Tối ưu hóa bảo mật cho smartphone

Cuộc sống hiện đại bận rộn cứ “cuốn” bạn theo một vòng xoáy không ngừng. Vì thế, dường như mọi thông tin cá nhân như những bức hình riêng tư, mã tài khoản ngân hàng, danh bạ, ghi chép cá nhân,... được bạn đưa hết vào bộ nhớ của smartphone. Tuy nhiên, bạn lại không hề biết rằng bạn đang tự đặt bản thân vào tình thế nguy hiểm.

Điều gì sẽ xảy ra nếu như "chú dế cưng" của bạn lọt vào tay một kẻ có ý đồ xấu nào đó. Đừng “shock” nếu như một ngày bạn phát hiện ra những bức ảnh riêng tư của mình xuất hiện trên một website khiêu dâm hay tài khoản ngân hàng của bạn trống rỗng.

Tối ưu hóa bảo mật cho smartphone

Chính vì smartphone có vai trò ngày càng không thể thiếu với cuộc sống con người nên đây cũng là một miếng mồi “béo bở” cho giới hacker. Chỉ tính riêng 2 tuần đầu của năm 2012, đã có hơn 100.000 loại Malware khác nhau tấn công trên Android. Điều này cũng đủ cho bạn thấy sự nguy hiểm luôn rình rập xung quanh trong khi bạn không hề hay biết. Dưới đây là 6 cách mà Genk muốn giới thiệu nhằm giúp bạn có thể đảm bảo an toàn cho smartphone hơn.

1. Sử dụng mã PIN hay Password đủ mạnh

Đây có lẽ là điều tối thiểu mà bạn cần làm nhằm đảm bảo cho dù tên trộm có lấy được chiếc điện thoại nhưng tức điên vì chẳng làm gì được. Tuy vậy, hãy chọn một mã PIN đủ mạnh để không ai có thể đoán ra được. Đừng giật mình nếu bạn chọn mã PIN là 1234 nhé, bởi đây có lẽ luôn là con số mà những tên trộm sẽ thử đầu tiên. Biện pháp đơn giản này sẽ giúp bạn hạn chế được người khác tiếp cận thông tin cá nhân của bạn trong trường hợp điện thoại bị đánh cắp hoặc thất lạc.

Tối ưu hóa bảo mật cho smartphone
Chọn một password đủ mạnh là điều tối thiểu bạn cần làm.

2. Cẩn thận với các ứng dụng tải xuống

Trừ phi bạn là chuyên gia về an ninh phần mềm, bạn chỉ nên tải các ứng dụng từ những cửa hàng chính thức và có uy tín trên mạng. Đừng bao giờ nghĩ rằng ứng dụng tải xuống từ Google Play là an toàn 100%. Thậm chí ngay khi bạn đã hành động cẩn thận như vậy, phần mềm độc hại vẫn có thể len lỏi vào "dế" của bạn và đánh cắp những thông tin nhạy cảm. Vì thế, hãy bỏ thêm chút thời gian để đọc kỹ những lời nhận xét của những người đã tải ứng dụng đó trước bạn.

Tối ưu hóa bảo mật cho smartphone

3. Tắt Wifi và Bluetooth

Nếu không cần thiết phải sử dụng, nên tắt Wifi và Bluetooth để tránh tình trạng tin tặc có thể xâm nhập vào smartphone của bạn từ xa. Khi dùng Wifi, nên kết nối vào những hệ thống có yêu cầu mật mã truy cập, hạn chế truy cập vào những nguồn “free” không rõ nguồn gốc.

Tối ưu hóa bảo mật cho smartphone

4. Sao lưu dữ liệu

Đôi khi, biện pháp duy nhất để tránh vi-rút là lưu lại toàn bộ dữ liệu của máy. Bạn nên tạo thói quen tạo bản sao dữ liệu thường xuyên để đảm bảo thông tin về sổ danh bạ điện thoại, tin nhắn, hình ảnh và ứng dụng. Trong trường hợp mất máy, bạn có thể nhanh chóng phục hồi lại được dữ liệu của mình. Dưới đây là clip minh họa về sao lưu dữ liệu trên iPhone thông qua iTunes.

5. Cảnh giác với những email hay tin nhắn lạ

Loại hình “tấn công” này đã xuất hiện từ rất lâu và được cảnh báo với người dùng rất nhiều lần, thế nhưng con số nạn nhân vẫn không hề giảm sút. Nói đi cũng phải nói lại, mỗi khi gặp một tin nhắn hay email từ một địa chỉ lạ, không hề quen biết hoặc không đáng tin cậy, nội dung thư có đề cập đến yêu cầu về thông tin cá nhân của bạn hay yêu cầu bạn gọi vào một số điện thoại “trên trời rơi xuống”, hãy thẳng tay xóa bỏ những thư hay tin nhắn đó. Đừng bao giờ để những lời ngon ngọt hay lòng tham làm mờ mắt, để rồi tiền đâu chẳng thấy, chỉ thấy tự dưng bị mất một khoản tiền lớn. Trong cuộc sống, không có gì là free cả.

Tối ưu hóa bảo mật cho smartphone
Luôn cảnh giác với những những tin nhắn, email rác.

6. Sử dụng ứng dụng tìm kiếm Smartphone

Nếu chẳng may điện thoại của bạn bị mất hay rơi ở đâu đó, bạn vẫn có thể tìm ra địa điểm hiện tại của chú dế cưng thông qua một ứng dụng truy tìm smartphone. Find My iPhone là một ứng dụng như vậy. Chỉ cần kết nối với hệ thống đám mây, điền đầy đủ thông tin về máy, bạn đã có thể yên tâm hơn về chiếc điện thoại của mình. Đối với smartphone Android, Where's My Droid cũng là một ứng dụng tương tự.

Trên đây chỉ là 6 phương pháp tạm thời nhằm giúp người dùng đảm bảo sự bảo mật của chiếc smartphone của mình. Nhưng trên hết, chính ý thức tự giác, đề cao cảnh giác của bạn mới là chìa khóa cho sự chắc chắn 100%. Tất nhiên còn một “phương pháp” khác nữa nhưng chúng tôi không dám chắc là bạn có muốn thử hay không: đó là hãy dừng sử dụng điện thoại di động, các hacker sẽ chỉ có nước “bó tay” mà thôi.

Thứ Năm, 31/01/2013 08:34
31 👨 684
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp