6 thách thức lớn mà điện thoại màn hình gập cần phải vượt qua để chứng minh mình không phải là công nghệ “sớm nở tối tàn”

Điện thoại màn hình gập, vâng, sản phẩm công nghệ tiêu tốn biết bao giấy mực của các chuyên gia cuối cùng cũng đã chính thức ra mắt những phiên bản thương mại đầu tiên, chiếm lĩnh toàn bộ sự chú ý tại Triển lãm Di động Toàn cầu MWC diễn ra tại Barcelona năm nay. Thế nhưng yêu thích, được chú ý là vậy, nhưng liệu người dùng có thực sự sẽ móc hầu bao cho sản phẩm công nghệ “của tương lai” này? Nhất là khi những chiếc điện thoại màn hình gập còn rất nhiều điều cần phải được cải thiện!

Cuối tuần trước, Samsung, nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới đã giới thiệu dòng sản phẩm chiến lược cho nửa đầu năm 2019 là Galaxy S10 với nhiều công nghệ mới rất đáng chú ý. Đồng thời nhà sản xuất Hàn Quốc cũng đã “nổ phát súng” đầu tiên vào thị trường màn hình gập với việc cho ra mắt mẫu điện thoại Galaxy Fold - smartphone có thể gập lại phiên bản thương mại đầu tiên trên thế giới. Thiết bị xa xỉ này trị giá gần 2.000 USD, có thể biến đổi từ điện thoại thành máy tính bảng chỉ bằng vài thao tác đơn giản, và đang được quảng cáo là một “hương vị” tới từ tương lai của thị trường điện thoại di động.

Tiếp nối “phát súng” đầu tiên của Samsung là sự xuất hiện của một loạt các smartphone màn hình gập đến từ nhiều nhà sản xuất lớn khác như Huawei, Xiaomi… Trong đó, sản phẩm của Huawei (Mate X) thậm chí còn có giá bán lên tới 2.600 đô la.

Mate X

Tạm gác những món “đồ chơi công nghệ” này sang một bên, chúng ta quay trở về quá khứ một chút. Trong năm 2017, không ít các chuyên gia “có máu mặt” trong ngành công nghiệp điện thoại thông minh đã đưa ra dự đoán rằng smartphone màn hình gập sẽ không có cơ hội thành công chứ chưa cần phải nói đến việc tung ra bản thương mại. Vào thời điểm đó, nhận định của đa số các chuyên gia bắt nguồn từ những hoài nghi của họ về các sản phẩm màn hình gập nguyên mẫu, và sự xuất hiện của nhiều mẫu điện thoại màn hình kép được thị trường đón nhận rất tích cực.

Tóm lại là thế này: Ở năm 2017, nhiều chuyên gia cho rằng công nghệ giúp chiếc điện thoại có thể gập lại trên thực tế vẫn chưa sẵn sàng. Và bây giờ, ngay cả khi đã được nhìn tận mắt Galaxy Fold tại MWC 2019, nhiều người vẫn chắc chắn hơn bao giờ hết rằng những chiếc điện thoại màn hình gập sẽ chỉ là “mốt nhất thời”, là một công nghệ “sớm nở tối tàn”.

Việc Samsung không cảm thấy đủ tự tin để cho bất kỳ nhà báo, chuyên gia nào tự mình dùng thử Galaxy Fold, đặc biệt là khi thiết bị này ra mắt sau hai tháng kể từ lần đầu tiên được giới thiệu, có thể là lý do dẫn đến những sự hoài nghi hoàn toàn có cơ sở.

Thực tế là những chiếc điện thoại màn hình gập trông rất tuyệt khi nhìn vào và cũng có rất nhiều điều thú vị để bàn luận về chúng. Thế nhưng rõ ràng là có sự tồn tại của những thách thức kỹ thuật cần phải vượt qua để những thiết bị này có thể trở thành tương lai của ngành công nghiệp di động, các giải pháp mà thậm chí có thể cả Samsung cũng chưa tìm ra để chứng minh chiếc điện thoại của mình không phải là một ngôi sao chợt lóe lên rồi lại lịm tắt nhanh chóng!

Galaxy Fold

Vậy thì những thách thức đó là gì? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ngay sau đây.

Các nếp nhăn ở vị trí gập màn hình

Lấy ví dụ với chiếc Galaxy Fold, không có sự xuất hiện của các nếp nhăn lớn khi bạn gấp một nửa màn hình. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ bạn có thể thấy rằng nếp nhăn chạy xuống giữa màn hình khi thiết bị được mở ra hoàn toàn, tuy rằng rất mờ nhưng không phải là không có, và về lâu dài, điều này có thể mang đến sự khó chịu, hay thậm chí là cả các vấn đề liên quan đến phần cứng.

Các nếp nhăn ở vị trí gập màn hình

Nói rộng ra thì đa số các màn hình có thể gập lại trên thị trường hiện nay đều có một nếp gấp mờ. Không có cách nào để khắc phục và cũng không có dấu hiệu nào cho thấy các công ty sẽ sớm giải quyết vấn đề này. Giống như có nếp gấp mờ có thể nhìn thấy được khi bạn gập một mảnh giấy, nếp nhăn trên màn hình điện thoại gập sẽ là một điều khiến nhiều người không hài lòng, đồng thời cũng là yếu tố làm cho các sản phẩm này mất đi lợi thế của mình.

Độ bền

Sau các nếp nhăn tất nhiên nhiều người sẽ phải đặt ra câu hỏi về độ bền. Chiếc Galaxy Fold được đánh giá cao một phần cũng là nhờ phần bản lề được thiết kế khá đẹp, theo nhiều chuyên gia đánh giá là phần bản lề đẹp nhất trên những chiếc smartphone màn hình gập đã ra mắt tính đến thời điểm hiện tại, rất mượt mà chứ không giống như những đường cong nhăn nheo như chiếc cửa xếp trông thật tệ hại trên Royole FlexPai. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là bản lề này có thể chịu được bao nhiêu lần gấp? Độ bền ở đây sẽ được đánh giá ra sao khi mà người dùng có thể sẽ gấp và mở thiết bị hàng chục, thậm chí trăm lần một ngày?

Độ bền

Không có gì tai hại hơn việc các điểm pixel chết, hay tệ hơn là 1 đường vạch thẳng tắp xuất hiện trên màn hình của chiếc điện thoại có giá bán hơn 40 triệu đồng! Điều gì xảy ra nếu các điểm pixel dọc theo nếp gấp bắt đầu chết? Liệu có nhà sản xuất điện thoại nào có thể đảm bảo các pixel dọc theo nếp gấp của màn hình sẽ hoạt động ổn định trong nhiều năm không?

Còn việc sử dụng ốp lưng máy thì sao? Làm thế nào để một chiếc ốp lực có thể sử dụng được trên điện thoại màn hình gập đây? Ôi những câu hỏi chưa lời giải đáp!

Phần mềm

Dù buồn nhưng chúng ta phải chấp nhận sự thật là phần mềm cho các smartphone màn hình gập được tối ưu chưa hề tốt chút nào. Google đã “ném” gói tính năng hỗ trợ đầy đủ cho Android trên các thiết bị có thể gập màn hình, nhưng như vậy là chưa đủ. Nếu sự thất bại ngoạn mục của máy tính bảng Android đã chỉ ra cho chúng ta một điều rằng việc tinh chỉnh phần mềm sao cho phù hợp với từng dòng sản phẩm là tối quan trọng, thì sự hỗ trợ của nhà phát triển bên thứ ba là cũng là yếu tố sống còn đối với khả năng thành công của một mẫu điện thoại màn hình gập.

Phần mềm

Bắt các nhà phát triển tối ưu hóa ứng dụng của họ để có thể phù hợp với tỷ lệ khung hình cụ thể trên một chiếc điện thoại màn hình gập sẽ là một thách thức vô cùng khó khăn. Khó đến nỗi mà các nhà phát triển ứng dụng sẽ buộc phải thiết kế ứng dụng của họ theo “1 triệu” kích thước màn hình và tỷ lệ khung hình khác nhau trên Android, và bây giờ, giải pháp của các nhà sản xuất điện thoại thông minh là gì đây? Bắt các nhà phát triển làm theo ý mình ư? Chúc may mắn với nhiệm vụ này!

Ít nhất là với điện thoại thông thường, đã có tỷ lệ khung hình hiển thị tiêu chuẩn cho các nhà phát triển. Còn đối với thị trường smartphone màn hình gập mới chỉ có “lèo tèo” vài sản phẩm thì sao? Lại lấy ví dụ với Samsung Galaxy Fold: Thiết bị này sở hữu màn hình bên ngoài với tỷ lệ khung hình 21:9 và màn hình bên trong mở ra với tỷ lệ khung hình 4.2:3. Cả hai tỷ lệ này đều không phổ biến và gần như chỉ dành cho điện thoại của Samsung.

Vậy thì còn những sản phẩm của Huawei, Xiaomi thì sao? Chúng cũng sẽ có tỷ lệ màn hình của riêng mình, và đó chính là vấn đề.

Đã có bao nhiêu nhà phát triển thực sự cập nhật ứng dụng của họ cho máy tính bảng tính đến thời điểm hiện tại? Đã gần 9 năm trôi qua và Instagram vẫn chưa có ứng dụng dành riêng cho môi trường máy tính bảng iPad hoặc Android. Điều gì khiến các nhà sản xuất thiết bị nghĩ rằng các nhà phát triển sẽ đột nhiên quay lại để tạo ra các ứng dụng máy tính bảng một lần nữa? Đối với máy tính bảng đã như vậy thì với điện thoại màn hình gập sẽ ra sao? Tôi thực sự không tìm thấy nhiều hy vọng!

Thời lượng pin

Điện thoại thông minh chỉ bắt đầu được trang bị những viên pin đủ lớn để có thể duy trì “sự sống” trong gần hai ngày với các tác vụ cơ bản, và bây giờ liệu bạn có muốn lùi lại một bước để đổi lấy việc sở hữu màn hình lớn hơn một chút? Sẽ là điều rất đáng để suy nghĩ đây!

Thời lượng pin

Chắc không ít người tò mò muốn xem viên pin 4.380mAh của Galaxy Fold sẽ cho thời lượng sử dụng hỗn hợp bao lâu khi sử dụng màn hình trong trạng thái máy tính bảng. Pin 4.380mAh có vẻ như là quá đủ đối với một chiếc điện thoại bình thường, nhưng đối với màn hình 7.3 inch, độ phân giải 2k thì sao? Nghe có vẻ không được ổn cho lắm thì phải! Chiếc Galaxy Tab S5e mới ra mắt của Samsung có màn hình 10.5 inch và phải cần đến viên pin 7.040mAh. Để đưa điều này vào viễn cảnh lớn hơn nữa, Galaxy S10 5G sắp ra mắt của Samsung có pin 4.500 mAh và nó có màn hình 6.7 inch.

Điều tôi đang muốn nói ở đây là: Thời lượng pin sẽ là một vấn đề thực sự đối với những chiếc điện thoại màn hình gập khi chúng phải “cân” một màn hình rất lớn, đó là còn chưa kể đến việc liên tục mở ra và gấp lại màn hình sẽ khiến pin tụt còn kinh khủng hơn.

Hoặc là chúng ta phải cấp nhận thời lượng pin ngắn hơn để đảm bảo thiết kế tổng thể đủ nhỏ gọn, hoặc các nhà sản xuất điện thoại phải nhồi nhét viên pin lớn hơn và có thể khiến chiếc điện thoại màn hình gập trông như một quyển sổ? Mời bạn đưa ra sự lựa chọn cho riêng mình.

Độ dày

Sẵn tiện vừa nói đến dung lượng pin, chúng ta cũng cần phải bàn thêm đến độ dày. Samsung đã không tiết lộ các số đo cụ thể về kích thước của Galaxy Fold, nhưng bạn không cần phải là một chuyên gia để có thể nhận ra rằng thiết bị này trông dày như thế nào khi đc gập lại. Ngoài ra, bạn có thể dễ dàng áng chừng được độ dày của Galaxy Fold bằng cách nhìn vào cổng kết nối USB-C ở cạnh đáy thiết bị thi ở trạng thái gập.

Độ dày

Một chiếc điện thoại dày có thể chấp nhận được, nhưng chỉ khi nó sở hữu viên pin cực lớn và có thể cho thời gian sử dụng cả tuần lễ sau 1 lần sạc, bạn có thể nhìn sang trường hợp của chiếc Energizer Power Max P18K Pop chẳng hạn. Nhưng nếu không, tại người dùng lại phải bỏ tiền ra để mua “một viên gạch” và đặt nó trong túi quần của mình cho khổ?

Tóm lại những chiếc thoại màn hình gập cần phải mỏng hơn đáng kể trước khi có thể nghĩ đến việc trở thành tương lai của ngành công nghiệp smartphone.

Giá bán

Không có nghi ngờ gì nữa, giá bán chính là yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến mức độ phổ biến hay xa hơn là tương lai của điện thoại màn hình gập.

Galaxy Fold của Samsung sẽ có giá 1.980 USD khi được chính thức lên kệ ngày 26 tháng 4 sắp tới, và công bằng mà nói thì ngay cả ở các quốc gia giàu có, số tiền này vẫn là không hề nhỏ chút nào.

Bên cạnh đó, khi mà Samsung nghĩ rằng họ có thể bán ra chiếc điện thoại này với giá gần 2.000 đô la, thì chẳng có lý do gì để các nhà sản xuất khác như Oppo, Xiaomi hay LG không định giá cho sản phẩm của mình trong phạm vi đó, và trên thực tế chiếc Huawei Mate X đã được nhà sản xuất Trung Quốc định giá lên tới 2.600 đô la.

Oppo

Mặc dù các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc thường được biết đến với định giá cho sản phẩm của mình thấp hơn so với Samsung và Apple, nhưng sẽ không tránh khỏi việc các hãng này bán những chiếc điện thoại có giá cắt cổ của mình dưới chiêu bài mang đến trải nghiệm xa xỉ cho người dùng, và điều này trên thực tế cũng đã xảy ra.

Samsung đã đặt khá nhiều kỳ vọng vào Galaxy Fold, họ gọi đây là một thiết bị sang trọng được thiết kế cho những người dùng yêu trải nghiệm công nghệ đỉnh cao. Tuy nhiên nếu họ hoặc bất kỳ nhà sản xuất smartphone nào khác thực sự muốn những chiếc điện thoại màn hình gập trở thành tương lai của thể giới smartphone thì điều đầu tiên đó là giá bán phải giảm. Sự thật đơn giản là một phát minh công nghệ muốn tồn tại lâu dài thì đầu tiên là nó phải được sử dụng phổ biến trước đã.

Đột phá tại MWC 2019?

Chỉ vì Samsung hay Huawei chưa thể tìm ra cách vượt qua những thách thức này không có nghĩa là những công ty khác cũng không thể. Tất nhiên chúng ta đều muốn chứng kiến một chiếc điện thoại màn hình gập có thể giải quyết được tất cả, hay ít nhất là một vài trong số 6 vấn đề trên, nhưng có vẻ như điều này sẽ chưa thể xảy ra tại MWC năm nay.

Thời gian vẫn còn dài, bây giờ chính là lúc các nhà sản xuất phải bắt tay vào việc một cách thực sự nghiêm túc nếu muốn các sản phẩm công nghệ của họ trở thành một ngôi sao sáng thực sự trên bầu trời công nghệ.

Chủ Nhật, 03/03/2019 08:41
52 👨 299
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Bình luận công nghệ