Các phòng thu dùng loa tham chiếu với mục đích đầy tính kỹ thuật, còn với dân chơi âm thanh, đó đơn giản là bộ loa làm họ sung sướng nhất trong hàng chục năm.
Không ít audiophile và người mê home theater thường dùng từ "tham chiếu" (reference) để mô tả chất lượng của một bộ loa, một thiết bị AV mà không nghĩ nhiều hơn về thuật ngữ đó. Trong một số hoàn cảnh cụ thể, "tham chiếu" có thể gắn liền với toàn bộ hệ thống audio hoặc rạp hát tại gia, có hàm ý rằng chất lượng âm thanh không thể tốt hơn với những công nghệ hiện có.
Nhưng từ này dần trở nên giảm giá trị khi bị "lạm dụng". Một số hãng sản xuất loa và có cả công ty thu âm dùng "Reference" viết hoa như một phần trong cái tên chính thức của sản phẩm hay của công ty với ngụ ý loa họ làm ra có thể dùng như một tiêu chuẩn đánh giá chất lượng âm thanh.
Loa JBL L112 được gọi là loa tham chiếu ở Bắc Mỹ. Ảnh: Intercomm.
Nhưng chính xác "tham chiếu" là gì? Trước kia, từ này xuất phát từ các studio thu âm. Thuật ngữ "reference monitor" thường được áp dụng cho một loại loa bass lớn hay thấy trong các phòng thu, thường được treo trên tường và đối diện với máy thu âm. Ví dụ, ở Bắc Mỹ, chúng thường là loa JBL loại lớn như model L112. Những loa đó không thuộc loại chính xác nhất về âm nhưng có thể chịu đựng được các buổi hòa âm phối khí suốt 24 giờ liên tục ở mức âm lượng lớn mà không bị trục trặc gì. Đó là một trong những tiêu chuẩn mà bất kỳ phòng thu nào cũng phải đáp ứng được.
Ở các phòng thu của Anh hay châu Âu, từ "tham chiếu" còn có ý nghĩa rộng hơn, chứ không ám chỉ những bộ "khủng" của Tannoy, Spendor, Rogers hay Kef. Có một số thương hiệu sản xuất loa monitor cho phòng thu như Urei, công ty dường như người tiêu dùng rất ít biết đến bởi chưa bao giờ làm loa cho thị trường hi-fi. Ngoài ra, người ta còn nhìn thấy cả loa nhỏ Auratone đặt ở các cạnh của máy thu âm trong phòng thu rất lớn tại Toronto. Auratone được dùng để mô phỏng chẩt lượng chơi nhạc của một radio cho xe hơi hay máy nghe nhạc nào đó. Các kỹ sư dùng nó để kiểm tra bản mix nhạc pop, rock…, xem nó kêu như thế nào trên môt loa bình thường. Đối với họ, Auratone chính là loa "tham chiếu". Việc dùng loa tham chiếu dường như thành mốt rồi lại lỗi mốt.
Có khi, một bộ loa chất lượng cao được thiết kế cho thị trường tiêu dùng đã chiếm cảm tình của phòng thu và trở thành loa tham chiếu. Điều này là một thực tế đối với một số mẫu loa của Axiom hay vài model khác đến từ Canada. Khoảng 20 năm trước, đài CBC của nước này tìm kiếm một bộ loa có chất âm chính xác để ghi lại các buổi hòa nhạc và phát đi. Họ tổ chức những cuộc thử nghiệm hoành tráng, có sự tham gia của những model cao cấp đến từ Canada, Anh, Mỹ và Nhật Bản. Cuối cùng, chỉ vài bộ của Canada, một bộ của Mỹ và vài mẫu của Anh hoàn thành được nhiệm vụ.
Loa Axiom M60ti. Ảnh: Stealthboy.
Tuy nhiên, trong phòng nghe của các audiophile, khái niệm về loa "tham chiếu" lại đơn giản là bộ loa họ mua về làm họ hài lòng nhất trong một thời gian dài, đến hàng chục năm. Chúng trở thành nơi họ dựa vào để so sánh với những âm thanh từ loa khác. Họ coi đó là tiêu chuẩn để đánh giá loa khác, dù cho người khác nghe loa đó lại cho là thiếu chính xác, quá nịnh tai… Nhưng nếu một lần họ được nghe chất âm chính xác hơn, mộc hơn, giàu nhạc tính hơn từ các loa như Axiom M60ti, M22ti hay M80ti, họ sẽ có cảm giác mình nhận ra một bước tiến dài trong thiết kế loa, từ những năm 50, 60 rồi đến 70. Họ có thể sẽ kinh ngạc về mức độ thật của âm thanh trên những mẫu mới và thấy một số chi tiết họ không thể cảm nhận được ở những âm thanh "tham chiếu" từ loa cũ hơn.
Tất nhiên, loa tham chiếu phải tái tạo thuyết phục và tự nhiên các âm thanh của nhạc cụ và tiếng người. Nếu đã sở hữu Axiom, dân chơi âm thanh chắc hẳn biết được các đặc tính của chúng như "chi tiết", "trung tính", "trong sáng". Sự trung tính của loa sẽ giúp người nghe phân loại được các bản thu âm tốt và tồi, xác định được chất lượng âm thanh tham chiếu thực sự. Một bộ loa hay giống như cánh cửa sổ khoáng đạt giúp âm thanh vút bay và tỏa sáng. Nó không được thêm vào hay lấy đi các đặc điểm âm thanh của bản ghi. Nó cũng không nên có chức năng điều khiển tone, che giấu các khiếm khuyết của bản thu âm.
Đến đây, có một câu hỏi đặt ra là liệu có bản ghi âm "tham chiếu" hay không. Vấn đề trở nên khó hơn khi người ta có ý nhắc đến một đĩa hay bản thu âm cụ thể. Ngoài vài album của các tên tuổi nổi tiếng như Norah Jones, Alison Krauss và Union Station, James Taylor và Diana Krall…, có thể kể nhiều cái tên khác tùy theo sở thích của từng người. Nhưng các nghệ sĩ kể trên như ở trong "lãnh thổ an toàn" bởi các bản ghi âm của họ được thực hiện rất tốt. Dù sao, đĩa "tham chiếu" của người này sẽ có thể khác với người khác.
Sau nhiều năm mê mải với sự nghe, nhiều audiophile có thể sẽ nhận ra rằng các bản nhạc cổ điển là nơi họ tìm về để đánh giá và phân biệt được loa hay – dở một cách dễ dàng nhất. Nhạc cổ điển chứa chở một dải tần số rộng và sự hòa âm của nhiều nhạc cụ nên những bộ loa nào thể hiện được sự bao la đó sẽ thành công.