Apple dùng hình tượng nhà bác học Newton ngồi dưới quả táo sắp rụng để thể hiện niềm sáng tạo, phát kiến mới mẻ, Canon xây dựng logo có đức phật nghìn mắt nghìn tay với ý tưởng là chiếc camera đầu tiên họ chế tạo được sẽ nắm bắt mọi hình ảnh...
Microsoft
Năm 1975, logo của Microsoft được thể hiện rõ sự chiết tự chữ "Micro" (máy tính, chip siêu nhỏ để thay thế cho các hệ thống cồng kềnh thời bấy giờ) và "Soft" (Software - phần mềm) nằm ở hàng trên, hàng dưới. Cái tên Microsoft là một tham vọng lớn kết hợp ngành sản xuất phần cứng với phần mềm để làm nên nền công nghiệp máy tính khổng lồ.
Sau này, chữ o và chữ s có một gạch nối để thể hiện "soft" như là một phần không thể tách rời của toàn bộ cái tên, vừa tạo cảm giác lao về phía trước.
Apple
Biểu tượng để quảng bá tên tuổi mà Apple chọn đầu tiên là hình ảnh nhà bác học Newton đang ngồi đọc sách dưới cây táo. Quả táo được vẽ khá nổi bật với vòng sáng bao quanh như muốn nói "Tôi sắp rụng đây".
Sau đó, logo được cách điệu đơn giản hơn. Quả táo với sắc cầu vồng được dùng từ cuối năm 1976 đến đầu năm 1998. Quả táo đen/trắng được dùng từ 1998 đến nay, còn quả táo bạc xuất hiện trong màn hình khởi động của các hệ thống mà Apple sản xuất như iPhone, MacBook...
Intel
Logo trên được dùng từ năm 1868 đến 2005. Intel là tên viết tắt của cụm từ Integrated Electronics Corporation (điện tử tích hợp). Tuy nhiên, bài học về thành công trong quảng bá thương hiệu của hãng lại là biểu tượng "Intel Inside" (Có chip Intel ở bên trong) dán trên các máy tính thành phẩm.
Vào năm 1991, Giám đốc marketing Dennis Carter mở chiến dịch "Intel Inside", theo đó, Intel trả nửa chi phí quảng cáo cho bất kỳ chương trình nào dùng logo này. Nhưng nếu công ty máy tính không quảng cáo hiệu quả thì họ sẽ không thanh toán và loại công ty đó khỏi chiến dịch. Thành công không ngờ của chương trình là chip Intel trở thành biểu tượng sức mạnh của mọi hệ thống máy tính và được nhận diện trên 130 quốc gia, giúp hãng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường bán dẫn.
Ngoài ra, khi quan sát các logo, người ta có thể nhận thấy xu hướng chuyển biến từ rắc rối, phức tạp đến đơn giản và dễ nhận diện thương hiệu.
Canon
Biểu tượng đầu tiên của hãng máy ảnh Canon (Nhật Bản) lấy cảm hứng từ việc kỹ sư Goro Yoshida chế tạo được chiếc camera đầu tiên mang tên Kwanon. Cái tên được đặt theo đức phật Bodhisattva nên logo là hình phật nghìn mắt nghìn tay ngồi trên đài sen, xung quanh là hình ngọn lửa. Sau đó, chữ Kwanon được đổi thành Canon vì cách đọc tương tự nhưng đơn giản và hiện đại hơn.
IBM
Năm 1911, International Time Recording Company (ITR) và Computing Scale Company (CSC) hợp nhất thành cái tên CRT. Nhưng có lẽ giống tên viết tắt của công nghệ màn hình ống vốn không phải là tâm điểm hoạt động của mình, họ lấy tên International Business Machines Corporation (IBM) vào năm 1924. Hồi đó, tham vọng của họ là muốn bao phủ thị trường toàn cầu nên logo có hình địa cầu. Sau này, biểu tượng đơn giản hơn thể hiện sự vững chãi, các lằn gạch ngang thể hiện tốc độ và sự năng động.
Nokia
Năm 1865, Knut Fredrik Idestam thành lập một nhà máy chế biến gỗ ở Tampere, phía tây nam Phần Lan. Nó được đổi tên thành Nokia sau khi được dời đến bờ sông Nokianvirta trong thành phố Nokia. Dù vậy, cái tên Nokia trong tiếng Phần Lan nói về một con vật có lông màu đen mà ta gọi là chồn Pine Marten.
Nokia hiện tại là sự sáp nhập giữa nhà máy cao su Finnish Rubber Works, nhà máy chế biến gỗ Nokia Wood Mill và Finnish Cable Works vào năm 1967. Trước khi bước vào lĩnh vực điện thoại di động và viễn thông, Nokia sản xuất giấy, xe đạp, lốp xe ôtô, giày, tivi, máy phát điện...