Nếu chiếc điện thoại cầm tay đã gắn bó lâu năm bỗng nhiên trở chứng, không hẳn là nó đã hết khả năng sử dụng. Hãy tham khảo một vài kinh nghiệm dưới đây để tìm ra giải pháp tốt trước khi quyết định mua cái mới.
Mặc dù có nick name là nồi đồng cối đá, những "anh chàng" Siemens, Nokia cũng không tránh khỏi tình trạng mất sóng, một trong những lỗi thường gặp của điện thoại đời cũ (chủ yếu là máy có màn hình trắng đen, ít tính năng số, không camera, không wap...) Nguyên nhân là do chủ nhân của chúng đánh rơi, làm va đập mạnh trong suốt quá trình sử dụng khiến IC nguồn và CPU bị hỏng, hở mạch. Lỗi phần cứng này cũng không quá phức tạp, chỉ việc đem thay con IC nguồn, chỉnh lại bộ phận phần cứng bị hở do rơi rớt thì mọi chuyện đều êm thấm. Tuy nhiên, việc mở máy để thay IC đòi hỏi phải là thợ lành nghề khéo léo nên người dùng cần chú ý chọn trung tâm uy tín để đảm bảo điện thoại sau khi sửa, dùng lại vẫn tốt như lúc đầu. Cả chi phí mua IC mới và lắp đặt hết khoảng 100.000 đồng.
Hiện tượng sóng chập chờn, sóng yếu cũng thường xuất hiện ở những điện thoại sử dụng thời gian lâu. Theo các kỹ thuật viên của hãng Nokia, sau một thời gian hoạt động, nhiều linh kiện, mạch số trong máy đầu cuối bắt đầu có những sai số kỹ thuật, không còn độ chính xác cao nên bắt sóng yếu hẳn. Trong các sự cố của điện thoại, bệnh sóng yếu dễ chữa nhất với chi phí cũng thấp nhất, thậm chí nhiều trung tâm sửa giúp chứ không thu phần phụ phí này. Nhân viên bảo hành chỉ việc hiệu chỉnh lại những chỉ số bị thay đổi thì xem như đâu lại vào đấy.
Không giống như thế hệ điện thoại mới, dễ mắc lỗi phần mềm do khách hàng thường xuyên cài đặt thêm nhiều tiện ích trò chơi, phần mềm của điện thoại cũ ổn định hơn rất nhiều. Tuy vậy, cũng không nên chủ quan vì nhiều model sau một thời gian sử dụng tự nhiên trắng màn hình, máy "treo" không hoạt động được (gọi cho máy khác hoặc dùng điện thoại khác gọi lại đều không có tín hiệu như rung, chuông...).
Nhiều người cho rằng lỗi liên quan đến màn hình thường rất đắt nên chấp nhận bỏ luôn chứ không mang đi sửa. Thật ra, đây cũng chỉ là một lỗi phần mềm nhỏ, dễ sửa chữa. Nếu nhận thấy từ trước đến nay điện thoại của mình vẫn dùng tốt, duy chỉ có một lỗi phần mềm này thì đừng vội bỏ phí. Cài đặt lại phần mềm khác vận hành tốt hơn là người dùng đã tiết kiệm được một khoản tiền vì chi phí cho dịch vụ này khá rẻ, dưới 50.000 đồng.
Hiện tượng bàn phím bất động cũng thường xảy ra với điện thoại cũ, sử dụng nhiều nhưng lại không được bảo dưỡng thường kỳ. Triệu chứng là có lúc mở khóa bàn phím, máy hoạt động bình thường, có lúc bấm mỏi cả tay, chiếc mobile vẫn không hề nhúc nhích. Đây là hiện tượng bàn phím bị nhờn. Nguyên nhân là do không được vệ sinh và bảo quản kỹ, bụi bặm, mồ hôi tay... sẽ bám vào mặt bàn phím và theo các khe hở tích tụ rồi tác động vào bo mạch điện tử bên trong khiến các linh kiện trở nên kém linh hoạt.
Giải pháp tốt nhất là nên đem máy đi vệ sinh thật sạch sẽ, giá thành chừng 80.000 - 120.000 đồng, tùy theo độ bẩn và sét gỉ của các linh kiện. Nếu bàn phím đã quá cũ, các số hiệu đã mờ, đừng tiếc tiền mà nên thay luôn (40.000 đồng/bàn phím) để các hoạt động nhịp nhàng với nhau hơn. Bên cạnh đó, bộ phận loa nghe và nói cũng thường xuyên bị bám bụi do cấu tạo có dạng lõm nên sau thời gian dài sử dụng, bộ phận màng rung này sẽ giảm độ nhạy khiến nghe và nói rất nhỏ. Khi vệ sinh máy, hãy nhờ thợ dọn dẹp ngăn nắp cho cả bộ phận nghe và nói.
Như một quy luật lão hóa, điện thoại càng cũ thì năng lượng của pin càng giảm. Sau một thời gian vận hành, có máy chỉ sử dụng được hơn 8 tiếng thì đã hết sạch pin (đàm thoại ít, chủ yếu là ở chế độ chờ). Để lâu, pin sẽ càng giảm tuổi thọ, rất bất tiện cho người dùng trong các chuyến công tác xa hoặc pin đột ngột hết khi có việc quan trọng.
Có nên thay pin mới hay không luôn là trăn trở của người dùng nhưng điều này còn tùy thuộc vào việc họ có muốn dùng điện thoại cũ nữa không? Nếu vẫn lưu luyến đồ cũ thì nên thay hẳn pin chính hãng. Giá một viên pin mới khá đắt (hơn 400.000 đồng) nhưng lại đảm bảo cho các hoạt động khác của điện thoại chạy tốt. Theo tư vấn của các hãng điện thoại, nếu mặt sau pin có in dòng chữ "made in China" thì đó là sản phẩm chất lượng trong khi các loại pin "made in Japan" thì phần lớn lại là hàng nguồn gốc không rõ ràng với chất lượng cũng chỉ ở dạng bình thường.