“Chợ trời” đồ cổ trên Net

Gần khu chợ Bến Thành, TP.HCM ai cũng biết phố Lê Công Kiều được mệnh danh là “phố đồ cổ VN” với những shop đồ cổ nhộn nhịp nằm san sát. Tuy nhiên, không mấy người ngờ rằng một tay buôn cổ vật Đông Nam Á và Trung Quốc đã mượn ngay cái tên này để đặt nick giao dịch trên 372 món cổ vật tại website của tập đoàn buôn bán cổ vật trực tuyến lớn nhất thế giới - Trocadero.com.

Nghìn năm “Nước Việt”… lên Net

Shop đồ cổ VN đăng ký địa chỉ lecongkieu@yahoo.com có tên đăng ký Tira, tuổi 53, người Chicago - Mỹ, cửa hàng giao dịch số 13 đường Sathupradit, TP Bangkok, Thái Lan, rao bán trên 92 cổ vật xuất xứ từ VN xếp riêng trên site “Anam Antiques and Gift”(trocadero.com/anamantiquesandgifts/catalog.html). Tại đây trưng bày 41 món đồ thời Đông Sơn như trống đồng, chuông đồng, rìu đồng, thìa đồng, đồ trang sức, vũ khí, thạp, bình gốm, niên đại 700 năm trước Công nguyên đến 200 năm sau Công nguyên.

Trong đó phải kể đến 10 chiếc trống đồng thời kỳ Đông Sơn. Sáu chiếc đã được bán, bao gồm trống đồng Quảng Xương, 500-200 năm trước Công nguyên, rồi trống đồng Chiềng On, hai trống đồng Đông Sơn loại lớn, hai trống đồng Đông Sơn loại nhỏ. Tất cả đều được kèm một bản giới thiệu về lai lịch xuất xứ. Chưa kể có rất nhiều chuông đồng như chuông đồng bốn chuông, chuông đồng treo ngang nhỏ, khoảng thế kỷ 2-3 (giá 900 - 2.000 USD)...

Đồ thời Lý - Trần có bốn món thế kỷ 13-14, tất cả đều được giới thiệu trong cuốn Đồ gốm VN. Đời Lê có chín món, chủ yếu là đồ gốm gồm: bát đĩa, con vật trang trí như con cóc thế kỷ 15-16 (750 USD), đôi vịt đời Trần thế kỷ 14, ngang 20 cm, cao 27 cm (4.999 USD).

Đời Lê, thế kỷ 18 gồm sáu món. Riêng đồ gốm Hội An gồm 13 món, chủ yếu thế kỷ 15, có chiếc đĩa đường kính 43cm giá tới 5.500 USD. Đồ thời Nguyễn một tượng phật Quan Thế Âm Bồ Tát thế đứng ở thế kỷ 18-19 cũng bị rao bán...

Xếp sau gia tài đồ sộ về đồ cổ VN trên mạng của tên đăng ký lecongkieu@yahoo.com là hai tay buôn đồ Đông Sơn khác có qui mô nhỏ hơn: Armin Wolter và Adelheid Wolter người Đức tại website orientalart.de với nhiều đồ gốm từ thế kỷ thứ 4, 5…

Tuy nhiên số đồ cổ VN rao bán trên mạng không thể chuyển từ VN ra nước ngoài bằng đường phát chuyển nhanh được mà nó có thể đã có mặt tại nước khác, cụ thể là Thái Lan, từ lâu.

Đường đi của nó chủ yếu do các tay buôn người Thái vào tận nước ta móc nối thực hiện. Từ đất Thái, cổ vật VN sẽ được bán đi các nước khác trên thế giới...

Vài năm nay ở VN cũng có một số khách người Đan Mạch, Thụy Điển, Bỉ và Việt kiều đến thẳng các đối tác VN để gom hàng nhằm chọn được hàng tốt, rẻ.

Trocadero.com - tập đoàn “đồ cổ online”

Tập đoàn Trocadero.com khởi nghiệp buôn đồ cổ trên Net từ đầu năm 1998, tới nay đã có hệ thống trên 256 website cổ vật với 82.582 món thuộc đủ các chủng loại, quốc tịch, niên đại bao gồm đồ gốm, đồ nghệ thuật, đồ trang sức, bộ sưu tập những món đồ mỹ nghệ, gỗ, bạc, sản phẩm dệt may, tranh ảnh nghệ thuật, gương kính, đồ trang sức, gia dụng.

Trocadero chỉ cho phép các thành viên uy tín thuê “cửa hàng” và bày bán sản phẩm. Tất cả những cổ vật ở đây đều được ghi rõ xuất xứ, nguồn gốc, được chụp đủ bộ 8-12 tấm ảnh ở các góc độ khác nhau và đều được niêm yết giá bán (trừ một số có giá quá lớn được giữ kín và chỉ liên hệ riêng qua email).

Để trở thành một trong những chủ “shop đồ cổ” bán hàng trong hệ thống Trocadero.com họ phải trở thành thành viên và phải đóng lệ phí tùy theo dung lượng lưu trữ đăng ký với các tài khoản 15 USD, 40 USD và 65 USD. Mua bán được thanh toán toàn cầu qua hệ thống thanh toán trực tuyến Paypal, hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển hay hàng không qua dịch vụ của UPS hoặc FedEx.

Một chuyên gia người Úc trong một chuyến học tập ở Thái Lan từng kể: “Cổ vật VN được ngư dân đưa đến cảng Chanaburi (Nam Thái), từ đây chuyển đến Uniriver - một trung tâm buôn bán cổ vật lớn nhất Đông Nam Á - để phục vụ khách năm châu”.

Trong hàng trăm cổ vật đang bán công khai trên Net từ trùm lecongkieu@yahoo.com, ai ước tính được có bao nhiêu món hàng đã được xuất ngoại từ đó? Chỉ biết rằng khi “chợ trời” trên Net càng rộng mở và thiếu đi sự kiểm định nghiêm ngặt thì các “trùm” đồ cổ vẫn còn tận dụng con đường giao thương phi pháp quá sức đơn giản này để làm chảy máu cổ vật của đất nước?

Thứ Hai, 02/02/2004 01:22
31 👨 1.102
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp