Stadia - nền tảng chơi game mới của Google có thể “bóp nghẹt” thị trường game mobile?

Tháng trước, tại Hội nghị nhà phát triển trò chơi diễn ra tại San Francisco, Google đã chính thức cho ra mắt Stadia - nền tảng chơi game hoàn toàn mới, cho phép chơi game thông qua dịch vụ đám mây của hãng, tức là người dùng sẽ chỉ cần sử dụng đến trình duyệt Chrome và mạng Internet tốc độ cao là có thể chiến mượt bất kỳ trò chơi khủng nào.

Google tin rằng việc họ xây dựng lên nền tảng Stadia sẽ đóng vai trò cực lớn trong việc định hướng cho tương lai phát triển của ngành công nghiệp game. Có thể hiểu nôm na rằng Stadia sẽ thay đổi căn bản toàn diện phương thức chơi game cũng như phát video trực tuyến (livestream) hiện nay, từ hình thức cá thể hóa sang tập trung theo từng vùng cũng như máy chủ thông qua kết nối internet. Điều đó có nghĩa là với Stadia, người dùng chỉ cần trình duyệt Chrome và mạng Internet tốc độ cao, ổn định là có thể chơi “ngon lành” phần lớn các tựa game khủng hiện nay, đồng thời cũng có thể phát trực tiếp tất cả các nội dung mà mình muốn trên hầu hết mọi thiết bị có kết nối internet hiện nay như TV thông minh, điện thoại thông minh, máy tính bảng, hay laptop… Đây thực sự là quân bài chiến lược mang trong mình tham vọng cực lớn đó là thay đổi ngành công nghiệp game của Google, đặc biệt là trong bối cảnh mà thị trường game di động đang có tốc độ phát triển như vũ bão trong vài năm trở lại đây do smartphone đang dần trở thành thiết bị không thể thiếu trong cuộc sống của hàng tỷ người trên toàn thế giới.

Stadia - nền tảng chơi game hoàn toàn mới

Vậy thì các nhà phát triển game di động sẽ phải phản ứng ra sao trước sự xuất hiện của “thanh niên trẻ đầy tham vọng” Stadia kia? Liệu nền tảng mới này của Google có giết chết thị trường trò chơi di động hay không? Bỏ lại phía sau một vài phân tích chuyên sâu, nhiều nhà nghiên cứu thị trường đã không do dự mà trả lời là: Hoàn toàn không!

Thuật ngữ “games anywhere” nên được hiểu như thế nào?

Games anywhere có thể tạm dịch là “chơi game ở khắp mọi nơi”, và với Stadia, Google muốn bạn có thể chơi các trò chơi ưa thích của mình trên xe bus, trong khi ngồi nghỉ ở hành lang giảng đưòng, hay trong những chuyến đi du lịch dài ngày, tóm lại là ở bất cứ nơi nào có kết nối internet đủ mạnh. Về cơ bản thì game di động cũng đáp ứng được điều này bởi đúng như tên gọi, chúng được phát triển để chạy trên những thiết bị nhỏ gọn, có thể mang theo bên mình.

Thuật ngữ “games anywhere” nên được hiểu như thế nào?

Tuy nhiên vấn đề tạo ra sự khác biệt lại nằm ở loại trò chơi được nói đến. Mặc dù nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng bất cứ ai đã từng dùng thử công nghệ phát trực tuyến trò chơi của Sony trên điện thoại của mình đều biết rằng những tựa game được chơi trên console (và PC) rất hiếm khi có thể được xử lý tốt cho thiết bị di động. Bộ điều khiển Wi-Fi cải tiến của Stadia sẽ giúp ích trong một số tình huống nhất định, nhưng công bằng mà nói thì chỉ những tựa game được thiết kế riêng theo kiểu “mobile” ngay từ đầu mới có thể cho trải nghiệm tốt nhất trên thiết bị di động và ngược lại. Là chủ nhân của một trong những kho ứng dụng di động lớn nhất thế giới: Play Store, Google đương nhiên cũng phải biết điều này. Do đó về cơ bản, Stadia sẽ hướng đến một thị trường tương đối khác biệt, đó là di động hóa các tựa game PC hay console, thay vì nhắm mục tiêu đến thị trường game di động. Tất nhiên nếu Stadia trở nên phổ biến như kỳ vọng của Google, tác động mà nền tảng này tạo ra đối với thị trường game di động là có, nhưng sẽ không đến mức có thể “bóp nghẹt” được thị trường này, ít nhất là cho đến khi nhân loại thôi không dùng smartphone nữa!

Sự cần thiết của tốc độ internet

Chúng ta hiện vẫn chưa thể hiểu rõ cách thức mà Stadia sẽ sử dụng để xử lý các vấn đề trong thế giới thực đối với cơ sở hạ tầng internet. Trong buổi lễ ra mắt, Google cho biết Stadia sẽ có thể hỗ trợ độ phân giải 4K ở tốc độ 60fps (khung hình/giây), cùng với âm thanh vòm và chuẩn hiển thị HDR. Nhưng nên nhớ rằng các thông số như vậy chỉ là trên lý thuyết và để đạt được điều này, bạn phải sở hữu trạng thái kết nối lý tưởng và hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi các vấn đề liên quan đến điều chỉnh băng thông hay giới hạn dữ liệu. Còn nếu bạn sử dụng mang Wi-Fi công cộng ở khách sạn hay tệ hơn là quán cafe, bến tàu, xe để kết nối Stadia thì tốt nhất là hãy quên những thông số ấn tượng kia đi.

Game di động

Cho dù công nghệ này ấn tượng đến mức nào (thực tế thì các máy chủ đám mây của Google sở hữu sức mạnh thực sự đáng nể), chúng cũng không thể giúp kiểm soát tốc độ cuối cùng mà người dùng trải nghiệm, và đây sẽ là vấn đề thực sự mà Stadia phải đối mặt nếu muốn bước lên ngôi vương trong thế giới game. Google đang khuyến nghị người dùng sử dụng kết nối với tốc độ khoảng 25Mbps cho độ phân giải 1080p ở chất lượng 60fps, con số này là hoàn toàn có thể chấp nhận được, thế nhưng có những nơi trên thế giới, thậm chí là ở quê hương của Google là Hoa Kỳ, người ta còn không có internet băng thông rộng tốc độ cao. Đó là còn chưa kể đến việc internet tốc độ cao mà kết nối không ổn định thì cũng chẳng đi đến đâu. Vấn đề vẫn nằm ở chỗ nếu bạn không ở gần một thành phố lớn nơi đặt trung tâm dữ liệu của Google, thì nhiều khả năng bạn vẫn không thể có được trải nghiệm lý tưởng nhất với Stadia.

Như vậy có thể thấy kết nối internet sẽ là yếu tố chủ đạo quyết định đến trải nghiệm của người dùng với Stadia, đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân lớn khiến dịch vụ này khó đến tay nhiều đối tượng người dùng nếu Google không có giải pháp khắc phục vấn đề trong tương lai.

Chơi game thuận tiện trên điện thoại

Trong khi đó với game moblie thì lại khác, bạn sẽ chỉ cần một kết nối di động vừa phải là có thể giải trí ở bất cứ đâu. Có thể chơi game qua mạng Wi-Fi công cộng hay qua kết nối 3G, 4G mà không gặp phải quá nhiều vấn đề.

Làm việc với các nhà phát triển trò chơi

Việc Google chỉ trình diễn duy nhất một trò chơi trong buổi lễ ra mắt Stadia, chưa thể nói lên nhiều điều về sự mới mẻ mà họ có thể mang lại đối với không gian chơi trò chơi truyền thống. Quan trọng hơn là những “bí ẩn” xung quanh các vấn đề như: Thuê bao, cửa hàng kỹ thuật số (digital storefront), quảng cáo, và họ sẽ trả tiền cho các nhà phát triển như thế nào? Tất cả đều mơ hồ. Như vậy, Google cần phải thuyết phục được các nhà phát hành lớn tham gia với mình, nhưng những vấn đề liên quan đến chi phí phát triển, phát hành và chạy trò chơi trên Stadia cũng sẽ là vấn đề không hề đơn giản, và công ty chưa từng phải đối mặt với những vấn đề tương tự trước đây.

“Cộng sinh” với YouTube

YouTube, nền tảng chia sẻ video trực tuyến lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là nguồn lưu trữ video chơi game số 1 với 50 tỷ giờ được xem trong năm 2018. Sở dĩ nhắc đến thông tin này là bởi Google chắc chắn sẽ có ý định sử dụng YouTube như một nền tảng quảng cáo thực tế miễn phí để qua đó nhắm mục tiêu đến các game thủ một cách hiệu quả hơn, bởi vì bất kỳ nhà phát triển nào cũng sẽ nói với bạn rằng các bản demo không tự mình ảnh hưởng doanh số - quảng cáo cũng vậy (phải đưa người dùng đến bản demo). Người xem những quảng cáo này sẽ có thể khởi động trò chơi trực tiếp từ video bằng cách nhấp vào nút Play Now trên khung hình.

“Cộng sinh” với YouTube

YouTube cũng có một cộng đồng tích hợp, do đó streamer cũng hoàn toàn có thể khởi tạo các lobby để người hâm mộ tham gia và chơi cùng với họ. Các nhà phát triển hiện đang nắm giữ giao diện console trả phí và trò chơi di động miễn phí đều nên chú ý đến tác động của loại mô hình phát trực tuyến này đối với các sản phẩm của chính họ.

Tình hình thực tế trong thị trường game di động

Game nói chung là một thị trường giải trí cực kỳ rộng lớn, có giá trị theo ước tính lên đến 135 tỷ đô la, trong số đó, doanh thu từ riêng lĩnh vực trò chơi di động đã chiếm đến gần một nửa. Xem xét sâu hơn đến mảng game di động, chúng ta lại thấy có một sự áp đảo hoàn toàn đến từ Apple với iOS khi hệ sinh thái này chiếm đến 84% tổng doanh thu trong mảng game di động toàn cầu (đa phần trong số đó là lợi nhuận quảng cáo). Do vậy, khi các trò chơi phát trực tuyến chỉ khả dụng trên Chrome, Chromecast và (theo như chúng tôi biết) trên cả các thiết bị Android, sẽ có một thị trường khổng lồ các game thủ di động iOS có thể bị bỏ lại.

Stadia không đến sau các trò chơi di động

Vậy thì các game thủ di động sẽ làm gì? Họ sẽ vẫn tiếp tục chơi, sẽ vẫn tham gia vào những trận đấu đơn giản hay nhập vai vào các nhân vật trọng những tựa game 3D chất lượng trên trên chiếc điện thoại của mình và hài lòng với nó. Đơn giản là bởi đối với những người này, trò chơi di động sẽ vẫn đem lại trải nghiệm chơi game cốt lõi, cũng như sự tiện lợi tuyệt đối khi họ không thể ngồi cố định cả ngày ở một chỗ và dán mắt vào màn hình. Cộng đồng game thủ Console và PC nhìn chung là một nhóm người khá đa dạng, nhưng họ thậm chí không đa dạng như các game thủ di động.

Cách đây không lâu, một số người đã từng dự đoán sự bùng nổ của game di động sẽ đặt dấu chấm hết cho các trò chơi truyền thống (console và PC). Thực tế cho thấy họ đã sai. Bây giờ với Stadia, mọi chuyện lại được cho là sẽ diễn biến theo chiều hướng ngược lại. Sẽ rất thú vị khi chứng kiến những nỗ lực của Google trong việc chèo lái “con thuyền” Stadia. Gã khổng lồ Mountain View chắc chắn có đủ tiền để giải quyết hầu hết các vấn đề về cơ sở hạ tầng, và tình hình thực tế cũng cho thấy họ đang suy nghĩ nhiều hơn về việc làm sao để giải quyết ổn thỏa các vấn đề truyền thống của dịch vụ phát trực tuyến vốn đã tồn tại bấy lâu nay. Stadia không đến sau các trò chơi di động. Console, PC và thiết bị di động sẽ tiếp tục cùng tồn tại, cạnh tranh nhau mà không kẻ nào có thể “nuốt” gọn được kẻ kia bởi chúng đều mang trong mình những lợi thế tạo ra sự khác biệt, ít nhất là trong bối cảnh hiện tại của thế giới công nghệ.

Thứ Năm, 02/05/2019 09:57
31 👨 166
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Bình luận công nghệ