Trước đây, việc ép xung khá phức tạp do người dùng cần can thiệp vào phần cứng, tuy nhiên trong điều kiện công nghệ phát triển, việc thay đổi các thông số kĩ thuật hầu hết đã được chuyển vào BIOS trên bo mạch chủ hoặc phần mềm trên nền hệ điều hành, vì thế thú chơi này giờ được đơn giản hóa khá nhiều.
Lợi ích và hiểm họa
Ép xung cho phép một linh kiện máy tính cấp thấp có thể hoạt động ở mức hiệu năng ngang bằng hoặc thậm chí là vượt hơn loại linh kiện cao cấp đắt tiền.
Mặt trái của việc ép xung chính là gây hỏng hóc các thiết bị phần cứng, đặc biệt là sự mất ổn định của hệ thống và nguy cơ mất mát dữ liệu.
Tuy nhiên hai yếu tố này có thể tránh được nếu hệ thống sau khi ép xung được thử nghiệm kĩ lưỡng bằng các phần mềm chuyên dụng ví dụ như Prime 95 hay SuperPI... Những phép thử ô trường kì ằ như Torture Test của Prime 95 là chuẩn mực cho sự ổn định mà bất cứ một tay chơi ép xung nào cũng phải vượt qua trước khi tự tin rằng mình đã vươn tới được một mốc xung nhịp mới.
+ Ép xung CPU:
Những bộ xử lý hiện đại có thể hoạt động ở xung nhịp hiệu quả bằng bội số của xung nhịp giao diện. Vì vậy thường người dùng chỉ có 2 cách, hoặc tăng tốc độ bus hoặc tìm cách mở khóa hệ số nhân này. Tuy nhiên để có CPU không giới hạn hệ số nhân thực sự không phải việc đơn giản.
Một số mẹo đã được các tay chơi khám phá ra như cắt cầu điện, nối chân nhưng nhìn chung rất mạo hiểm, đôi khi nhà sản xuất cũng tung ra những sản phẩm không khóa hệ số nhân ví dụ như dòng chip mẫu ES (Engineering Sample) của Intel hoặc chip cao cấp Athlon64 FX của AMD nhưng chúng khá hiếm hoặc rất đắt tiền.
Hầu hết các bộ vi xử lý hiện nay đều có khả năng ép xung rất tốt, thông thường có thể tăng thêm 50-70% xung nhịp gốc, điều này là do kiến trúc lõi của chúng được thiết kế cho mức xung nhịp cao hơn nhiều. Tuy vậy dù có thể khả năng ép xung tương đương nhau nhưng không có nghĩa các loại CPU tốc độ thấp có thể sánh với đàn anh của chúng.
Chính vì vậy, nếu bạn thuộc tuýp người dùng muốn bỏ ít được nhiều, hãy chọn các loại CPU tốc độ thấp nhất để tiết kiệm chi phí vì khả năng ép xung của chúng thường rất tốt. Tuy nhiên nếu muốn vươn tới các đỉnh cao tốc độ, hãy lựa chọn những series đầu bảng để ép xung, dĩ nhiên, giá của chúng sẽ cao hơn nhiều.
+ Ép xung bộ nhớ RAM:
Không giống CPU, việc ép xung bộ nhớ đã trở nên cực kì quen thuộc thậm chí các nhà sản xuất RAM cao cấp đều có những dòng sản phẩm đã ép xung sẵn dành cho dân chơi máy.
Ưu thế của việc ép xung bộ nhớ là cho phép nó vượt qua giới hạn mặc định để theo kịp với bus giao tiếp của CPU, một ví dụ đơn giản: thường Pentium III chỉ hoạt động ở FrontSideBus 133 MHz với SDR SDRAM 133Mhz, nếu bạn ép bus lên 150MHz mà RAM vẫn chỉ ở 133 Mhz thì rõ ràng tốc độ sẽ bị hạn chế, trong trường hợp này, tối ưu nhất chính là việc đẩy tốc độ của RAM lên tương ứng cùng 150MHz thì hiệu năng sẽ thực sự được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên không phải loại chip RAM nào cũng đáp ứng được mức tốc độ này.
Những dân chơi ép xung thiếu kinh nghiệm thường đẩy RAM lên quá mức giới hạn ổn định rồi đổ lỗi hệ thống cho chúng. Điều này một phần là do các phiên bản BIOS của bo mạch chủ thường hiển thị "tốc độ" bộ nhớ thành tần số truyền dữ liệu mặc định ứng với CPU tiêu chuẩn (133/166/200/233...).
Trong khi đó, trên thực tế do khối điều khiển bộ nhớ điều hành RAM ở một tỉ lệ nhất định với bus của CPU nên bất cứ thay đổi nào của xung nhịp CPU sẽ có ảnh hưởng tới tốc độ RAM.
Những trục trặc đe dọa hệ thống khi ép xung bộ nhớ cũng tương tự như với các thành phần khác, nhưng đặc biệt nghiêm trọng là việc mất dữ liệu và sụp hệ thống do vai trò của RAM lưu dữ liệu tạm, nếu RAM bị lỗi trong quá trình vận hành thì những dữ liệu đang lưu trong nó sẽ bị mất hoặc hỏng hoàn toàn.
+ Ép xung card đồ họa:
Các thành phần của card đồ họa có xung nhịp hoạt động hoàn toàn độc lập với thông số của bo mạch chủ và thông tin mặc định được chứa trong firmware của card cho phép những phần mềm ép xung card đồ họa chuyên dụng thay đổi tốc độ GPU và RAM của card ngay trong hệ điều hành.
ATI hỗ trợ ép xung ngay trong trình điều khiển Catalyst
Bảng điều khiển ép xung của nVIDIA.
Việc đẩy tốc độ của card đồ họa có phần "an toàn" hơn so với CPU hay RAM vì người dùng thường sẽ không bị mất dữ liệu bởi trong trường hợp card không ổn định, nó sẽ bị lỗi hình lấm chấm hoặc vân bề mặt bị rách chứ ít khi gây sụp hệ thống. ép xung đồ họa được nhiều dân chơi ưa chuộng vì hiệu quả cải thiện thấy rõ trong các trò chơi 3D nặng cũng như ứng dụng đo điểm.
Nếu chỉ ép xung chút ít để học hỏi, không cần quan tâm đến trục trặc bởi tuổi thọ thiết bị hiện nay rất dài, chúng thường hết giá trị sử dụng trước khi hỏng hẳn, hơn nữa các nhà sản xuất đều có chế độ bảo hành sản phẩm tới 3 năm (đặc biệt đối với CPU, RAM, card đồ họa và bo mạch chủ). Ngoài ra, có nhiều ứng dụng kiểm tra độ ổn định của hệ thống, chỉ cần sử dụng chúng đúng cách là bạn có thể tránh nhưng trường hợp máy bị trục trặc do ép xung không đúng cách dẫn tới mất mát dữ liệu ngoài ý muốn.
Kỳ sau: Tản nhiệt cho ép xung CPU - Tối quan trọng
Nguyễn Thúc Hoàng Linh