhân khách quan khiến việc dạy và học công nghệ thông tin ở bậc đại học không đem lại hiệu quả cao là vì đây là ngành nghề có tốc độ phát triển quá nhanh. Với cơ chế quản lý tập trung như ở VN, việc cập nhật và thay đổi giáo trình, phương thức đào tạo sẽ khó mà theo kịp.
Nhiều sinh viên cũng than phiền về phương pháp giáo dục và đào tạo tại đại học đã không thể khuyến khích sự sáng tạo trong giới trẻ. Một sinh viên lớp Tin B khoá 43 của Đại học Giao thông vận tải đã nói vui: "Nếu mà không có điểm danh thì chúng tôi nghỉ cả năm luôn".
Nguyễn Minh Đức, trưởng lớp Tin B, tâm sự: "Không được thực hành là cản trở rất lớn đối với sinh viên công nghệ thông tin. Phần lớn chúng tôi chỉ biết trông chờ vào nhà trường và những mối quan hệ thân thiết để có cơ hội được thực tập tại các doanh nghiệp. Sẽ rất khó khăn nếu chúng tôi tự liên hệ vì chẳng có công ty nào thích nhận thực tập cả. Vả lại, cũng không có chế độ bắt buộc họ phải nhận sinh viên thực tập".
Văn Thắng, sinh viên năm thứ tư Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), cũng cho rằng những giáo trình trong nước lạc hậu trong khi ngành công nghệ thông tin thì luôn thay đổi và phát triển không ngừng. "Theo tôi, chương trình đào tạo đại học cần tiếp cận được những xu hướng hiện đại cùng thiết bị giảng dạy tốt. Sinh viên cũng phải được thực hành nhiều hơn. Chẳng hạn như tham gia vào các dự án cụ thể", Thắng nói.
Công nghệ thông tin là một ngành nghề mới ở VN, nó phù hợp với những người trẻ tuổi, năng động, thích khám phá và sáng tạo. Nhưng thực tế đã chứng minh lĩnh vực này không dễ dãi chấp nhận những năng lực nông cạn và nửa vời. Gần đây, để không đánh mất cơ hội làm ăn lớn với Nhật Bản do thiếu nguồn nhân lực, Hiệp hội phần mềm Việt Nam (VINASA) đã có toan tính táo bạo về một Đại học Nhật Bản nhằm cung cấp nhân công cho thị trường này. Nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Trước những bức xúc về nguồn nhân lực trình độ cao, nhiều độc giả của VnExpress cũng đóng góp ý kiến rằng phổ cập tin học từ những bậc phổ thông là biện pháp tối ưu. Điều đó tránh cho lớp trẻ khả năng bị động khi tiếp xúc với chuyên ngành này.