"Để hạn chế khả năng bị tấn công hệ thống thư điện tử, cần cấm truyền tệp tin nén hoặc các tệp tin nén có chứa tệp tin .exe bên trong", ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) đề xuất.
Tại Hội nghị “Triển khai công tác ứng dụng CNTT – thống kê tài chính giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020” diễn ra sáng 23/8/2012, ông Vũ Quốc Khánh nhấn mạnh hiện trạng nhiều hệ thống thư điện tử của các Bộ, ngành dễ dàng bị tin tặc tấn công. Mặc dù các hệ thống thư điện tử đã được trang bị nhiều tính năng hỗ trợ bảo mật như không cho gửi file .exe, kiểm tra virus trên các file đính kèm, chống gửi thư giả mạo, tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều lỗ hổng cho phép tin tặc gửi thư giả mạo kèm theo virus.
Ông Khánh trực tiếp demo một ví dụ tin tặc tạo 1 thư giả mạo cán bộ thuộc trung tâm thông tin, gửi thông báo kèm theo một file nén (.rar), gửi từ máy chủ thư điện tử (mail server) emkey.cz nhưng giả mạo địa chỉ người gửi từ trung tâm thông tin tới người nhận là huyxx@mic.gov.vn. Khi tệp tin đính kèm được tải về và giải nén, thu được tệp tin .exe đã được tạo biểu tượng (icon) giống với file word, rất khó nhận biết khi hiển thị trên Windows Explorer.
“Với các thủ đoạn tinh vi, tin tặc có thể gửi thư giả mạo có chứa virus tới cả mail server đã được cài đặt phần mềm chống virus (anti virus) và cấm truyền tệp tin .exe. Người sử dụng rất dễ bị nhầm tệp tin .exe nhận được với tệp tin .doc thông thường nên vô tình kích hoạt phần mềm có chứa virus. Bởi vậy, cần cấm truyền tệp tin nén hoặc cấm các tệp tin nén có chứa tệp tin .exe bên trong”, ông Khánh khuyến nghị.
Một vấn đề đáng báo động khác trong các hệ thống thông tin tại Việt Nam được ông Khánh cảnh báo là sử dụng các mật khẩu quá yếu, để tin tặc dễ dàng dò tìm.
“Mật khẩu tiếng Việt là 1 trong 3 loại mật khẩu dễ đoán nhất (sau tiếng Indonesia và Italia), với hơn 14% tài khoản bị lộ mật khẩu sau 1.000 lần phân tích từ điển tiếng Việt; và 7,8% số tài khoản bị lộ mật khẩu sau khi phân tích bằng từ điển chung toàn cầu”, ông Khánh nói.
Ngoài ra, các hệ thống CNTT tại Việt Nam còn đang phải đối mặt với nhiều hiểm họa khác như: Xuất hiện các phần mềm được xây dựng riêng để ăn cắp thông tin của các cơ quan Bộ, ngành, có thể qua mặt nhiều phần mềm chống virus thông dụng; hầu hết các ứng dụng đều tiềm ẩn các lỗi SQL Injection và XSS, cho phép tin tặc khai thác thông tin trái phép, thậm chí cướp quyền điều khiển hệ thống; nhiều web server chưa được cấu hình tốt, tạo lỗ hổng cho tin tặc khai thác; việc phát triển ứng dụng web không tốt gây ra nhiều lỗi nghiêm trọng; phân miền máy chủ chưa hợp lý, hầu hết chưa có các biện pháp phòng ngừa tình trạng giả lập địa chỉ IP, không có máy tính quản trị riêng, thiếu thiết bị tường lửa…