Những tín đồ của Apple đã đánh mất một số khả năng “miễn dịch” trước giới tội phạm công nghệ cao khi họ lưu trữ nhiều dữ liệu trên mạng hơn thay vì trên các ổ đĩa cứng máy tính.
Trong khi đó, phần mềm bảo mật giả mạo vẫn tiếp tục trở thành “cơn ác mộng” số 1 ám ảnh người sử dụng máy tính trong năm 2009.
Người dùng các sản phẩm của Apple là đích ngắm của tin tặc.
Đó là những kết luận mà hãng bảo mật Symantec công bố vào ngày 20/4 vừa qua. Trong bản báo cáo của mình, Symantec lưu ý rằng Braxin đã nhảy lên vị trí thứ 3 trong danh sách những quốc gia sản sinh các hoạt động tấn công máy tính nhiều nhất trên thế giới, bao gồm thư rác, lừa đảo trực tuyến… Mỹ tiếp tục giữ vị trí số 1 trong danh sách này với 19%, Trung Quốc đứng thứ hai với 8% còn Braxin đứng thứ 3 với 6%.
Sâu Conficker, một chương trình phần mềm độc xuất hiện trên hầu khắp các bản tin cuối tháng 4/2009 và những vụ tấn công tinh vi nhằm vào các trang web của Google cùng nhiều công ty, tập đoàn lớn khác vào tháng 12 đã trở thành những sự kiện liên quan đến tội phạm công nghệ cao nổi đình nổi đám nhất của năm 2009.
Tuy nhiên, hình thức phổ biến nhất mà giới tội phạm công nghệ cao chuộng sử dụng là phần mềm bảo mật giả mạo. Theo đó, người sử dụng máy tính thường nhìn thấy một thông báo nhấp nháy trên màn hình nói rằng máy tính của họ đã bị nhiễm virus, Vincent Weafer, phó chủ tịch Symantec khẳng định.
Thông báo này thường cung cấp cho người dùng máy tính một đường dẫn tới một phần mềm có thể tải về sau khi trả tiền, tuy nhiên, thay vì được nhận phần mềm diệt virus, máy tính của họ sẽ bị nhiễm virus thật hoặc tình hình có khi còn tồi tệ hơn.
“Hầu như tất cả những gì chúng tôi nhận thấy hiện nay là phần mềm diệt virus giả mạo”, ông Vincent Weafer “Đó là một thủ đoạn kiếm tiền”.
Mánh khóe này của những tên tội phạm mạng đang phổ biến là bởi vì các nạn nhân tự nguyện giao nộp số thẻ tín dụng của họ với suy nghĩa họ đang mua phần mềm hợp pháp. Những thẻ tín dụng này sau đó có thể được bọn tội phạm sử dụng tùy thích.