Ghi âm bằng máy MP3. |
Ngoài những chức năng chính, một số thiết bị cá nhân kỹ thuật số còn được xem như đồ trang sức, thể hiện cái tôi của người sử dụng... Nhưng hiện nay, với không ít học viên đã đi làm thì những công cụ này còn là người bạn đường hỗ trợ khá tốt cho mục đích học tập.
25 tuổi, làm trợ lý giám đốc một công ty liên doanh và đang là học viên cao học ngành quản trị kinh doanh, Đinh Thuỵ Mỹ Trang thường gây chú ý với bạn bè bởi phong cách hiện đại, năng động và lỉnh kỉnh những món “đồ chơi” hi-tech mang vào lớp học. Ngoài chiếc USB nhỏ nhắn, chống thấm nước, được dùng như móc khoá, kim từ điển MV-333, Trang còn sử dụng máy nghe nhạc MP3 Samsung để ghi âm bài giảng.
“Các anh chị lớp mình rất hay dùng những thiết bị như MP3, MP4, máy ghi âm… trong lớp học. Đặc trưng của những người học đã đi làm là tận dụng thời gian một cách tối đa và sử dụng nó sao cho hiệu quả nhất. Những món đồ chơi thế này rất hữu ích”, Mỹ Trang cho biết.
Tại các trung tâm, cửa hàng chuyên bán thiết bị, không ít khách hàng quan tâm đến những chức năng hỗ trợ mục đích học tập ngoài chức năng chính của những món "đồ chơi" như USB, máy ghi âm, máy MP3, MP4, điện thoại di động có thẻ nhớ, Pocket PC... Trong số này, USB gần như là thiết bị không thể thiếu của tất cả học viên. Ngoài việc copy bài giảng, ổ cứng di động này còn là nơi chứa dữ liệu để sinh viên trình bày báo cáo, tiểu luận trước lớp nhờ máy vi tính và projector được nhà trường trang bị sẵn. Một số USB còn có chức năng ghi âm.
Thiết bị phổ biến nhất ở giảng đường là máy nghe nhạc MP3. "Giá một chiếc máy ghi âm số chuyên dụng không dưới 3 triệu đồng trong khi máy nghe nhạc MP3, có thể ghi âm với thời gian hơn 10 giờ kết hợp nhiều chức năng, giá chỉ khoảng một nửa", cô Nguyễn Minh Hà, nhân viên bán hàng tại Diamond Plaza, TP HCM, nhận định. "Dĩ nhiên là thiết bị chuyên dụng tốt hơn, nhưng máy MP3 có thể giải trí với nhạc nén mọi lúc mọi nơi và chất lượng ghi âm khá. Một vài loại còn có thêm chức năng học ngoại ngữ nên MP3 vẫn chiếm ưu thế hơn. Sinh viên các khối thuộc xã hội thường chọn loại máy này”.
Ở các lớp ngoại ngữ, bồi dưỡng chuyên đề, cao học..., sau những giờ làm việc tại cơ quan, không ít học viên đến lớp với tâm trạng khá mệt mỏi và khó tiếp thu. Anh Trần Hoàng Nguyên, học viên lớp tại chức ngành tự động hoá, nói về chiếc máy ghi âm chuyên dụng Sony như một "bửu bối": “Công việc khá bề bộn mà khối lượng bài vở ngày càng nhiều nên không ít buổi học tôi đến lớp hầu như điểm danh là chính, mệt mỏi và gà gật. Những lúc thế này, máy ghi âm sẽ rất có ý nghĩa. Khi rảnh rỗi tôi thường mang bài giảng ra nghe lại".
Thật vậy, giảng đường ngày nay không đơn thuần chỉ phấn trắng bảng đen, thày đọc trò chép. Ngoài những phương tiện giảng dạy được tin học hoá, các thiết bị hitech giúp học viên tiếp cận bài giảng dễ dàng và hiệu quả hơn. Việc đến lớp chủ yếu là nghe giảng, thảo luận vấn đề vì ở một số trường học, trung tâm đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, tài liệu phát sẵn và giáo viên dạy trực tiếp bằng slide.
"Khá nhiều học viên lưu lại bài giảng bằng máy ghi âm, MP3 và điện thoại di động. Bây giờ có nhiều trường hợp vắng, không chỉ mượn vở, tài liệu của học viên có đi học mà còn 'xin' thêm file ghi âm để nghe lại", bà Trần Thị Mỹ Hạnh, giảng viên lớp Giao tiếp khách hàng nhận xét. "Đến lớp học là cách tốt nhất, nhưng nếu không thể vì lý do nào đấy thì việc nghe lại bài giảng thông qua các phương tiện ghi âm cũng khá tiện lợi và hiệu quả hơn so với chỉ xem tài liệu".
Có nhiều thiết bị hi-tech hỗ trợ chức năng ghi âm nên học viên có thể phân vân không biết dùng loại nào thích hợp. Theo kinh nghiệm của anh Nguyễn Chí Nhân, sở hữu chiếc MP4 hiệu JVJ, thì: "Nên chọn loại có trang bị thêm khe cắm thẻ nhớ để khi cần có thể tăng dung lượng bộ nhớ, cho phép lưu trữ số file ghi âm nhiều hơn".
Ngọc Hằng