Dù đã là hãng sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới nhưng Huawei vẫn còn có một tham vọng khác: trở thành “một thế lực không thể xem thường” trên thị trường điện tử tiêu dùng.
10 năm – một bước tiến dài
Tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của Huawei ở Shenzhen (Thâm Quyến), các kỹ sư của hãng đang cắm cúi và tất bật với một loạt các dự án khác nhau. Chỗ này là nhóm phát triển card mạng 4G, chỗ kia là nơi làm việc của dự án phát triển một chiếc smartphone có khả năng sạc pin không dây hay ở một góc khác là dự án của chiếc smartphone có vỏ trong suốt… Dọc theo hành lang là những bản vẽ tay phác thảo thiết kế của những chiếc điện thoại di động hay máy tính bảng sử dụng hệ điều hành Android.
Với mục tiêu trở thành hãng sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới, chỉ trong vòng 10 năm, Huawei đã vượt qua một loạt những cây đại thụ như Alcatel-Lucent hay Nokia Siemens Networks và đưa doanh thu của hãng lên gấp 4 lần, đạt 100 tỷ USD.
Nhưng mục tiêu mới của các lãnh đạo Huawei là tái hiện thành công này trên thị trường sản phẩm điện tử tiêu dùng.
“Tôi không thể dự đoán Huawei có trở thành một Samsung thứ 2 của châu Á hay không nhưng rõ ràng, mọi thứ đang cho thấy họ sẽ là một thế lực mà thế giới điện tử tiêu dùng không thể xem thường”, Matt Walker, nhà phân tích của hãng nghiên cứu Ovum (London) nói.
Trong năm 2011 này, Huawei kỳ vọng sẽ tiêu thụ được khoảng 60 triệu chiếc điện thoại di động, trong đó có 15 triệu chiếc là smartphone. “Mục tiêu của chúng tôi là đưa Huawei lên vị trí thứ 3 trên thế giới về lượng điện thoại di động được tiêu thụ và thứ 5 thế giới về doanh thu trong vòng 5 năm”, Victor Xu, Giám đốc marketing của Huawei Devices nói, “Ở thời kỳ trước, người tiêu dùng không thể nhìn thấy thương hiệu Huawei trên những sản phẩm họ sử dụng dù chúng tôi là người sản xuất ra chúng. Nhưng từ bây giờ, chiến lược của chúng tôi đã thay đổi”.
Kênh phân phối và thương hiệu
“Có vô số những sự sáng tạo đang diễn ra ở Huawei”, Hagen Fendler, cựu giám đốc của Siemen, người cách đây 2 năm đã rời nước Đức để trở thành giám đốc thiết kế thiết bị cầm tay của Huawei nói, “20 năm trước, châu Âu chẳng hề biết đến LG của Hàn Quốc nhưng nay họ đã là một thương hiệu lớn và tôi tin là Huawei cũng sẽ có những thành công không kém”. Fendler chỉ là một trong số rất nhiều những nhân viên quốc tịch nước ngoài đang làm việc cho các trung tâm R&D trên khắp thế giới của Huawei nhằm tăng cường sức mạnh về công nghệ và thiết kế cho các sản phẩm của hãng.
Dù chưa mấy thành công trên thị trường Mỹ với sản phẩm thiết bị viễn thông nhưng Huawei hy vọng smartphone và máy tính bảng của họ sẽ đủ sức chiếm lĩnh thị trường này. Hiện tại, một số mẫu smartphone mang thương hiệu Huawei đã xuất hiện ở một loạt các thị trường quốc tế từ Australia đến Kenya.
“Nhiệm vụ trước mắt là Huawei cần phải tạo ra được một thương hiệu mà người tiêu dùng dễ dàng nhận biết và xây dựng một hệ thống kênh tiếp thị phân phối độc lập trong việc bán các sản phẩm của Huawei”, Ji Yongqing, tác giả của cuốn sách “Thế giới của Huawei” nói về những thách thức của Huawei trên con đường trở thành “người khổng lồ”.