Google Tensor không thể đánh bại Apple A12 Bionic về hiệu năng, nhưng ai mà quan tâm chứ! Google đang theo đuổi mục tiêu lớn lao hơn nhiều!

Rõ ràng sự xuất hiện của Tensor - con chip di động đầu tiên do chính Google phát triển - là yếu tố nhận được nhiều sự quan tâm nhất trên các mẫu Pixel và Pixel 6 mới ra mắt. Người ta bàn tán nhiều và kỳ vọng cũng không ít vào con chip tùy chỉnh này, và mơ về một thế lực mới trong mảng CPU di động, như những gì Apple đã làm được với dòng chip A-series “cây nhà lá vườn”.

Tuy nhiên, có vẻ như Google Tensor không thực sự đáp ứng được kỳ vọng đó, ít nhất về sức mạnh xử lý thuần túy. Chuyên trang đánh giá hiệu năng phần cứng Geekbench 5 hiện đã đăng tải kết quả benchmark mới nhất cho Google Tensor, và đây chắc chắn là một sự thất vọng lớn đối với một con chip flagship, được trang bị trên dòng sản phẩm đầu bảng ra mắt 2021 như Pixel 6. Google Tensor bị đánh bại bởi Apple A12 Bionic - một SoC được trang bị trên dòng iPhone XS ra mắt vào năm 2018, tức là hơn 3 năm trước.

Cụ thể, kết quả đánh giá cho thấy Tensor đạt lần lượt 1012 và 2760 điểm trong các bài kiểm tra hiệu năng đơn lõi và đa lõi. Điều này bị lu mờ hoàn toàn bởi mức điểm số 1117 và 2932 tương ứng của Apple A12 Bionic, con chip đã 3 năm tuổi, và được coi là “già cỗi” trong thế giới smartphone vốn thay đổi từng ngày. Đây rõ ràng là một sự thất vọng lớn đối với các fan của Google nói chung, và những người đặt nhiều kỳ vọng vào dòng Pixel 6 nói riêng.

Điểm hiệu năng Google Tensor

Con chip ba năm tuổi của Apple đã đánh bại “anh thanh niên” Tensor đầu bảng của Google ở cả hiệu suất lõi đơn và đa lõi. Nhưng đó không phải là tất cả. Tensor cũng chậm hơn hẳn khi so sánh với Snapdragon 888, vốn đang được trang bị trên hầu hết các mẫu điện thoại Android cao cấp trong năm 2021.

Thôi thì tạm đặt hiệu suất sang một bên. Thực tế mà nói thì những ai thực sự quan tâm đến Google Tensor từ thời điểm những tin đồn đầu tiên được tiết lộ đều đã phần nào nhận ra rằng chiến lược của Google đối với dự án Tensor là chú trọng hơn đến tính “hiệu quả” thay vì “hiệu suất”.

Ngoài ra, kết quả benchmark về cơ bản cũng chỉ truyền tải “một nửa câu chuyện”, và không phải là yếu tổ có thể được sử dụng để đánh giá chính xác cho hiệu suất cũng như trải nghiệm thực tế. Thứ cần quan tâm hơn cả là khả năng tối ưu hóa phần mềm, và đặc biệt là mức độ tương thích giữa phần cứng và phần mềm. Ở khía cạnh này thì có thể nói Google là “trùm” trong thế giới Android. Đơn giản bởi Android là của Google, và mô hình triển khai Android trên dòng Pixel từ trước đến nay luôn được biết đến là một trong những mô hình mang lại trải nghiệm người dùng tối ưu nhất.

Với quyền kiểm soát tuyệt đối của Google với cả phần cứng và phần mềm, kết hợp cùng các cải tiến được mang lại bởi Android 12, không quá khi cho rằng Pixel 6 và Pixel 6 Pro sẽ cho hiệu suất và trải nghiệm thực tế không những không thua kém các flagship Android khác, mà thậm chí còn nhỉnh hơn trong một số tình huống sử dụng nhất định.

Google Tensor

Ngoài ra, các mẫu CPU hàng đầu của Qualcomm và Mediatek hiện nay bị phàn nàn là quá nóng trên một số thiết bị. Do đó, Google có thể đã hy sinh hiệu suất để làm cho Tensor chạy mát hơn và cung cấp thời lượng pin tốt hơn. Tuy nhiên điều này vẫn còn phải cần đánh giá chi tiết sau.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Tensor đã chứng minh được sức mạnh của mình về khía cạnh GPU. Nó thực sự đã đánh bại tất cả các flagship Android hiện tại, mặc dù hiệu suất CPU khá tầm thường.

Tóm lại, Google đang theo đuổi những mục tiêu hoàn toàn khác biệt với số đông còn lại trong mảng CPU di động. Công tuy đang nỗ lực để làm cho việc sử dụng điện thoại thông minh trở nên thông minh hơn bao giờ hết. Và Tensor đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hiện thực hóa tham vọng đó.

Thứ Sáu, 29/10/2021 23:40
53 👨 2.031
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ