Tạm biệt Itanium, dòng vi xử lý “bị lãng quên” của Intel

Ngày 29 tháng 7 vừa qua, Intel đã xuất xưởng lô hàng vi xử lý Itanium cuối cùng mà công ty sản xuất, chính thức đánh dấu sự kết thúc của một thương hiệu CPU đầy thăng trầm, nhưng đóng một vai trò tương đối quan trọng trong lịch sử phát triển của ngành công nghiệp máy tính nói chung.

Ra mắt từ giữa năm 2001, Itanium là một dòng CPU thuộc họ vi xử lý của Intel 64bit thực thi kiến trúc Intel Itanium (trước đây gọi là IA-64). Trước đó trong một thỏa thuận hợp tác với Hewlett-Packard (HP), Intel đã quyết định phát triển một dòng vi xử lý mới phù hợp hơn với khối lượng công việc hiện đại, đồng thời có thể đáp ứng tốt một số ý tưởng mới trong lĩnh vực kiến trúc bộ xử lý.

Có thể nói sự ra đời của Itanium là một nỗ lực của Intel trong việc tạo ra các thiết kế không phải x86 dành cho khối lượng công việc liên quan đến máy chủ và doanh nghiệp. Các hệ thống dựa trên Itanium được thúc đẩy mạnh mẽ bởi mảng sản xuất phần cứng cấp độ doanh nghiệp của HP, được gọi là Hewlett-Packard Enterprise (HPE), bộ phận chịu trách nhiệm sản xuất nhiều hệ thống máy chủ chứa bộ xử lý Itanium. HPE gọi các hệ thống dựa trên Itanium của mình là "Integrity". Tất nhiên cũng có một số nhà cung cấp khác tham gia vào việc sản xuất các hệ thống dựa trên Itanium, nhưng HP vẫn là cái tên đóng vai trò chủ đạo thúc đẩy sự phát triển của nền tảng này.

HP thậm chí còn phát triển hệ điều hành (OS) HP-UX đặc biệt của riêng mình dựa trên Unix System V. Hệ điều hành này được thiết kế để tối ưu hóa khả năng hoạt động trên các máy chủ HPE Integrity chạy bộ xử lý Itanium và kiến trúc tập lệnh PA-RISC, cũng là ISA chuyên biệt dành riêng cho HP.

Itanium

Tuy trên thực tế, Itanium đã không những không thể tạo ấn tượng lớn trước các nền tảng IA-32 hay RISC cũ, mà sau đó còn phải chịu lép vế từ màn ra mắt thành công của các hệ thống nền x86-64 vào thị trường máy chủ. Lý do nằm ở việc các hệ thống x86-64 tương thích tốt hơn với các ứng dụng x86 kiểu cũ, còn Itanium thì không được như vậy.

Trước đó, không ít nhà phân tích thị trường đã dự đoán Itanium sẽ chinh phục thế giới, nhưng thực tế lại diễn ra theo chiều hướng hoàn toàn trái ngược. Trình biên dịch không thể trích xuất được mức hiệu suất cần thiết cho từng tác vụ cụ thể, khiến cho chip không có khả năng tương thích tốt với các thiết bị phần cứng và cả phần mềm xuất hiện trước khi nó ra mắt. Itanium từng được Intel kỳ vọng sẽ thay thế hoàn toàn x86 và thay đổi thế giới PC, nhưng CPU này đã tỏ ra “chuệch choạc” chỉ thời gian ngắn sau khi ra mắt, sống lay lắt trong nhiều năm với một thị trường eo hẹp và đã mau chóng bị lãng quên.

Hiện tại, gói hỗ trợ HP-UX OS của riêng HP cho các máy chủ Integrity dựa trên bộ xử lý Itanium sẽ kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm 2025. Đây cũng là mốc thời gian khai tử của phiên bản HP-UX mới nhất, 11i v3 (B.11.31).

Chúng ta đang chứng kiến sự kết thúc của kỷ nguyên kéo dài hơn 20 năm. Itanium ra mắt vào tháng 7 năm 2001 và phiên bản mới nhất được gọi là Itanium 9700 "Kittson" đã xuất xưởng lô hàng cuối cùng vào ngày 29 tháng 7. Như vậy hiện tại, Intel sẽ chỉ còn sử dụng kiến trúc x86-64 trong các bộ xử lý máy chủ của mình.

Thứ Ba, 03/08/2021 09:15
52 👨 1.103
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ