Hôm 1/2, tập đoàn điện tử Nhật Bản, Sony tuyên bố ông Kazuo Hirai sẽ trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tiếp theo của hãng thay cho Howard Stringer – người sẽ trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Chủ tịch đương nhiệm Howard Stringer và người kế vị Kazuo Hirai tại Triển lãm thiết bị tiêu dùng CES 2012. Ảnh: Getty Images
Động thái của Sony nhằm thúc đẩy chiến lược mạng lưới mới sắp xếp dòng sản phẩm công nghệ tiêu dùng với nội dung và dịch vụ sẵn có. Hirai, 51 tuổi, trước đây từng giám sát bộ phận kinh doanh trò chơi video và điện tử tiêu dùng của Sony kế vị Howard Stringer – người vẫn duy trì chức Chủ tịch điều hành tới tháng 6/2012 và sau đó trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị. Sự thăng chức của Hirai có hiệu lực từ tháng 4/2012.
Việc bổ nhiệm Hirai – người vốn rất có uy tín trong mảng trò chơi video lợi nhuận lớn tới vào thời điểm vô cùng quan trọng trong lịch sử 66 năm của Sony. Cổ phiếu của hãng trong hai thập kỉ liên tục giảm sút, chỉ số xếp hạng tín dụng xuống mức thấp nhất vào tháng 12/2011, đồng thời triển vọng kinh doanh đối mặt nhiều thách thức hơn bao giờ hết. Sony đang phải vật lộn để theo kịp với tốc độ và quá trình sản xuất của Samsung hay các sản phẩm có tính cách mạng của Apple.
Stringer nhanh chóng thăng chức cho Hirai lên làm quản lí mảng kinh doanh điện tử tiêu dùng vào tháng 4/2011. Vào thời điểm đó, ông cho rằng Hirai là “người đầu tiên giữa những người ngang tài ngang sức” có thể kế tục mình. Stringer tiếp ngôi Chủ tịch Sony vào tháng 4/2009, thay thế Ryoji Chubachi trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu. Kể từ đó, Sony sắp xếp hoạt động hợp lí hơn, nhưng Stringer vẫn thất bại khi không thể xoay chuyển tình hình tài chính cho Sony, bị cản trở một phần bởi đồng yên mạnh và một loạt thảm họa tự tiên làm trật bánh các kế hoạch.
Kinh nghiệm của Hirai trong điều hành PlayStation – mô hình Sony mong đợi cho mảng kinh doanh sản phẩm điện tử - biến ông trở thành lựa chọn phù hợp cho ngôi vị Chủ tịch kế tiếp. Bất chấp vướng vào scandal hack tài khoản đáng xấu hổ năm 2011, PlayStation Network vẫn thu được 90 triệu tài khoản người dùng, là minh chứng cho thấy Sony muốn trở thành một nhà sản xuất lớn mạnh hơn, không đơn thuần chỉ tạo ra những thiết bị đứng một mình. Trong sáng kiến do Stringer khởi xướng và được kì vọng tăng tốc dưới triều Hirai, Sony dự định kết nối mọi thiết bị điện tử vào mạng lưới cung cấp âm nhạc, phim ảnh, trò chơi và dịch vụ cho gắn bó với người dùng tốt hơn sau khi bán ra một thiết bị.
Kể từ khi tiếp nhận mảng điện tử tiêu dùng, Hirai đưa ra cái nhìn thực tế hơn về vị trí của hãng trong thị trường tivi, đồng thời quản lí chặt chẽ việc lên kế hoạch sản phẩm hơn thông qua tập trung quá trình dưới nhóm Trải nghiệm người dùng mới được thành lập. Hirai muốn tìm mọi cách đưa Sony trở lại thời kì hoàng kim – nơi công ty được xem là hiện thân của những công nghệ đầy tính mới mẻ. Sinh ra từ đống tro tàn của Thế chiến Hai, Sony đã mở các nhà máy sản xuất ra máy nghe nhạc Walkman, tivi Trinitron, máy chơi game PlayStation, biến Nhật Bản trở thầnh trung tâm cho những thiết bị điện tử tân tiến nhất. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, sự sáng tạo dường như đã khô cạn. Sony chậm chân trong màn hình tinh thể lỏng, quyết định khiến ngành kinh doanh tivi của hãng 7 năm liền thua lỗ. Trong khi iPhone nổi lên, mảng kinh doanh di động của Sony lại phản ứng chậm chạp, vướng vào liên doanh phức tạp với Ericsson của Thụy Điển. Câu trả lời của Sony cho máy tính bảng iPad chậm hơn cả 6 tháng sau khi Apple đã tung ra phiên bản máy tính bảng thứ 2.