Google, Microsoft đang “xâm chiếm” nhau

Người ta đang nhận ra một điều: cả Google và Microsoft có vẻ dần rời xa ngành kinh doanh cốt lõi của họ và lấn sang sân chơi của nhau.

Ngày 2/9, Google chính thức tung ra trình duyệt Internet của riêng họ với tên gọi Chrome. Chrome được cho là phát súng của Google nhắm vào Microsoft. Google muốn “ăn” thị phần trình duyệt Internet của Microsoft, còn Microsoft lại muốn cạnh tranh với Google về công cụ tìm kiếm.

Google lấn sang trình duyệt và di động

Theo Wired.com, thực ra, Google đã có ý định xây dựng một trình duyệt Internet từ cách đây rất lâu. “Khi tôi vào làm việc ở Google năm 2001, Larry và Sergey (hai đồng sáng lập của Google) đã nói: ‘Chúng ta cần xây dựng trình duyệt riêng của chúng ta'”, Tổng giám đốc điều hành Google, Eric Schmidt, nói. Tuy nhiên, lúc đó, Schmidt nói chưa phải lúc. “Tôi không tin công ty có đủ sức mạnh để chiến thắng trong cuộc chiến trình duyệt”, ông nói. “Điều rất quan trọng là những khao khát chiến lược của chúng tôi phải được nằm dưới sự cạnh tranh gay gắt”.

Tuy nhiên, ý tưởng về trình duyệt của Google đã bị loang ra từ ngày đó. Năm 2004, một bài báo trên New York Times đã nói gần xa về việc trình duyệt Internet của Google đang được tiến hành. Ngày đó, Schmidt đã phải công khai lên tiếng phủ nhận.

Hồi năm 2006, CEO Schmidt từng nói, nếu Google “dấn thân” vào trình duyệt, họ phải tạo ra một cái gì đó rất khác biệt với Internet Explorer và Firefox. Ngoài ra, trình duyệt của Google phải nhanh và phải là nguồn mở. Đó là những gì mà nhóm phát triển Chrome của Google luôn nhớ trong đầu.


Nhóm phát triển Chrome của Google: từ trái sang Mark Larson,
Brian Rakowski, Darin Fisher, và Ben Goodger

Không chỉ lấn sân chơi trình duyệt, Google còn muốn đặt chân vào sân chơi di động. Khoảng cuối năm 2007, thông tin về hệ điều hành di động Android của Google bắt đầu được các báo tung ra và thu hút sự quan tâm của mọi người từ ngày đó đến nay. Tháng 11/2007, báo chí nước ngoài đưa tin Google đứng đầu liên minh phát triển chuẩn di động Open Handset Alliance, và đã có 34 công ty thành viên. Google đã “lôi kéo” được các hãng di động nổi tiếng như China Mobile, T-Mobile, HTC, Qualcomm, Motorola….

Ngày ấy, người ta đã hy vọng những chiếc điện thoại đầu tiên ứng dụng Android sẽ ra đời vào nửa sau của năm 2008.

Ngày 12/11/2007, Steve Horowitz, giám đốc công nghệ của Google, tuyên bố thưởng 10 triệu USD cho bất cứ ai xây dựng được những ứng dụng tốt nhất dùng cho hệ điều hành ĐTDĐ Android của hãng.

Ngày 13/2/2008, Google phát hành bộ kit lập trình mới cho Android, ngoài việc thay đổi giao diện dễ sử dụng, phần mềm này hỗ trợ tìm kiếm nhanh hơn và thêm các mã đa phương tiện.

Tháng 4/2008: Google thông báo cuộc thi viết phần mềm cho di động Android Developers Challenge với tổng trị giá giải thưởng 10 triệu USD đã hết hạn với 1.788 bài dự thi từ hơn 70 nước.

Hiện nay, các blog công nghệ và website tin tức đều đưa tin vào tháng 9 tới, ĐTDĐ Android của Google sẽ xuất hiện. T-Mobile USA sẽ là hãng di động Mỹ đầu tiên bán smartphone Android. Theo thông tin, đó là một chiếc điện thoại thuộc dòng cao cấp, do nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới High Tech Computer Corp sản xuất. Dự đoán nó sẽ thách thức chiếc iPhone của Apple cũng như các dòng điện thoại thông minh khác, chạy phần mềm của Palm, Research in Motion, Microsoft và Nokia.

Microsoft luôn muốn lật đổ Google

Microsoft – vốn được gọi là “đại gia phần mềm” – lại muốn nhòm ngó vị trí thống lĩnh thị trường tìm kiếm Internet của Google. Bằng chứng của tham vọng này là nỗ lực mua lại Yahoo của Microsoft. Từ khoảng tháng 5/2007, thông tin về việc Microsoft mua lại Yahoo đã bắt đầu được các báo đưa ra, mặc dù cả hai công ty đều không có một lời xác nhận nào về tin này. Theo nhiều nhà phân tích, nỗ lực mua lại Yahoo của Microsoft là để thu hẹp khoảng cách tìm kiếm với Google.

1/2/2008: Microsoft gửi thư đề nghị mua Yahoo với giá 44,6 tỷ USD, tức 31 USD/cổ phiếu Yahoo – cao hơn 62% giá trị thị trường của cổ phiếu Yahoo lúc đó. Microsoft nói Yahoo sẽ mang lại cho Microsoft một công cụ tìm kiếm để cạnh tranh với Google. Bản thân Google lúc đó đã rất lo lắng, nỗ lực kêu gọi các quan chức chống độc quyền và kêu gọi các công ty khác cùng chống lại vụ thâu tóm này. Báo Wall Street Journal cho biết Google đã đề nghị giúp Yahoo thoát khỏi Microsoft.

Tuy nhiên, ngày 11/2/2008, Yahoo đã chính thức từ chối mức giá 44,6 tỷ USD của Microsoft với lý do “quá thấp”.

Microsoft vẫn không từ bỏ ý định thâu tóm Yahoo. Ngày 18/4/2008, Yahoo đòi mức giá 40 USD/cổ phiếu nếu Microsoft muốn thâu tóm họ. Nhưng đến ngày 30/4, Yahoo giảm mức giá xuống 38 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên, ngày 3/5, Micosoft cho biết họ chỉ chấp nhận mua Yahoo với giá 33 USD/cổ phiếu. Và cuối cùng, hai bên không thống nhất về giá mua. Như vậy, sau bao nhiêu nỗ lực thâu tóm biểu tượng Internet Yahoo, đầu tháng 5/2008, Tổng giám đốc Microsoft, Steve Ballmer, nói công ty quyết định bỏ vụ mua Yahoo.

Tháng 6/2008, Microsoft lại đề nghị mua 16% cổ phần Yahoo với giá 8 tỷ USD và thêm 1 tỷ USD để mua mảng kinh doanh tìm kiếm Yahoo. Đề nghị này của Microsoft là một giải pháp tình thế cho nhã ý thâu tóm Yahoo trước đó của hãng. Tuy nhiên, Yahoo tiếp tục từ chối Microsoft.

Trước “phát súng Chrome” của Google, Ian Moulster, người phụ trách Windows Live Commercial của Microsoft phát biểu: “Có thêm sự lựa chọn là một điều tốt từ góc độ người dùng. Nhưng chúng tôi cảm nhận rất chắc chắn rằng IE8 sẽ nổi bật trước bất cứ trình duyệt nào khác”.

Thứ Năm, 04/09/2008 08:38
51 👨 242
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp