Điện thoại Việt khẳng định thương hiệu

Theo thông tin Trung tâm Thông tin Thương mại và Công nghiệp (Bộ Công Thương), thị phần Q-mobile từ 5% tháng 2/2009 đã tăng lên 10%. Cùng thời gian này thị phần Samsung từ 11,9% xuống còn 7,4% ; Motorola từ 3,5% xuống còn 1,63%. Trong vòng quý 2/2009, hai tên tuổi khác của làng di động Việt là F-mobile của FPT và Mobistar của P&T Mobile cũng chính thức chào sân những chiếc điện thoại của mình. Những con số này đã phần nào phản ánh thị phần điện thoại thương hiệu Việt với tốc độ tăng trưởng khá đang dần khẳng định chỗ đứng của mình trong lòng người tiêu dùng Việt.

Những ngôi sao mới

Tháng 5/2009, nhà phân phối chính thức điện thoại di động SonyEricsson là P&T Mobile đã chào ra mắt sản phẩm điện thoại thương hiệu Việt Mobistar với 12 mẫu do chính công ty tạo nên. Mobistar gồm các nhóm sản phẩm StarFun- vui nhộn, StarMusic- âm nhạc, StarFashion- sành điệu. Trong đó, StarFun là dòng điện thoại giá thấp dành cho đối tượng mới sử dụng điện thoại lần đầu hoặc cho học sinh, sinh viên, công nhân, thợ thủ công... StarMusic hướng đến phân khúc giá trung bình dành cho giới trẻ yêu nhạc, ưa giải trí. Và StarFashion lại hướng đến những bạn trẻ sành điệu, giới công nhân viên chức có điều kiện. Tiếp đến, tháng 9/2009, P&T Mobile lại tung ra mẫu điện thoại kiểu dáng iPod thời trang mang tên mPod- họa mi nhạc số. Khác với các mẫu điện thoại dạng candy bar, mPod trông giống chiếc máy nghe nhạc iPod hơn.

Từ kiểu dáng bên ngoài đến cách điều khiển điện thoại đều giống iPod với vòng điều khiển nhạc StarRing bằng công nghệ cảm ứng nhiệt. Vòng điều khiển StarRing cho phép người dùng tìm kiếm, lựa chọn album hay list nhạc, tăng hoặc giảm âm hanh khi nghe nhạc, nhận hay từ chối cuộc gọi bằng cách vuốt tạo nhiệt theo chiều kim đồng hồ và ngược lại. Điện thoại còn sở hữu màu sắc trẻ trung: hồng, đen, trắng, nâu ấn tượng và hỗ rợ thẻ nhớ 8GB để bạn nghe nhạc qua loa ngoài hoành tráng. Đây rõ ràng là model điện thoại nghe nhạc thời trang dành cho các bạn trẻ năng động, các bạn teen bởi kiểu thiết kế bắt mắt, mỏng, gọn nhẹ.

Sự có mặt của mPod lần này cho thấy các nhà sản xuất Việt đã thực sự tìm kiếm sự riêng biệt cho dòng sản phẩm của mình chứ không chỉ quanh quẩn với kiểu quen thuộc 2 sim, 2 sóng, xem tivi na ná nhau của điện thoại Trung Quốc. Mpod mang đến trào lưu sử dụng điện thoại Việt hoàn toàn mới cả về kiểu dáng, tính năng và giá cả rất phù hợp. Bên cạnh mPod thì các nhãn hiệu điện thoại khác của Q-mobile cũng có những cải tiến đáng kể để thu hút người dùng. Q-mobile T630 nam tính trong kiểu dáng vuông vức, phím bấm vuông bố trí rộng rãi tạo cảm giác thoải mái và hơi lạ mắt.

Hay như dòng CF23 dù chưa có sự đầu tư về chiều sâu trong kiểu dáng độc như mPod nhưng cũng được tô son điểm phấn với lớp vỏ được trang trí nhiều hình ảnh khá bắt mắt. Dòng Connspeed M950 với màn hình cảm ứng rộng 3,5inch, thiết kế bo tròn các góc tròn trĩnh dễ thương trông giống iPhone mà giá lại hấp dẫn hơn nhiều. Đặc biệt là chức năng Blacklist cho phép chặn cuộc gọi từ những số máy mà mình không muốn. Với Bavapen thì như mẫu B800 có bàn phím QWERTY kiểu dáng khá giống Blackberry với hệ điều hành Windows Mobile cũng nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Khẳng định vị thế

Trước nay, điện thoại Trung Quốc rẻ, ai cũng biết. Tuy nhiên nhiều người vẫn lo ngại về chất lượng. Đó là do nguồn hàng này phân phối theo dạng tiểu ngạch. Thậm chí là hàng xách tay không có đại lý chính thức ở Việt Nam và chất lượng bị thả nổi.

Song với các dòng điện thoại thương hiệu Việt hiện nay dù được đặt hàng từ các nhà sản xuất Trung Quốc nhưng đã được các nhà phân phối, sản xuất trong nước chọn lọc lựa nguồn hàng có chất lượng. Hơn thế, nhiều tên tuổi lớn tham gia sản xuất, phân phối như FPT với thương hiệu F-mobile, P&T Mobile với những mẫu điện thoại thương hiệu Mobistar, công ty Viễn thông An Bình với những chiéc máy nhãn hiệu Q-mobile cùng chế độ bảo hành nghiêm túc.

Tất cả các yếu tố này đã khiến điện thoại thương hiệu Việt đang dần khẳng định vị trí của mình trong lòng người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc đến vai trò quảng bá thương hiệu khá mạnh mẽ và chuyên nghiệp hơn của các nhà sản xuất Việt. Nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, chế độ bảo hành, hậu mãi lâu dài.

Ví như F-mobile bảo hành 13 tháng, sửa máy trong vòng 3 ngày làm việc, đổi máy mới hoặc máy có giá trị tương đương nếu máy bị hỏng liên tiếp 3 lần cùng 1 lỗi. Yếu tố giá cũng đóng vai trò quan trọng thu hút lượng lớn người tiêu dùng. Các dòng sản phẩm này đều có mức giá trung bình từ 800- hơn 2 triệu đồng với khá nhiều chức năng giải trí như chụp ảnh, nghe nhạc, MP3, radio, thẻ nhớ mở rộng, chat với Yahoo, Sky qua các phần mềm hỗ trợ ...

Xu hướng bắt đầu sử dụng điện thoại Việt đang khá phát triển với nhiều người tiêu dùng Việt. Điều này được thể hiện rõ ở thông tin về việc tăng trưởng của Q-mobile, sự bùng nổ của nhiều nhà sản xuất, phân phối. Thói quen tiêu dùng chỉ hướng đến những thương hiệu nổi tiếng như Nokia, Samsung... đang dần thay đổi. Nhiều khách hàng cho ý kiến, khi tôi hướng đến mPod là tôi muốn thay đổi quan niệm mua sắm của mình.

Tôi muốn có được cảm giác trải nghiệm mới với những mẫu điện thoại mới. Mong muốn còn lại của người tiêu dùng hiện nay là sản phẩm Việt nên có những kiểm dáng đột phá hơn nữa. Lạ mắt, ấn tượng, dần thoát khỏi vỏ bọc của điện thoại Trung Quốc. Bên cạnh đó cũng cần có cả những dòng sản phẩm hướng đến từng đối tượng người dùng chuyên biệt như người già với phím bấm lớn, màn hình hiển thị số to, chức năng đơn giản, dễ hiểu.

Với giới trẻ thì cần kiểu dáng trẻ trung, nhiều tính năng giải trí hấp dẫn. Hay như với dân văn phòng thì điện thoại nên phát triển mạnh ở hệ điều hành, hỗ trợ ứng dụng văn phòng cùng các kết nối Internet.

Không chỉ hấp dẫn ở giá rẻ, mới đây, Q-mobile đã tự tin tung ra dòng sản phẩm vàng tinh tế và sang trọng F680 gold với mức giá 4.990.000 đồng. Đây là dòng sản phẩm cao cấp nhắm vào giới trung niên mong muốn có được chiếc điện thoại với chất liệu bền vững và sang trọng.

Tại thời điểm ra mắt Mobistar, nhạc chào chính thức là ca khúc “Đường đến ngày vinh quang”, ca khúc này cũng được P&T Mobile mua bản quyền để khai thác cho thương hiệu của mình. Đây là một lời khẳng định về sự thành công trong tương lai của điện thoại Việt.

Thứ Năm, 05/11/2009 06:58
31 👨 449
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp