Những bài học từ Đề Án 112

Lời tòa soạn: Thời gian gần đây, ông Lê Mạnh Hà, giám đốc Sở Bưu Chính Viễn Thông TP.HCM đã nhiều lần lên tiếng góp ý về Đề Án (ĐA) 112. Chúng tôi giới thiệu bài viết dưới đây của ông Hà, với những nhận xét mới, nhằm giúp bạn đọc có thêm một góc nhìn về ĐA 112.

Ai cũng biết, nếu không có chương trình phần mềm (PM) thì máy tính không thể hoạt động được. BĐH ĐA 112 mới chỉ đưa vào vận hành 3 trong tổng số 40 phần mềm dùng chung (PMDC) theo mục tiêu do chính BĐH đặt ra. Trong 3 PM, thực tế chỉ có một hoạt động "thoi thóp". Không có PM đồng nghĩa với hệ thống không hoạt động được. Như vậy các mục tiêu khác cũng không hoàn thành.

Vậy ĐA 112 đã làm được những gì? ĐA này phần nào tác động đến nhận thức của các cơ quan nhà nước về ứng dụng CNTT. Nhưng cái lớn nhất mà 112 mang lại là những bài học, bài học của một đề án thất bại, theo ý kiến của tôi.

Bài học 1: không chuyên nghiệp

Không đúng người: Một dự án, ĐA về giao thông phải giao cho Bộ Giao Thông, ĐA về y tế giao cho Bộ Y Tế, ĐA về giáo dục giao cho Bộ Giáo Dục. Như thế ĐA về CNTT cũng phải do bộ quản lý về CNTT thực hiện mới hợp lý. Nếu giao việc xây dựng cầu Thăng Long hay phòng chống dịch cúm gia cầm cho văn phòng thì không thể thành công... CNTT phức tạp hơn nhiều mà một đơn vị không có chuyên môn đảm nhận thì chắc không có ở các nơi khác trên thế giới.

Người ta có thể lý giải là tuy BĐH 112 không là cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) về CNTT nhưng đã tập hợp được các cán bộ chuyên môn để thực hiện. Đây là một sai lầm. Một ĐA lớn, quan trọng, trong lĩnh vực mới, nhưng lại được quản lý bởi một bộ máy gồm đa số là kiêm nhiệm, có chuyên môn nhưng lại không có kinh nghiệm QLNN thì rất khó thành công. Tất nhiên trong BĐH cũng có những cán bộ quản lý của các bộ, ngành nhưng họ không phải là người có chuyên môn về CNTT.

Một điểm rất quan trọng là CNTT - truyền thông liên quan đến an ninh thông tin nói riêng và an ninh nói chung. Việc đảm bảo an ninh luôn luôn chỉ được giao cho đơn vị có trách nhiệm thực hiện. Đây là việc phải xem xét và giải quyết một cách nghiêm túc.

Không đúng tầm: Một ĐA lớn, khối lượng công việc đồ sộ nhưng BĐH chỉ có một vài người chuyên trách và một vài tổ chuyên môn gồm những người kiêm nhiệm thì quả là quá sức. Một bộ máy hùng hậu của một bộ với đầy đủ các vụ, cục, viện chiến lược, trường đại học cũng phải hết sức cố gắng mới có thể hoàn thành được khối lượng công việc của ĐA. Chiều sâu và tầm cao của công việc cũng vậy, đòi hỏi phải có bộ máy và chức năng của một bộ chuyên ngành mới có thể thực hiện được. BĐH 112 cũng đã "cầu viện" đến các trung tâm khoa học và một số cơ quan quản lý. Nhưng các cơ quan này rất nhiều việc, lại không có mối quan hệ gắn bó hữu cơ, nên mặc dù nhiệt tình nhưng hiệu quả không cao...

Trưởng BĐH 112 là một phó chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ nên khó làm việc với các bộ trưởng (phần đông là Ủy Viên BCH TƯ Đảng) và cũng không đủ lực để tác động đến chủ tịch UBND các tỉnh thành.

Không đúng việc: Ngoại trừ trưởng BĐH 112 là chuyên trách, các trưởng, phó ban ở tất cả các cấp, các ngành khác là kiêm nhiệm, hầu hết không có chuyên môn CNTT. Và điều tất yếu là các trưởng ban này hầu như khoán trắng công việc cho các trung tâm tin học (TTTH). Các trung tâm này là đơn vị sự nghiệp, đơn vị cấp 2, không có chức năng QLNN. Ứng dụng CNTT trong QLNN mà lại giao cho đơn vị không am hiểu và không có chức năng QLNN thực hiện thì cánh cửa dẫn đến thất bại và sai phạm là rộng mở. Hơn nữa, giám đốc một đơn vị sự nghiệp không chỉ đạo được cấp cao hơn là các giám đốc sở, chủ tịch UBND các quận, huyện. Giám đốc TTTH nhận thức được khó khăn đó nên thường dùng tư cách là BĐH 112 khi giao dịch và ký các văn bản. Đây là một biểu hiện lạm quyền. Có nhiều nơi, văn phòng, mà trực tiếp là TTTH triển khai mạng kết nối giữa các cơ quan của tỉnh. Mạng này thực chất là mạng viễn thông dùng riêng và phải có giấy phép của Bộ BCVT. Họ không cần biết đến điều đó và hồn nhiên vi phạm quy định!

Bài học 2: Quản lý lạc hậu

Trong khi nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là TP.HCM có những PM tốt đã chạy ổn định theo thời gian thì lại bị BĐH 112 "bao cấp", buộc phải sử dụng 3 PMDC chưa hoàn thiện và thiếu tính hệ thống. Bất kỳ một điều chỉnh nhỏ nào của PM 112 cũng phải do các chuyên gia ngoài Hà Nội bay vào TP.HCM - trung tâm lớn nhất nước về CNTT để xử lý. Các chuyên gia cũng lặn lội đến vùng sâu, vùng xa để giao tận tay cư dân ở đó những sản phẩm mà họ chưa cần hoặc không có điều kiện để sử dụng.

ĐA cũng phân phối các lớp đào tạo tin học cho những người học xong là quên vì không có máy tính, không có PM để dùng. Những người đã có chứng chỉ A, B thậm chí chứng chỉ C tin học cũng được học tin học căn bản (chương trình 112) với chi phí khoảng 2 triệu đồng/người. BĐH 112 cũng làm thay tất cả các địa phương và bộ, ngành trong việc ký các hợp đồng kinh tế. Hợp đồng cho một lớp đào tạo tin học căn bản ở vùng xa như mũi Cà Mau, hay vùng cao như Gia Lai cũng được ký ở Hà Nội.

Kinh nghiệm cho thấy, mộtcông việc thành công thường xuất phát từ bài học thực tiễn ở các cấp cơ sở. ĐA 112 lẽ ra cũng cần làm như vậy. TP. HCM đã có những mô hình ứng dụng CNTT (không thuộc ĐA 112) thành công được cả nước đến thăm và học tập, nhưng BĐH 112 đã chưa quan tâm đến việc sử dụng các kết quả của địa phương.

Bài học 3: Không đồng bộ

Vấn đề này tôi đã nói nhiều lần. Ở đây, tôi chỉ điểm một số nét. Người ta triển khai xây dựng ồ ạt hàng trăm trung tâm tích hợp dữ liệu (TTTHDL) trên cả nước trong khi chưa có dữ liệu tích hợp. Cần biết chi phí trung bình cho một TTTHDL là 4 tỷ đồng. Cũng có người cho rằng việc xây dựng như vậy là cần thiết. Đúng, rất cần thiết nhưng phải xây dựng đúng lúc và với quy mô phù hợp. TP.HCM là thành phố lớn nhất nước và dẫn đầu về ứng dụng CNTT (không thuộc ĐA 112) chưa xây dựng TTTHDL thì các tỉnh thành khác có cần thiết phải xây dựng?

Một việc nữa là BĐH ĐA 112 triển khai 3 PMDC trên diện rộng bất chấp hạ tầng ở nhiều nơi không đảm bảo. Ở một số nơi PM được triển khai trên hạ tầng tương đối đầy đủ nhưng thông tin không biết chuyển đi đâu vì không có đường truyền.

BĐH ĐA lý luận là phải có PMDC để dữ liệu có thể được đồng bộ, tích hợp và kết nối giữa trung ương với địa phương. Thế nhưng ngay cả 3 PM đang triển khai cũng đã không tích hợp được với nhau, thậm chí không"sống chung" được với nhau.

Bài học 4: Không đúng quy định

Cách quản lý thiếu chuyên nghiệp và lạc hậu sẽ dẫn đến những hậu quả, đặc biệt là về tài chính, quản lý đầu tư.

Như trên đã nói, BĐH 112 ký tất cả các hợp đồng, với đơn giá đào tạo theo tôi là cao một cách bất ngờ: Đơn giá đào tạo cho các lớp tin học căn bản tương đương bằng A cao gấp 3 - 7 lần so với giá thị trường. BĐH có thể lý giải là đơn giá đã được Bộ Tài Chính chấp thuận. Đúng là Bộ Tài Chính đã đồng ý với đề nghị của BĐH về đơn giá đào tạo cho các lớp công nghệ mạng để thực hiện thí điểm trong một thời gian nhất định. Thế nhưng BĐH đã áp dụng đơn giá cao hơn đơn giá quy định và ngoài thời hạn cho phép. Không những thế, BĐH còn áp dụng đơn giá của lớp công nghệ mạng cho các lớp tin học căn bản để có được chi phí cao gấp nhiều lần như nói trên.

Khi Bộ Tài Chính có Thông Tư số 79/2005/TT-BTC ngày 15/9/2005 hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước, trong đó có đào tạo tin học, BĐH 112 không căn cứ vào thông tư này để xây dựng chi phí cho các lớp tin học 112 sau tháng 9/ 2005 mà vẫn tiếp tục mức kinh phí cao như cũ. Ngoài ra, BĐH 112 đã dùng kinh phí của Trung Ương để đào tạo đại trà tại các địa phương trong khi không có quy định nào cho phép làm điều này.

Theo quy định hiện hành, BĐH 112 chỉ được quyền thẩm định các vấn đề về kỹ thuật, công nghệ, sự phù hợp với những mục tiêu để giúp các bộ, ngành và tỉnh thành phê duyệt ĐA của mình. Điều đó có nghĩa là BĐH 112 không có thẩm quyền thẩm định các dự án (ĐA và dự án đầu tư là 2 việc khác nhau), càng không có thẩm quyền thẩm định thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán của các dự án. Thế nhưng BĐH 112 đã tổ chức và hướng dẫn BĐH 112 các tỉnh thẩm định dự án, trái với Nghị Định 52 của Chính Phủ, tạo nên tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" trong đầu tư CNTT.

Theo quy định của pháp luật, chỉ có đơn vị có tư cách pháp nhân mới được ký hợp đồng kinh tế. BĐH 112 không phải là đơn vị có tư cách pháp nhân nhưng đã ký hợp đồng kinh tế với các đơn vị đào tạo, các công ty xây dựng và triển khai PMDC.

Những việc làm sai quy định nêu trên gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Chỉ riêng việc áp dụng đơn giá đào tạo cao, số tiền thất thoát theo tôi tính đã rất lớn.

Ý KIẾN KHÁC

Ông Nguyễn Chí Dũng, chánh Văn Phòng UBND tỉnh Quảng Trị
Sau 4 năm triển khai, các nội dung của giai đoạn I ĐA 112 ở Quảng Trị đã cơ bản hoàn thành, đem đến 4 cái lợi cơ bản: 1/ Bước đầu tạo được phương thức làm việc mới có sử dụng CNTT trong cơ quan hành chính nhà nước (HCNN); nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ công chức. 2/ Bước đầu xây dựng được cơ sở hạ tầng CNTT cần thiết phục vụ nhiệm vụ tin học hóa quản lý HCNN. 3/ Nâng cao một bước trình độ quản trị mạng cho đội ngũ cán bộ tin học chuyên trách và kỹ năng sử dụng mạng, cập nhật, khai thác thông tin trên mạng tin học diện rộng và mạng Internet của cán bộ công chức trong tỉnh. 4/ Hình thành được hệ thống tổ chức quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện ĐA 112 của tỉnh... Với 112, Quảng Trị chỉ bàn tiến, chứ không bàn lùi.
Dương Quang Minh (ghi)

Ông Thái Lê Thắng, tổ trưởng Tổ Thông Tin Ban Điều Hành 112 Chính phủ
Để đánh giá Đề Án 112 thì cần phải có một cách nhìn nhận khách quan theo nhiều khía cạnh, đặc biệt là thực tiễn hành chính của nước ta. Đánh giá hiệu quả của một đề án lớn phải rất thận trọng và nên chỉ ra được những vấn đề để cần phải tiếp tục làm cho đề án tốt hơn, chỉ ra được có đề án nào ở quy mô 112 mà làm tốt hơn để học tập. Cần nhìn ở tầm cao hơn, thấy được các vấn đề thuộc về hệ thống và mang tính vĩ mô, chứ không nên theo kiểu dọa mang ra " đoạn đầu đài" – đó là thái độ thiếu thiện chí và không tích cực .
(
http://samcom.cpt.gov.vn)


Lê Mạnh Hà

Chủ Nhật, 08/10/2006 20:52
31 👨 711
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp