Kể từ khi bùng nổ cùng bộ phim "bom tấn" Avatar, TV 3D đang có những bước đi mạnh mẽ đầy ngẫu hứng nhưng cũng không kém phần "ma mị" khiến người tiêu dùng dễ lạc lối giữa một ma trận... tốn tiền.
Công nghệ chưa thống nhất
Phải thừa nhận một thực tế rằng TV 3D đang bước vào giai đoạn vũ bão giống như điện thoại di động cách đây một thập niên. Mỗi sáng ngủ dậy rất có thể ta lại thấy bản tin đưa về sự xuất hiện của một TV 3D đời mới với tính năng cao cấp hơn chiếc TV của ngày hôm qua.
Các hãng sản xuất màn hình TV 3D đều chọn cho mình những hướng đi riêng với ý tưởng thiết kế táo bạo mà quên đi 2 chữ "tôn trọng" với người tiêu dùng. Lấy ví dụ đơn giản về sự tương tác giữa màn hình và kính trập hình động để xem phim. Một sự thật hài hước là nếu bạn sử dụng kính của Sony thì không thể xem được TV 3D Samsung và ngược lại. Một "giai thoại" khác là nếu đeo ngược kính trập của Panasonic thì lại xem được hình ảnh 3D trên TV Samsung.
Câu chuyện này giống như việc các hãng điện thoại mất 10 năm mới tìm được tiếng nói chung ở chân sạc mặc dù chúng hoàn toàn giống nhau về bộ nắn nguồn. Các hãng điện tử mặc sức độc quyền, bắt ép người tiêu dùng phải đồng bộ với thiết bị của hãng với phương châm "bán lạc kèm bia".
Hãy thử tính, một chiếc kính giá 200 USD (tất nhiên không ai mua chỉ 1 cái kính), đầu Blu-ray 3D giá hơn 400 USD, hôm nay có thể bạn dùng TV Philips nhưng ngày mai công nghệ của Sony lại gây ấn tượng với bạn và khi thay đổi TV mới bạn sẽ phải thay toàn bộ hệ thống để đảm bảo tính tương-tác-ổn-định như các khuyến cáo của hãng. Vậy nghiễm nhiên bạn phải rao bán rẻ mạt các cặp kính và đầu đĩa cũ để rồi rước trọn bộ mới với chi phí hơn 1000 USD.
Nội dung nghèo nàn
Mặc dù có nhiều cam kết và khẳng định về việc sẽ tung hàng loạt nội dung 3D ra thị trường trong năm nay nhưng cho tới thời điểm này, hoàn toàn chưa có một động thái gì của các nhà sản xuất phim ảnh về công nghệ 3D. Thậm chí, trong một tuyên bố mới đây của Francis Ford Coppola - cha đẻ của series The Godfather (Bố già) còn chê trách rằng công nghệ 3D gây quá nhiều phiền hà.
Nhìn vào thị trường nội dung 3D, ta có thể thấy nội dung còn quá nghèo nàn ngoại trừ một vài tựa phim "bom tấn" như Avatar, hay sắp tới là Step Up 3D thì lại chỉ công chiếu ở rạp, phiên bản Blu-ray tận năm sau mới bán ra và từ giờ cho tới lúc đó số lượng TV 3D ra mắt có lẽ không dưới vài tá.
Các đạo diễn có gan "chịu chi" như James Cameron với Avatar còn quá ít. Việc quay phim bằng máy quay 3D khiến cho kinh phí đội lên quá lớn một cách không cần thiết và quả thực cũng không phải phim nào cũng thích hợp để... 3D hóa.
Một điều nực cười là các nhà sản xuất TV 3D đang "ma mị" người tiêu dùng bằng nội dung 3D theo kiểu "nội suy". Tức là sẽ hỗ trợ một vài tựa phim (chủ yếu là phim hoạt hình) chuyển thể thành 3D thông qua một nút ấn chuyên dụng. Lấy ví dụ phim Monsters vs Aliens đang được tặng kèm cùng một TV 3D đang bán trên thị trường. Chất lượng kém cỏi với hình ảnh thiếu chiều sâu và màu sắc bị lệch lạc do công nghệ biên tập và tăng góc nhìn của TV 3D này vẫn chỉ ở thuở sơ khai, khiến nhiều người xem đều có nhận định, thà xem phiên bản 2D còn hơn.
Hoặc có lẽ chờ tới khi các nhà đài phát sóng kênh truyền hình 3D như hồi thử nghiệm của VTC với một vài trận World Cup vừa qua? Cứ mơ đi vì giấc mơ truyền hình HD ở Việt Nam vẫn còn dang dở thì có lẽ 3D vẫn là một tương lai rất xa.
Giá thành chót vót
Một chiếc TV 3D rẻ nhất trên thị trường hiện nay không dưới 2000 USD với kích cỡ 40 inch. Cùng giá tiền đó bạn có thể sắm dễ dàng một TV LCD fullHD 47 inch hoặc 50 inch tùy thương hiệu và thoải mái thưởng thức các bộ phim HD bằng HD box.
Chưa hết, mua một TV 3D cho một gia đình 4 người, nếu hết chương trình "khuyến mại" của nhà sản xuất, bạn sẽ phải bấm bụng bỏ thêm gần 1000 USD cho tiền kính trập hình động. Và hãy nhớ rằng, đây là kính điện tử, phải sạc pin mới có thể xem được phim 3D. Với 200 USD/kính, giá trị này tương đương một chiếc kính thời trang hiệu Gucci hay Dolce & Gabbana sành điệu.
TV LCD đã có những đợt sụt giảm khốc liệt về giá và ắt hẳn TV LCD/LED 3D cũng sẽ không thoát khỏi lộ trình này. Hãy học tính kiên nhẫn và tận hưởng những gì mình có thay vì bỏ ra một đống tiền "lên đời" TV 3D để rồi ngậm ngùi ngồi... ngắm.
Hại sức khỏe
Gần đây, xuất hiện nhiều khuyến cáo của các bác sỹ cũng như chính hãng sản xuất rằng không nên theo dõi nội dung 3D quá lâu, nhất là người già, phụ nữ mang thai và người... say rượu. Thậm chí chính Samsung còn chỉ ra rằng, cách mỗi 30 phút thì phải nghỉ để đỡ hại mắt. Và hãy tưởng tượng bạn đang xem một bộ phim hành động 3D đúng lúc cao trào thì theo chỉ định của bác sỹ, bạn phải tạm dừng và ra nằm nghỉ.
Rõ ràng việc đeo cặp kính quá lâu sẽ dẫn tới hiện tượng mỏi mắt và giảm thị lực tức thời. Nếu kéo dài, ít nhiều mắt sẽ bị ảnh hưởng và chẳng ai muốn "nghèo đôi mắt" chỉ vì giải trí với một bộ phim 3D.
Chưa thực sự mang tính đột phá
Cách đây gần 15 năm, một tựa phim 3D có tên "Cạm bẫy kinh hoàng" từng được khởi chiếu tại Việt Nam với những quảng cáo ngất trời về một trải nghiệm xem phim mới lạ. Hơn một thập kỷ trôi qua và giờ đây cái cảm giác thưởng thức siêu phẩm 3D Avatar cũng dường như không có gì mới và thậm chí vẫn là cặp kính giấy mắt 2 màu ấy. Có hay chăng chỉ là các kỹ xảo đầy màu sắc và một cốt truyện chỉn chu hơn mà thôi.
Công nghệ 3D quả thực chưa có tính đột phá cao, nếu không muốn nói chỉ mang tính chất "bình mới rượu cũ". Tại nhiều cụm rạp ở Mỹ, một số lượng lớn khán giả đều không mặn mà với các suất chiếu 3D bởi lẽ chất lượng hình ảnh và màu sắc sẽ mất đi tính trung thực khi phải thưởng thức qua cặp kính màu.
Có vẻ như 3D chỉ là chiêu PR của các nhà sản xuất, khi mà họ chỉ bỏ ra thêm 75 USD để biến một chiếc LCD thường thành TV 3D, và sau đó "móc túi" hàng trăm USD tiền chênh thêm của người tiêu dùng như đạo diễn Francis Ford Coppola tiết lộ.
Một lần nữa, các lời khuyên về việc hãy là một người tiêu dùng thông minh lại nghiệm đúng trong thời đại 3D hóa này. Đừng để thứ hình ảnh và công nghệ mới lấp lánh để rồi làm vơi túi tiền của mình một cách lãng phí. Thay vào đó, người tiêu dùng hãy kiên nhẫn và chờ tới thời điểm công nghệ 3D trở nên chỉn chu hơn, hoàn hảo theo đúng như cam kết của các nhà sản xuất.